Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội có hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, cần nhận biết sớm để tránh tử vong

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 1.024 ca mắc tay chân miệng, số ca mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng.

Để chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao sức đề kháng và tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Đặc biệt, cần lưu ý triển khai vệ sinh môi trường thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn. 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Bệnh tay chân miệng nếu không được điều trị và phòng ngừa kịp thời có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế cảnh báo, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). 

Khi bị tay chân miệng nhiều trẻ quấy khóc cả đêm không ngủ. Có trẻ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm. Và biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm và chăm sóc trẻ đúng cách để giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong. Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày. 

Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã… 

Vì bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng… 

Đặc biệt, cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi… 

Tích lũy từ đầu năm đến nay, đã có hơn 17.900 trường hợp mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.250 trường hợp nhập viện.


Theo L.Minh - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X