Hotline 24/7
08983-08983

GLTT: Sơ cứu - cấp cứu bệnh mùa tết

10g sáng thứ sáu tuần này, ThS.BS Khâu Minh Tuấn, BV Nhân dân 115 sẽ hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách xử trí đúng trong các tình huống sơ cứu - cấp cứu bệnh mùa Tết.


Ông bà xưa nói “cẩn tắc vô ưu”, để ăn Tết an toàn, vui khỏe, chúng ta nên “bỏ túi” một số kinh nghiệm xử trí các tình huống cần sơ cứu, cấp cứu khi trong nhà có người già và trẻ nhỏ, người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…

Sáng thứ 6 tuần này, ThS.BS Khâu Minh Tuấn - Phụ trách khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115 sẽ chia sẻ với quý bạn đọc AloBacsi về các tình huống sơ - cấp cứu, triệu chứng nào phải đến bệnh viện chứ không được chần chừ...

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- FB N. Vinh

Thưa BS,

Em bị tai nạn xe, bị trầy xước ở mắt cá chân và tay, nón bảo hiểm còn nguyên. Từ lúc té tới giờ là 4 tiếng ạ, không bị đau đầu buồn nôn, nhưng em có bị choáng 20 giây sau khi té. Em có nên chụp CT đầu không ạ? Cảm ơn BS!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Theo như em mô tả, khả năng em không bị chấn thương vùng đầu mặt và cũng không có những dấu hiệu cũng như triệu chứng chỉ điểm chấn thương sọ não, do vậy không cần phải chụp CT đầu.

Em chỉ cần nghỉ ngơi vả theo dõi các triệu chứng đau đầu, buồn nôn nếu có.


- FB Lan N.

Thưa BS,

Huyết áp bà cụ nhà tôi thường ở mức cao 160/85, 170/87. Lúc 20h uống thuốc Micardis 40mg nhưng huyết áp vẫn lên, giờ phải làm sao ạ? Có dùng Adalat được không ạ?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào chị,

Nếu tình trạng huyết áp tối đa ở mức 160 mmHg trở lên, chị có thể cho cụ bà ngậm một viên Captopril dưới lưỡi và kiểm tra lại huyết áp từ 30 phút - 1 giờ sau, đồng thời cho bệnh nhân nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh các yếu tố gây căng thẳng, lo lắng.

Adalat viên nhộng nhỏ giọt hiện nay không được khuyến cáo sử dụng do có thể gây tụt huyết áp trầm trọng, ngay cả ở tại các cơ sở y tế.

Chị nên đưa cụ bà thăm khám lại, để bác sĩ kiểm tra tìm nguyên nhân huyết áp không ổn định và có chiến lược điều trị, chăm sóc phù hợp.


- FB Dạ Th.

Xin BS tư vấn giúp,

Trong những ngày tết thì mình nên mua sẵn một số loại thuốc nào để trong tủ? Em nghĩ là có Paracetamol và Berberin, còn cần thêm loại nào nữa không ạ?

Nhưng em cũng nghe nói khi bị tiêu chảy thì không nên uống Berberin liền, mong BS giải thích và hướng dẫn em cách dùng đúng.

Cám ơn BS rất nhiều!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào chị,

Ngày Tết mọi người thường du xuân, nếu thời tiết nắng nóng như ở miền Nam hay lạnh như ở phía Bắc nếu không bảo vệ kỹ sẽ dễ bị cảm cúm, đồng thời Tết cũng là dịp tiệc tùng với gia đình, bạn bè nên cũng có khả năng bị ngộ độc thực phẩm do bảo quản chưa tốt.

Việc chị chuẩn bị 2 thuốc trên là rất tốt. Trong mọi gia đình nên có tủ thuốc nhỏ, sẵn có các loại thuốc chữa cảm cúm, ngộ độc thức ăn, chống dị ứng… sử dụng quanh năm chứ không chỉ riêng những ngày Tết.

Các thuốc chống dị ứng phổ biến như: Chlorpheniramin, Cetirizin.

Berberin là hoạt chất được chiết từ cây Hoàng đằng (còn có tên vàng đắng, hoàng liên), là loại cây dây leo thân gỗ có phân nhánh, mọc hoang ở nhiều nơi. Trong Hoàng đằng có nhiều alcaloid dẫn xuất của izoquinolein, chủ yếu là berberin tỷ lệ từ 1,5 đến 2-3%.

