Hotline 24/7
08983-08983

Hiến tạng cứu người: Phép mầu có ở mỗi người

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối tạng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho hay hiện tại số người chết não đồng ý hiến tạng mới đạt tỉ lệ 1/60 số trường hợp được bác sĩ tư vấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bên trái) thăm thiếu niên vừa được ghép phổi - Ảnh: TTĐPHGMTQG

Trong khi nhu cầu người bệnh cần cấy ghép mô, tạng rất lớn nhưng số người đồng ý hiến mô, tạng lại hạn chế.

Tự nguyện cho đi


Chiều 9/1, một người đàn ông trạc tuổi trung niên, khoác trên người bộ đồ màu lính đã sờn bước đến gõ cửa phòng gặp trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để hiến tạng. Người đàn ông này ngọng nghịu nói: "Xin chào bác sĩ. Tôi muốn hiến tạng cho con nít".

Tại đây, thạc sĩ Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội - tận tình cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy luôn sẵn sàng tiếp nhận và tư vấn cho những người tình nguyện hiến xác khi chết não hay hiến một phần mô, tạng (thận, giác mạc...) khi còn sống vì mục đích nhân đạo. Để được tư vấn chi tiết, người có nguyện vọng hiến mô, tạng đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

TS.BS Nguyễn Bách - trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - cho biết ngoài nguồn hiến tạng là người chết não thì người sống cũng có thể hiến thận. "Những người sống hiến thận thường là những người cùng huyết thống. Tuy nhiên, trên thực tế tỉ lệ anh chị em cùng huyết thống đồng ý hiến tạng cho nhau cũng chỉ đạt 1/10 số trường hợp được bác sĩ tư vấn, nhưng người tự nguyện hiến thận cho người ngoài (người không có họ hàng) lại rất cao" - TS Bách cho biết.

Như gặp lại người thân

Đầu tháng 1/2018, khoảng 20 ngày sau khi chồng qua đời, chị Thanh Phương ở Ninh Bình và cậu con trai thứ 2 cùng anh chị em nội ngoại trở lại Bệnh viện Việt Đức, nơi đã chứng kiến giây phút sinh ly tử biệt của gia đình. Chồng chị Phương là anh Dương Hồng Quý, khi mất tròn 43 tuổi và đã hiến tạng cứu 6 người. Lần này, chị đến để gặp gia đình cháu Nguyễn Văn Đức, người đã được nhận phổi của chồng chị.

Giây phút mẹ Đức tiến vào căn phòng chật hẹp của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng, cả gia đình chị Phương òa khóc, hình như họ nhận được điều kỳ diệu là tâm linh tương thông. Lần đầu tiên gặp mặt, họ đã như thân quen, họ giữ những gì là máu thịt của nhau. Vừa gặp gỡ, hai người phụ nữ ôm chặt lấy nhau. Lần đầu gặp mặt, họ đã biết mình là người một nhà.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được may mắn như trường hợp trên. Anh Nguyễn Hoàng Phúc, một cán bộ điều phối hiến ghép mô tạng, chia sẻ anh thường xuyên nhận được những tin nhắn đầy khắc khoải, van lơn: "Con tôi đang cần tim"; "Anh tôi đang cần gan", mong được cứu giúp... "Tôi thực sự ám ảnh vì hầu như không thể giúp được. Nhiều người đã ra đi vì không chờ được đến ngày có tạng hiến tặng..." - anh Phúc chia sẻ.

Trường hợp của bệnh nhân rất trẻ tên Nguyễn Anh Đức là một ví dụ. Suốt gần một tháng trước khi Đức qua đời, các bác sĩ phát đi thông báo khẩn mong những gia đình có người thân chết não nhóm máu O hiến tim cho chàng trai trẻ.

Đức mắc bệnh giãn cơ tim giai đoạn cuối và em có thể hồi sinh nếu có người hiến tim. Các bác sĩ đã sử dụng đến những kỹ thuật đắt đỏ nhất, liên tục ép tim, "chiến đấu" giành sự sống cho Đức.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa tim mạch - lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, tâm sự ông không dám đi về phía phòng bệnh của Đức vì ông sợ những câu hỏi "có cách nào khác không bác?".

Câu hỏi khắc khoải của chàng trai vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đức muốn sống, nhưng rồi không ai hiến tim (dù trước đó có một người chết não có chỉ số phù hợp nhưng gia đình không hiến), và cậu buộc phải lìa xa cõi đời.

Người hiến tạng có quyền lợi gì?

