Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để không “bất lực” với… bạo lực trẻ em?

Liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây ở phạm vi trong và ngoài cơ sở giáo dục khiến dư luận hết sức bất bình. Làm thế nào để ngăn chặn?


Bảo mẫu tại cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) bạo hành trẻ em gây phẫn nộ dư luận (Ảnh cắt từ clip).

Bảo mẫu tại cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) bạo hành trẻ em gây phẫn nộ dư luận (Ảnh cắt từ clip).

Trên 2.000 trẻ em bị bạo lực mỗi năm

Việt Nam là một trong những Quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo Trung tâm Truyền thông giáo dục (Bộ GD&ĐT), tại Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại Đà Nẵng, những con số thống kê trẻ em bị bạo lực, xâm hại được công bố rất đáng báo động.

Cụ thể, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn thế giới khảo sát, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Báo cáo về can thiệp và hỗ trợ theo Đường dây nóng 18001567 (phản ánh về bạo lực trẻ em) thì trong 689 ca bạo lực trẻ em, có đến 6/10 ca bạo lực thân thể, trong đó có 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường…

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cụ thể, ngày 26/11, một cơ quan báo chí đã đưa ra một clip điều tra về nạn bạo hành xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Trong clip phản ánh, chủ trường mầm non là bà P.M.L cùng với ít nhất 2 bảo mẫu khác đã có hành vi bạo lực khi dạy dỗ các trẻ được cha mẹ gửi cho trường. Các bảo mẫu có hành vi dùng tay đánh; dùng chân đạp; tát vào mặt, đầu; dùng vật dụng sinh hoạt để đánh, thậm chí là dùng dao làm bếp đập vào đầu trẻ em… Thời điểm phản ánh các bảo mẫu bạo hành các cháu bé là vào giờ ăn, lúc rửa tay hay khi ngủ trưa. Sau khi đoạn clip được đăng tải, Công an quận 12, TPHCM đã vào cuộc điều tra.

Làm gì để ngăn chặn?

Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản và ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ.

Tuy nhiên, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Những vụ việc bạo hành trẻ em ngay tại cơ sở chăm sóc, giáo dục cho thấy thực trạng báo động vì nó xảy ra ở rất nhiều nơi chứ không riêng gì thành thị hay nông thôn. Để xảy ra liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non, tôi cho rằng đó cũng là do một phần trong quá trình đào tạo giáo viên, chúng ta chưa chú ý đến những kỹ năng giáo dục trẻ. Các trường đào tạo cũng cần phải chú ý nhiều hơn về vấn đề đó, các đơn vị quản lý giáo dục cũng phải thực hiện nghiêm túc quản lý giáo dục chặt chẽ hơn chứ dễ dãi cấp phép, ít kiểm tra thì các cơ sở sẽ hoạt động thiếu nghiêm túc”.

UBND TPHCM vừa tổ chức họp khẩn với các sở, ngành và 24 quận, huyện tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường mầm non trên địa bàn. Ngoài xử lý nghiêm theo pháp luật với những cá nhân trực tiếp bạo hành trẻ em của cơ sở mầm non Mầm Xanh, UBND TPHCM cũng đã đưa ra giải pháp trước mắt để chấm dứt ngay tình trạng bạo hành trẻ em là lắp camera giám sát ở các cơ sở trông giữ trẻ. Thành phố cũng dự kiến trong tháng 12 tới, sẽ hoàn thành quy chế thành lập trường mầm non với các quy định chặt chẽ.

Đối với ngành giáo dục, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có đề nghị các Sở GD&ĐT, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo, triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường… Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đối với các thầy, cô giáo, tuyệt đối không sử dụng các hành vi mang tính bạo lực, miệt thị, xúc phạm và hận thù đối với học sinh trong các hoạt động giáo dục. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “Yêu cho roi cho vọt”, “Đòn đau nhớ đời” để không sử dụng hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ, hãy cùng đồng hành với nhà trường, thầy cô trong giáo dục, rèn luyện con của mình.

Theo Quang Anh - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X