Hotline 24/7
08983-08983

Mái trường lý tưởng cho trẻ tự kỷ

Nằm tại Nhuận Đức, huyện Củ Chi, trường chuyên biệt Khai Trí cơ sở 2 như ngôi làng bình yên mà ở đó những đứa trẻ tự kỷ như những chú chim sổ lồng được trở về với thiên nhiên...

Khu hoạt động thể thao giúp trẻ tự kỷ hoàn thiện thể chất

Sáng 20/10/2017, ngồi trong văn phòng của trường, BS Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập và chủ tịch HĐQT trường Khai Trí, chỉ ra khoảnh sân rộng lớn, sạch sẽ phía trước mặt và nói: “Mỗi sáng, học sinh các lớp thay phiên nhau quét dọn sân trường. Ở đây các em có rất nhiều hoạt động khác nhau để giúp chúng giảm stress và có lợi cho việc trị bệnh”.

Cách đây 16 năm, ông và vợ vui mừng đón nhận hai đứa bé trai kháu khỉnh ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Những tưởng suôn sẻ thì mọi chuyện lại rẽ sang một hướng khác. Ông nói: “Trước hai tuổi, chúng bình thường. Nhưng sau hai tuổi chúng bắt đầu suy thoái, đứa thì nói chuyện rõ ràng, nhưng tăng động, chạy nhảy không ngừng; đứa lại thụ động, không nói chuyện, dù nghe và hiểu được hết. Nhưng sau đó đứa thụ động lại có biểu hiện kích động, làm mọi hành vi bất chấp nguy hiểm”.

Khai Trí 2 ra đời đầu năm 2015, như để hoàn thiện giấc mơ trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ mà BS Mẫm ấp ủ bấy lâu nay. Trong khi một đứa con của ông theo học tại một ngôi trường ở thành phố như các trẻ bình thường, một đứa khác lại được chuyển lên đây sống, nhờ thế mà em giảm tăng động và học hành tốt.

Khởi đầu với miếng đất hoang sơ 4.000m2 hợp tác với ThS Võ Thị Thuỳ, người nhiều năm tâm huyết và gắn bó với lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt, nay cơ ngơi đã mở rộng lên đến 12.500m2.

Từ dãy phòng học gồm các lớp dạy văn hoá và chuyên môn, nếu đi sâu vào trong người ta sẽ bắt gặp một hồ bơi rộng 120m2. BSMẫm nói: “Gọi là hồ tắm thì đúng hơn, vì hồ chỉ có sâu 30 - 40cm để không gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ được tiếp xúc với  nước như một hình thức điều hoà cảm giác và các giác quan”.

Qua khỏi hồ bơi là một khu vườn rau sạch, vừa để cải thiện bữa ăn cho trường, vừa làm nơi giáo dục trị liệu bằng nông nghiệp. Ngoài trồng rau, đậu, cây ăn trái, vườn còn ươm cây con, hoa kiểng, một phần sản phẩm này có công trồng trọt, chăm sóc của các trẻ. Thế nhưng, mô hình nông nghiệp liệu pháp chỉ được hoàn thiện khi vào tháng 9, trường có thêm một khu nuôi thú.

BS.CK2 Lâm Hiếu Minh, người tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài về trị liệu trẻ đặc biệt, rất tâm huyết với mô hình trị liệu bằng động vật (pet therapy) này. Ông nói: “Ở châu Á, Hàn Quốc là quốc gia tiên phong trong ứng dụng trị liệu bằng động vật cho người có khuyết tật về thể chất và tâm thần. Đây là một hướng nghiên cứu và trị liệu mới nhằm hoàn thiện việc trị liệu đa ngành và toàn diện cho trẻ tự kỷ”.

Thật công phu khi trường xây dựng cả một khu nuôi thú gồm chuồng chó, dê, cừu, heo, bò, rùa và cả các ao nhỏ nuôi cá. BS Mẫm giải thích: “Trẻ xuống ao bắt cá bằng nơm để được huấn luyện sự liên kết giữa mắt và tai. Khi mắt và tai phối hợp với nhau để bắt được con vật thì bộ não của trẻ cũng được giải quyết tốt”.

Bề thế không kém khu chăn nuôi là khu vui chơi thể dục thể thao với các máy tập, nệm nhún, sân bóng đá mini… giúp trẻ vận động và phát triển thể chất. Sáng 20/10, trong khi lắp đặt thêm một số hàng rào quanh các bồn hoa gần đó, các công nhân cũng cho vận hành thử một khu phun nước dùng làm massage thuỷ trị liệu.

Giải thích vì sao trường có nhiều mô hình trị liệu, BS Mẫm cho biết mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng và có mối quan tâm khác nhau, có trẻ thích thể thao, trẻ thích âm nhạc, trẻ lại thích trồng trọt… Ông nói: “Phải chiều theo sở thích của chúng, chứ không làm đúng thì chúng phản ứng lại. Khi chúng đã chấp nhận mình là bạn rồi thì mình mới dễ dàng thay đổi chúng”. Nhưng trăn trở lớn nhất đối với đội ngũ quản lý và giáo viên của trường Khai Trí 2 vẫn là xây dựng một mô hình hướng nghiệp cho những học sinh lớn. Từ năm học này, trường Khai Trí 2 phát triển thêm việc định hướng nghề nghiệp cho các trẻ 15 tuổi trở lên. Chúng được học các nghề phổ thông như bảo vệ, làm vườn, đan lát, xâu hạt, chế biến thức ăn, pha chế thức uống, dọn dẹp nhà cửa…

Từ chỗ chỉ thu nhận được 5 - 6 trẻ năm học đầu tiên, năm học này Khai Trí 2 tiếp nhận đến 110 trẻ. Dù đi được một chặng đường không nhỏ, nhưng BS Mẫm vẫn khiêm tốn khi trò chuyện: “Tôi vẫn đang ‘bơi’ trong lĩnh vực này. Có gì cần góp ý hay chỉ bảo, bạn cứ nói tôi sẽ lắng nghe”.

Ở tuổi 75, BS Huỳnh Tấn Mẫm vẫn tâm huyết với giấc mơ trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ. Ông và những người cùng chí hướng từng mở ngôi trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam (trường Khai Trí 1, năm 2010) và giờ đây là một cơ sở nối tiếp khác để hoàn thiện giấc mơ này.

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X