Theo quy định, chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác như sau:

- Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác khi còn sống:

1. Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do bộ trưởng Bộ Y tế quy định...

2. Được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày: 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 2 ngày. Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 3 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.

3. Được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng.

4. Được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định.

- Đối với người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác sau khi chết:

1. Hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở...

2. Trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.


Quy trình đăng ký hiến mô tạng

Pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định bất kỳ ai đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não. Nếu muốn đăng ký hiến tạng, có thể thực hiện theo một trong những cách thức sau:

Đối với quy trình tiếp nhận hiến tạng của người chết não: người hiến tạng hoặc thân nhân người hiến tạng báo nguyện vọng cho cơ sở y tế đang điều trị hoặc có thể liên hệ trực tiếp với đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, nhân viên của đơn vị điều phối tạng sẽ hướng dẫn các thủ tục cần làm tiếp theo. Bệnh viện Chợ Rẫy liên lạc điện thoại: 028 39560139 - 028 38554137; 0913677016.

- Tại miền Bắc, đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - Bộ Y tế, 40 Tràng Thi, Hà Nội (nhà C2, tầng 2, Bệnh viện Việt Đức) để được tư vấn, hướng dẫn đăng ký và được cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng. Hotline 091 506 0550 hoặc 024 39386693.

Các bước đăng ký hiến tạng của người cho là người chết não gồm: đơn vị điều phối tạng đăng ký tiếp nhận người hiến tạng. Giải thích, tư vấn cho thân nhân người hiến. Xét nghiệm kiểm tra toàn bộ về người hiến tạng gồm nhóm máu, HLA, chức năng tạng hiến, các bệnh lý nhiễm trùng... Chọn người nhận tạng phù hợp từ danh sách chờ ghép. Xét nghiệm kiểm tra lần cuối sự tương thích giữa người cho và người nhận. Tiến hành phẫu thuật lấy tạng và ghép tạng. Chăm lo hậu sự cho người hiến tạng.


Nhiều nước có luật mặc định hiến tạng sau khi chết

Ông Trịnh Hồng Sơn, giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, trao thẻ hiến tạng cho anh Mourez, tùy viên của Đại sứ quán Pháp tại VN - Ảnh: TTĐPHGMTQG
Liên quan tới hiến tạng sau khi chết, thế giới phổ biến hai cách hệ thống quy định khác nhau. Một là "opt-in system" có nghĩa người có nguyện vọng hiến tạng chủ động tới đăng ký tại cơ sở có trách nhiệm, và hai là "opt-out system" nghĩa là trừ khi bạn có nguyện vọng từ lúc sống không đăng ký hiến tạng, còn không thì mặc nhiên hiểu rằng bạn đồng ý hiến tạng sau khi chết.

Theo trang Medicalnewstoday, thống kê của các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Nottingham, ĐH Stirling và ĐH Northumbria của Anh cho biết thế giới có 23 nước đang sử dụng hệ thống opt-in và 25 nước sử dụng hệ thống opt-out.

Nghiên cứu của họ cũng nhận thấy những nước áp dụng hệ thống opt-out có số ca hiến thận cao hơn, đây cũng là loại tạng có danh sách người chờ hiến thường lớn nhất. Hệ thống opt-out cũng giúp các nước có luật này có tổng số ca hiến tạng cao hơn so với opt-in.

Theo Hãng tin Reuters, những nước có luật mặc định hiến tạng sau khi chết gồm: Singapore, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hi Lạp, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Thụy Điển. Luật này cũng sẽ có hiệu lực tại Anh từ 2020. Cho tới nay Tây Ban Nha là nước có tỉ lệ hiến tạng cao nhất thế giới với tỉ lệ cứ 1 triệu người dân lại có 35,1 người hiến.

Tại Nhật Bản, thẻ đăng ký hiến tạng phải có chữ ký của người hiến cùng hai người làm chứng khác, trong đó có một người thân. Tuy nhiên gia đình người đăng ký hiến có quyền rút bỏ quyết định hiến tạng của người nhà họ vào bất cứ thời điểm nào.

Theo Đài NDTV (Ấn Độ), những người bị cấm hiến tạng là những người bị ung thư, HIV hoặc nhiễm trùng máu có thể gây bệnh. Ngoại trừ những trường hợp này, ai cũng có thể đăng ký hiến tạng. Tại sao bạn nên đăng ký hiến tạng? Vì một người hiến tạng và mô có thể cứu được 8 sinh mạng và giúp được hơn 75 người khác.


Theo Xuân Mai - Lan Anh - D.Kim Thoa - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X