Hotline 24/7
08983-08983

Mắc polyp túi mật, vì sao?

Polyp túi mật là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nữ nhiều hơn nam. Đa số polyp túi mật thuộc dạng lành tính.

 Đa số polyp túi mật thuộc dạng lành tính, tuy vậy, có một tỷ lệ rất thấp trở thành ác tính. Hiện nay, điều trị bằng phương pháp nội soi cắt bỏ túi mật là một phẫu thuật ít xâm lấn, ít đau, ít biến chứng và sau phẫu thuật người bệnh hồi phục nhanh chóng.

Mắc polyp túi mật, vì sao?

Vị trí túi mật trong hệ tiêu hóa

Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật, là hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Tỷ lệ bị polyp túi mật khoảng từ 0,3 - 9% dân số.

Có nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành polyp túi mật như rối loạn chức năng gan - mật, rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, người thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng không phù hợp (ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật, uống nhiều rượu, bia...), gan nhiễm mỡ, nhiễm virut viêm gan.

Đại đa số polyp túi mật không phải là dạng u tân sinh mà chỉ là "u giả" do lắng đọng cholesterol hoặc viêm nhiễm. Đa số các trường hợp polyp túi mật là lành tính và thường có kích thước nhỏ dưới 10mm, các loại này gần như không có khả năng trở thành ác tính (ung thư).

Vì vậy, không nên quá sợ hãi khi phát hiện polyp túi mật, nhất là loại có kích thước dưới 10mm. Số lượng và kích thước của polyp túi mật khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp và kích thước nhỏ hơn 10mm. Tuy vậy, một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật và có thể có kích thước khá lớn (trên 20 - 40mm).

Một số trường hợp vừa có polyp túi mật vừa có sỏi túi mật. Trong trường hợp polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm, chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh có thể nghĩ đến polyp ác tính, cần phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt.

Thái độ xử trí khi có polyp túi mật

Khi polyp túi mật nhỏ dưới 10mm và không có biểu hiện gì khác thường (đau bụng, đau dưới hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa hoặc có sốt kèm theo), người bệnh không nên quá lo lắng, chưa cần dùng một biện pháp gì chữa trị và nên xác định là chung sống hòa bình với chúng.

Tuy vậy, người bệnh cần chú ý, sau từ 3 - 6 tháng cần được siêu âm túi mật. Nên siêu âm ở cơ sở y tế có đủ điều kiện để tiện việc đánh giá, kết luận. Sau thời gian đó nếu siêu âm không còn hình ảnh của polyp, không cần phải xử trí gì.

Nếu siêu âm thấy polyp có kích thước trên 10mm, chân lan rộng, có hiện tượng xâm lấn, hình không đều đặn, phát triển nhanh, kèm theo đau bụng vùng hạ sườn phải, thượng vị, rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn) và kết quả xét nghiệm chức năng gan mật có những thay đổi đáng kể, nên có hội chẩn để đề xuất can thiệp phẫu thuật ngoại khoa nhằm cắt bỏ polyp túi mật.

Cắt bỏ polyp túi mật đồng nghĩa với cắt bỏ toàn bộ túi mật. Hiện nay, điều trị bằng phương pháp nội soi cắt bỏ túi mật là một phẫu thuật ít xâm hại, ít đau, ít biến chứng và sau phẫu thuật người bệnh hồi phục nhanh chóng.

Với loại polyp túi mật giả, chỉ cần áp dụng chế độ ăn giảm chất béo, hạn chế ăn mỡ, lòng động vật, tôm, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu), không uống rượu bia, nếu có tăng cholesterol máu cần tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ.


Theo ThS.BS Bùi Mai Hương - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X