Kỹ năng thoát nạn trong đám cháy
Thực tế, nguyên nhân nghẹt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao hơn, nhanh hơn bị phỏng và cháy. Vì vậy hãy di tản nhanh chóng ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.
Vụ cháy khu vui chơi Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cách đây vài giờ khiến 6 người thiệt mạng, một lần nữa nhắc nhớ lại kỹ năng thoát hiểm trong các vụ cháy mà ai cũng nên nhớ, không chỉ cho mình mà còn để cứu người khác.
Công tác thoát nạn được nhìn nhận bằng hai phương diện: các điều kiện an toàn của lối thoát nạn và kỹ năng tổ chức thoát nạn của người trong điều kiện cháy.
Lối thoát
Lối thoát nạn có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối đi dẫn tới cầu thang bộ thoát nạn. Lối thoát nạn còn có thể là lối đi ngang dẫn sang công trình liền kề.
Các lối thoát nạn phải được bố trí phân tán. Lối thoát nạn đảm bảo khi số lượng và chiều rộng tổng cộng của các lối thoát nạn đảm bảo cho việc thoát nạn của tối đa người trong công trình hoặc khu vực cần thoát nạn. Các yêu cầu cụ thể của lối thoát nạn phải đảm bảo theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Kỹ năng tổ chức thoát nạn
Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, người gặp nạn chuyển động đồng thời cùng một lúc, tự do, không được tổ chức hợp lý , có rất ít thời gian để phản ứng, suy nghĩ.
Thời gian thoát nạn kéo dài sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Điều quan trọng là phải biết bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra.
- Một nguyên tắc trong công tác thoát nạn trong đám cháy là khi thoát nạn phải cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn luôn bay lên cao; nằm dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để bò.
- Để chống nhiễm khói, lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa ngoài dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng cho người.
- Không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Không nên giúp đỡ người khác thoát nạn khi bản thân cũng đang bị khói, lửa đe dọa đến tính mạng.
- Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường, lối, sơ đồ thoát nạn. Điểm này có thể sẽ giúp ích rất tốt, cứu mạng con người khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết và nên đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.
- Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.
- Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.
- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.
- Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng cửa lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa.
- Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.
- Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.
- Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại. Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa.
- Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng phải tổ chức sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.
- Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoai 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.
Theo Một thế giới
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình