Hotline 24/7
08983-08983

Khi vợ chồng không cùng tính cách, sở thích

Rất nhiều trường hợp vợ chồng về sống chung với nhau rồi mới phát hiện giữa hai người có nhiều điểm khác biệt. Để cùng nhau đi đến trăm năm, bạn hãy thử công thức: “0.5 + 0.5 = 1”.

Ông bà ta thường nói: Vợ chồng có tính ý khác nhau đôi khi bổ sung cho nhau, lại hay. Chẳng hạn, chồng hiền gặp vợ lanh lợi, chồng không kỹ tính gặp vợ cẩn thận, chồng nghệ sĩ gặp vợ có đầu óc thực tế, chồng trầm tính gặp vợ sôi nổi, trẻ trung v.v… Nhưng không phải lúc nào ráp lại cũng êm xuôi, ăn khớp, nhất là ở giai đoạn đầu mới cưới.

Khi hai vợ chồng không cùng sở thích. Xem tivi, anh thích mục thể thao, chị thích chương trình ca nhạc

Anh Nam tính tình điềm đạm nho nhã, hay trầm ngâm, thích đọc sách, sưu tầm đồ cổ. Chị Nga thì lanh lợi hoạt bát, hướng ngoại, hoạt động sôi nổi thích du lịch, vui chơi cùng bè bạn. Anh Nam người Hà Nội gặp chị Nga người Đồng Nai. Cưới nhau rồi mới phát hiện ra sự khác biệt về phong tục tập quán, tính cách khó thể dung hòa.

Anh thích ăn gà luộc, miến xào, canh măng, chả cá; chị thích ăn đồ kho, canh chua, các loại khô mắm của miền Nam. Trong khi anh ưng để nhà cửa cho trống trải, quang đảng thì chị lại thích trang trí nhiều tranh ảnh, trưng bày đầy kệ tủ: nào ly tách, nào những vật lưu niệm, kể cả những đồ chơi của con.

Khi xem tivi, anh thích mục thể thao, chị thích chương trình ca nhạc và phim Hàn Quốc. Khi mua sắm chị dừng lâu ở hàng quần áo, mỹ phẩm thì anh lại nhanh chân đến hàng kim khí điện máy.

Khi vào phòng ngủ chị luôn thấy người nóng bức, cần mở máy lạnh số thấp thì anh lại than rét run, đắp mền kín mít. Và nhiều sở thích trái ngược nhau, Kẻ đằng đông, người đằng tây, khiến vợ chồng cứ lục đục, càm ràm hoài.

Còn cặp vợ chồng Bảo- Vân thì luôn bất đồng về cách nuôi dạy con cái.

Khi thấy con vấp ngã, chị vội chạy lại đỡ con lên và xuýt xoa thì anh dửng dưng đứng nhìn và nói: Không sao! Hãy để cho con tự đứng lên”.

Con ăn cơm còn thừa nhiều thức ăn, chị nài ép con ăn thêm, anh lại không cho, bảo là: “Hãy để con ăn uống tự nhiên theo nhu cầu, không nên ép”. Anh dạy con gái phải khiêm nhu, khép nép dịu dàng, nói năng từ tốn, “một câu nhịn, chín câu lành”. Chị lại phản đối: “Thời buổi ngày nay mà dạy như thế thì con chỉ chuốc lấy thua thiệt. Phải dạy con mạnh mẽ, tự tin, biết vùng lên, khẳng định bản thân để bình đẳng với nam giới, sau này chồng không ăn hiếp được”.

Nuôi dạy con cái, người thì nóng ruột, kẻ lại thờ ơ, kẻ đánh trống xuôi, người thổi kèn ngược, hỏi sao sống hòa thuận cho được?

Giáo dục con cái cần sự thống nhất giữa hai vợ chồng, tránh để trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Vợ chồng anh Công, chị Thanh thì mâu thuẫn về về cách chi tiêu tiền bạc. Anh thì hết sức tằn tiện, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, có bao nhiêu tiền anh mua vàng tích trữ hoặc gửi hết vào ngân hàng. Quần áo, giày dép, giỏ xách, anh xài rất bền, hơn mười năm không hề sắm đồ mới. Còn chị Thanh thì chi tiêu rộng rãi, siêng sắm sửa vật dụng cho gia đình. Tuy không theo mốt nhưng chị cũng chịu khó sắm sửa quần áo mới để khi đi làm, không bị chê quê mùa. Thấy họ hàng khó khăn, chị sẵn sàng giúp đỡ dù đồng lương có hạn.

Cách chi tiền trái ngược nhau như thế nên giai đoạn đầu thường xảy ra xung đột, bất đồng ý kiến cãi vã, mất vui.

Tuy nhiên, trên nền tảng lớn là tình yêu, đa phần họ đã tự điều chỉnh để dần dần thích nghi, hòa hợp với người bạn đời của mình.

Trường hợp anh Nam và chị Nga, tuy không cùng sở thích về ăn uống nhưng qua thời gian sống chung, họ cố gắng quen dần với khẩu vị của nhau. Mâm cơm gia đình lúc nào cũng có món ăn của hai miền. Về tính cách, họ đã nương nhau mà sống, tôn trọng sở thích của nhau. Phòng khách vẫn trưng bày nhưng đơn giản, bớt rườm rà. Họ đã sắm thêm một cái tivi để mỗi người có thể xem được chương trình yêu thích. Chồng sắp thêm một phòng ngủ không gắn máy lạnh để khi nào chịu lạnh không nổi thì tản cư qua, mỗi người ngủ một phòng.

Còn với Bảo- Vân mâu thuẫn về cách dạy con cái, hai vợ chồng cùng ngồi lại phân tích, bàn bạc, nêu rõ ý định và mục đích của mình, cùng thống nhất biện pháp giáo dục con hiệu quả hơn. Dĩ nhiên ai cũng muốn tốt cho con, miễn sao hướng con sống tốt, đảm bảo đạo đức, văn minh. Chồng thuyết phục vợ nên dạy con theo hướng tự lập, phân tích hợp lý đã nhận được sự đồng tình.

Có vẻ khó hơn là chuyện của anh Công, chị Thanh. Để tránh những mâu thuẫn về tiền bạc, vợ chồng đã xây dựng quĩ chung. Đối với quĩ chung (tiền của chúng ta) họ chi cho những sinh hoạt cần thiết trong gia đình. Còn quĩ riêng (tiền anh, tiền em) thì của ai, người nấy giữ, vợ hoặc chồng có thể chi theo nhu cầu và sở thích của mình, không ai phiền ai.

Cách chi tiêu trái ngược nhau cũng là nguyên nhân xảy ra xung đột, bất đồng ý kiến, cãi vã...

Có một câu nói thật hay: “Hôn nhân không phải là : 1+1 = 1 mà là 0.5+0.5=1”

Tức là hai người bỏ đi một nửa cá tính và khuyết điểm của mình, sau đó mới thành một kết hợp trọn vẹn.

Đã là vợ chồng thì nên biết lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, nhất là cần phải tôn trọng, nhường nhịn nhau.

Quá trình chung sống vợ chồng chính là quá trình giải quyết những mâu thuẫn, điều chỉnh hành vi, thích nghi và sửa đổi. Đôi khi phải dẹp bỏ cái “tôi” và tự ái của mình, biết hy sinh để sống hòa hợp với người bạn đời.
Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X