Tác dụng lâm sàng phổ biến nhất của berberin là chống tiêu chảy do vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột.

Đối với người lớn, dùng liều từ 2 - 4 viên 50 mg x 2 lần/ngày. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp muốn dùng kết hợp với các loại thuốc khác, cần uống cách xa 1 - 2 giờ.

Nếu bố mẹ muốn cho trẻ uống Bererin cần tham khảo ý kiến bác sĩ, vì thuốc hiện vẫn chưa có chỉ định dùng cho trẻ em.

Khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ bị mất nước và các chất điện giải, vì thế cần bù đủ để lấy lại lượng dịch đã mất qua đường tiêu hóa, bằng cách uống các loại nước có chứa chất điện giải như Oresol, Hydrite, nước dừa tươi, chanh muối...


- Bạn đọc ở Củ Chi, gọi hotline

BS ơi,

Chồng em đi nhậu về, ói ra máu, không nhiều lắm nhưng em rất lo. Em kêu ảnh đi BV mà ảnh không chịu đi. Tại lần trước ảnh cũng bị như vậy rồi mà sau đó thì không sao hết. Nếu ảnh cứ để vậy thì có gì nghiêm trọng không BS? Giờ em phải làm sao, BS?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào bạn,

Chồng bạn có thể do nôn ói nhiều lần, với áp lực mạnh làm xây xát thực quản gây chảy máu, chảy máu tiêu hoá, trong trường hợp này thường là lượng ít kèm chút đàm nhớt giống như nhớt cá và là một bệnh lành tính, có thể tự khỏi.

Tuy nhiên, ở những người nghiện rượu có khả năng viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc xơ gan gây giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây xuất huyết đường tiêu hoá trên với tình trạng nặng nề hơn.

Bạn nên vận động chồng mình đi khám bệnh để BS tầm soát các nguyên nhân gây xuất huyết như trên.


- FB Nguyễn Lê P. Q.

Thưa BS,

Em đi xe suốt 2 ngày và có dán miếng dán say xe, xuống xe em lột ra liền. Nhưng 2 ngày nay em thấy mắt mờ mà không để ý, giờ mới thấy đồng tử giãn (bên dán miếng dán). Ngoài ra, em không thấy triệu chứng nào khác.

Cho em hỏi nếu vậy nó có tự hết không? Nếu không phải điều trị như thế nào ạ? Hiện tại em có thể làm cách nào cho mau hết tình trạng này không ạ?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Thông thường miếng dán say xe có tác dụng tại chỗ và không làm giãn đồng tử. Tình trạng bệnh của em có thể do 1 bệnh lý khác, em nên đi khám BS chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.


- Đới Lâm - hlam…@gmail.com

Thưa BS,

Sáng 3 hôm trước em bị va đầu vào cột xi măng. Lúc đó đến trưa em không thấy gì. Đầu giờ chiều em bắt đầu chóng mặt và buồn nôn, sang hôm sau cũng không bớt nên em có đi khám ở BV.

Sau khi thử máu và chụp CT, BS kết luận em không bị gì nghiêm trọng, chỉ chóng mặt tư thế nên cho thuốc uống.

Nhưng hôm nay là 3 ngày mà em vẫn chưa bớt, vẫn còn chóng mặt. Như vậy thì có bị sao không ạ? Và cần theo dõi thêm bao nhiêu ngày nữa? Em có cần tái khám luôn không? Em mong tin của BS. Xin cảm ơn BS.

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Em đã được BS thăm khám và chụp CT scan sọ não, kết quả chưa phát hiện bất thường, như vậy, em có thể an tâm 1 phần.

Triệu chứng đau đầu và chóng mặt ở bệnh nhân chấn thương đầu (không phải chấn thương sọ não) có thể kéo dài đến 1 tuần hoặc hơn.

Tuy nhiên, cũng có 1 số ít trường hợp xuất huyết nội sọ có thể diễn tiến muộn vài ngày sau chấn thương, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Vì vậy, em nên theo dõi các triệu chứng sau: đau đầu dữ dội, nôn ói thành vòi, lơ mơ, đi khám ngay các BV có chuyên khoa Ngoại thần kinh nếu có các triệu chứng trên.


