Hotline 24/7
08983-08983

Hàng chục phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc: Sự bất thường khi Bộ GTVT tuyên bố "phải báo trước 180 ngày"

Theo chuyên gia pháp lý, nếu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT có quy định khác với Bộ luật Lao động về việc yêu cầu thời gian tối thiểu cần thiết để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải áp dụng Bộ luật Lao động vì bộ luật này có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Cách đây hơn 3 năm, trong dịp Tết dương lịch 2015, khoảng 100 nhân viên hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) từng báo ốm hàng loạt, trong số đó có cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

Không những vậy, số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động cũng tăng vọt và báo cáo của VNA khi đó đánh giá, việc này gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Nguyên nhân khiến các phi công báo ốm và xin nghỉ việc không gì khác ngoài câu chuyện lương thưởng. Theo đó, các phi công nhận định rằng, lịch bay dày đặc khiến họ mệt mỏi, trong khi thu nhập thì thua xa so với đồng nghiệp các hãng hàng không khác.

Hơn 3 năm trôi qua, câu chuyện phi công xin nghỉ việc vì lương thấp lại nóng trở lại. Theo báo cáo của VNA gửi Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động.


Từ đầu năm năm 2018 đến nay, số phi công có đơn xin nghỉ việc tiếp tục tăng. Ảnh: PV

Từ đầu năm năm 2018 đến nay, số phi công có đơn xin nghỉ việc tiếp tục tăng. Ảnh: PV

Không những vậy, một nhóm phi công của VNA cũng đã gửi kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, phản ánh những bất cập trong Thông tư 41 và Thông tư 21 của Bộ GTVT đang gây khó dễ cho những phi công muốn xin thôi việc, như thời hạn báo trước 120 ngày và phải bồi hoàn chi phí đào tạo quá lớn nhưng không có hóa đơn hợp lể để chứng minh.

“Đã 3 năm qua, từ 2015, chúng tôi đã đối thoại rất nhiều lần với Vietnam Airlines nhưng không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào”, một phi công đang làm việc tại đoàn bay 919 cho biết.

Đáng lưu ý, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng quy định “Phi công xin nghỉ việc phải báo trước 180 ngày là đúng” bởi Luật lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nêu Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng xây dựng Thông tư 41/2015, nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017.


Nhiều phi công đang làm việc tại Vietnam Airlines cho biết, thực chất họ luôn bị áp bức và không được hưởng mức lương cao như mọi người thường nghĩ.

Nhiều phi công đang làm việc tại Vietnam Airlines cho biết, thực chất họ luôn bị áp bức và không được hưởng mức lương cao như mọi người thường nghĩ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Trần Thanh Phán - Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh Vượng cho biết: Quan hệ - Hợp đồng lao động giữa phi công (người lao động) và Việt Nam Airline (người sử dụng lao động) là một quan hệ được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 1 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 thì đối với Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động và phải báo trước cho người sử dụng lao động trước ít nhất 45 ngày: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày...”.

Đối chiếu với quy định này thì thời gian tối thiểu (ít nhất) để người lao động thông báo cho người sử dụng lao động khi muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động là 45 ngày. Ví dụ, người lao động có Hợp đồng Lao động không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động vào ngày 15/5/2018 thì trước ngày 01/4/2018 (tức là kể từ ngày 31/3/2018 trở về trước) là người lao động có quyền thông báo cho người sử dụng lao động về việc mình muốn chấm dứt Hợp đồng Lao động vào ngày 15/5/2018. Khi đó, người sử dụng lao động buộc phải thực hiện làm các thủ tục để giải quyết.

“Việc Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước 120 ngày trước khi dự kiến chấm dứt Hợp đồng lao động là không tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 và cũng trái với Khoản 1 Điều 4 của Bộ luật Lao động về chính sách của Nhà nước đối với người lao động về việc khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Trong trường hợp này Bộ GTVT đã quy định và đặt ra điều kiện bất lợi của người lao động, làm hạn chế, ngăn cản quyền của người lao động mà cụ thể ở đây là thời gian tối thiểu để người lao động cần phải thông báo cho người sử dụng lao động”, luật sư Phán nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Theo quy định tại Điều 2 về Luật số 17/2008/QH12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội quy định về Hệ thống văn bản pháp luật như sau:

“1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

4. Nghị định của Chính phủ.

5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ...

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Luật số 17/2008/QH12 về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Như vậy, nếu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT mà cụ thể ở đây trong trường hợp này là Thông tư 41/2015/TT-BGTVT có quy định khác với Bộ luật Lao động năm 2012 về việc yêu cầu thời gian tối thiểu cần thiết để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động khác nhau và gây bất lợi cho người lao động thì phải áp dụng Bộ luật lao động vì Bộ luật Lao động có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư của Bộ Giao thông vận tải.

Đối chiếu với các quy định của Pháp luật nêu trên thì trong trường hợp Phi công hoặc Nhân viên hàng không trình độ cao… đang công tác tại VNA mà có mong muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đối với loại Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần thông báo cho Người sử dụng lao động là VNA ít nhất 45 ngày và khi đó VNA phải thực hiện việc chấm dứt Hợp đồng lao động cho người lao động khi người lao động đã thực hiện xong các nghĩa vụ bồi thường theo quy định. Nếu người lao động đã tuân thủ và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và thông báo đúng thời hạn mà VNA không thực hiện chấm dứt Hợp đồng thì người sau thời điểm 45 ngày đó người lao động có quyền chấm dứt hoạt động tại VNA và chuyển sang đơn vị khác để làm việc.

Theo Cao Tuân - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X