Hotline 24/7
08983-08983

Hai trạm thu phí BOT đặt sát hầm Hải Vân

Trạm BOT Bắc Hải Vân và trạm Nam Hải Vân thu phí cho hai dự án được đặt cách nhau chỉ 10km, khiến nhiều người lo ngại.

Trạm BOT Bắc Hải Vân thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) do Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng. Giữa năm 2016, trạm BOT thu phí hoàn vốn được đặt tại phía Bắc hầm Hải Vân, cách hầm Phú Gia khoảng 11 km khiến nhiều người dân cho rằng trạm này đặt "sai vị trí", ngoài khu vực dự án.  

Trạm thu phí án ngữ phía Bắc hầm Hải Vân khiến người dân thị trấn Lăng Cô phải trả phí khi đi vào Đà Nẵng, dù không đi qua hai hầm Phước Tượng, Phú Gia. Ngược lại, xe của người dân Đà Nẵng đi về Lăng Cô cũng phải trả phí dù chưa đi qua 2 hầm đường bộ trên. 

Vị trí hai trạm thu phí chỉ cách nhau 10km để thu phí cho hai dự án khác nhau. Đồ họa: Việt Chung

Kết luận của Thanh tra Chính phủ giữa năm 2017 đã chỉ ra những sai phạm của Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân về tài chính, chuyển nhượng góp vốn và vị trí đặt trạm. Hợp đồng dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng không nêu rõ vị trí trạm và công nghệ thu phí. Quá trình thực hiện dự án, hai bên đã ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng, trong đó bổ sung vị trí trạm thu phí ngoài phạm vi dự án (Bắc hầm Hải Vân) nhưng không điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng. 

Vấn đề khác lo ngại hơn với người dân khu vực này là trạm BOT Nam Hải Vân sắp được chủ đầu tư xây dựng tại phía nam hầm Hải Vân, chỉ cách trạm BOT Bắc Hải Vân của dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia 10 km. Khi đó, người dân Đà Nẵng đến trước hầm Hải Vân phải trả tiền phí lưu thông qua hầm, sau khi ra khỏi hầm lại tiếp tục trả phí cho dự án Phước Tượng - Phú Gia. 

Trạm BOT Nam Hải Vân này sẽ được thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Hải Vân 2 và hạng mục bảo trì, vận hành hầm Hải Vân 1, thảm lại mặt đường quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân. Hợp đồng BOT đã được ký từ năm 2016, Bộ Giao thông đã cho phép thu phí song chủ đầu tư chưa tiến hành do lo ngại người dân phản ứng. 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc BOT Phước Tượng - Phú Gia đặt trạm thu phí xa khu vực dự án là bất hợp lý. Nhiều xe tải nặng, xe container của các đơn vị vận tải ra vào cảng Chân Mây mà không đi qua hầm Phước Tượng, Phú Gia mà vẫn phải trả phí qua hầm này.

Theo ông Thanh, thời gian tới, nếu trạm thu phí Nam Hải Vân đi vào hoạt động thì sẽ càng gây bức xúc với các doanh nghiệp vận tải. "Nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng đã kêu cứu về việc đặt trạm không hợp lý. Bộ Giao thông cần điều chỉnh trạm thu phí Phú Gia - Phước Tượng về đúng vị trí của dự án mới có thể đảm bảo công bằng", ông Thanh nói. 

Trạm BOT Bắc Hải Vân đã có một số trường hợp lái xe trả tiền lẻ. Ảnh: Xuân Hoa

Theo một lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Phú Gia - Phước Tượng, vị trí đặt trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí cho hầm Phú Gia, Phước Tượng do Bộ Giao thông thống nhất với tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị dự án chỉ thực hiện theo hợp đồng. Nếu Bộ Giao thông có phương án thay đổi trạm thu phí này thì doanh nghiệp sẽ chấp hành, song phải đảm bảo phương án tài chính đã được lâp.  

Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ cho biết, do trạm BOT Bắc Hải Vân là thu phí hở nên không thể đảm bảo công bằng với nhiều người. Ví dụ, nhiều người dân Đà Nẵng đến Lăng Cô bị thiệt thòi song nhiều người dân TP Huế đi Lăng Cô lại không phải mất phí. Vị trí trạm BOT Bắc Hải Vân được Bộ Giao thông nghiên cứu trên cơ sở đồng thuận của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà đầu tư đã giảm phí cho người dân địa phương gần trạm. 

Với việc đặt hai trạm thu phí liên tiếp tại hai đầu hầm Hải Vân, Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ Giao thông đang xem xét xóa bỏ trạm Nam Hải Vân và thu gộp tại trạm BOT Bắc Hải Vân cho cả hai dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia và hầm Hải Vân 2. 

"Tuần tới Bộ Giao thông sẽ họp bàn xem xét phương án thu phí tại trạm BOT Bắc Hải Vân. Chúng ta không thể đặt trạm thu phí quá dày, sẽ gây phản cảm", Thứ trưởng Thọ nói.   

Đầu tháng 12, hiện tượng lái xe trả tiền lẻ đã lan tới trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân (Lăng Cô, Thừa Thiên Huế). Tối 3/12, khi qua trạm thu phí BOT, lái xe xe du lịch 16 chỗ mang biển kiểm soát Thừa Thiên Huế đã dùng tiền mệnh giá 200 đồng để trả tiền vé khiến việc lưu thông của phương tiện qua đây mất hơn 10 phút. Chiều 4/12, một ôtô 7 chỗ biển Quảng Nam cũng dùng tiền 200 đồng mua vé, khiến lưu thông chậm khoảng 10 phút.

Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Phước Tượng - Phú Gia, sau khi có hiện tượng tài xế trả tiền lẻ, đơn vị đã họp bàn với Công an tỉnh, Phòng cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế để bàn phương án phối hợp, phòng tình huống tài xế trả tiền lẻ dồn dập.

"Chúng tôi tin rằng hai trường hợp trả tiền lẻ đầu tháng 12 chỉ là cá biệt", đại diện BOT nói.


Theo Đoàn Loan - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X