- Đoàn Thanh - thanhle…@yahoo.com

Chào BS,

Em 22 tuổi. 2 ngày nay em bị ho ra rất nhiều máu tươi, mỗi lần ho cách nhau mấy tiếng. Em đi chụp Xquang BS nói phổi không có vấn đề gì, khám mũi họng cũng không vấn đề. Trong người em không bị đau chỗ nào cả.

BS cho em hỏi như vậy em bị làm sao ạ? Cảm ơn BS!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Tình trạng ho ra máu của em có thể có nguyên nhân từ phổi, khí phế quản hoặc nguyên nhân do tai mũi họng.

Em đã chụp Xquang phổi và khám tai mũi họng kết quả chưa phát hiện vấn đề gì nghiêm trọng, vì vậy em nên tầm soát thêm nguyên nhân từ khí phế quản.

Hiện tại, xét nghiệm cận lâm sàng tốt nhất để tầm soát nguyên nhân này là nội soi khí phế quản. Em có thể đến khám và thực hiện xét nghiệm nội soi tại các BV có chuyên khoa Hô hấp.


- FB L.T. Oanh

Dạ BS cho em hỏi,

Em uống 6 viên thuốc bổ nhưng lại uống nhầm thuốc trị tiểu đường, em có chụp hình gửi BS. Giờ em thấy buồn nôn (nhưng chưa nôn) và tiêu chảy. Em có cần đi cấp cứu không thưa BS? Hay em có thể dùng thuốc gì? Mong BS giúp em!


ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Oanh thân mến,

Thuốc em uống (Metformin 500mg) là một loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, nguy cơ đầu tiên là em có khả năng hạ đường huyết do thuốc với các triệu chứng hoa mắt, vã mồ hôi, run tay chân, đói bụng, hồi hộp… Lúc đó, em nên uống một ly sữa đặc có đường hoặc ăn kẹo, bánh ngọt để nâng mức đường huyết lên.

Metformin thường gây tác dụng phụ làm rối loạn đường tiêu hóa giống như triệu chứng em mô tả nên theo tôi, nếu chưa có triệu chứng hạ đường huyết như đã nói ở trên, em có thể theo dõi thêm tại nhà chờ cho thuốc được thải trừ hết.


- Phạm Ngọc Duyên, 45 tuổi - Quảng Nam

BS ơi,

Tôi thường hay mệt mỏi các cơ, khó thở hay thở ra, đặc biệt khi trời lạnh rất khó chịu. Tôi có triệu chứng đau ở vùng lưng dưới vai (15 cm) bên phải, nhấn vô có cảm giác đau. Nhờ BS tư vấn tôi bị bệnh gì?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào chị Duyên,

Triệu chứng chị mô tả đa phần thiên về vấn đề đau các cơ vùng ngực và lưng, chị không có các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đàm hay về tim mạch rõ ràng.

Tình trạng đau mỏi cơ của chị có thể do các nguyên nhân sau:

- Vận động thể lực quá mức: tập thể dục quá mức, khiêng, xách các vật nặng, ngồi sai tư thế.

- Tình trạng viêm các gân, cơ, khớp vùng ngực và lưng.

Tuy nhiên, chị cũng nên đến BS thăm khám để được thực hiện các xét nghiệm tâm soát bệnh lý về tim mạch, hô hấp như Xquang tim phổi, siêu âm tim, đo điện tâm đồ.


- FB Lâm T.

AloBacsi ơi,

Em sắp về Tết nhưng em bị say xe dữ lắm. Em uống thuốc say xe rồi mà vẫn khó chịu vô cùng. Em ra tiệm người bán thuốc bán cho em 2 loại: Nautamine và Buscopan, cô đó nói rằng đã bán cho nhiều người cũng bị say xe nặng nhưng kết hợp 2 loại này thì đi xe thấy êm lắm.

Em muốn hỏi BS là em có nên uống 2 loại kết hợp như vậy không? Nếu không thì người say xe nặng nên uống thuốc gì? Mong BS giúp đỡ.

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Nautamine là thuốc giúp chống say xe, còn Buscopan là thuốc làm giảm co thắt cơ trơn, thường được sử dụng ở những bệnh nhân đau do co thắt cơ trơn, chẳng hạn đau bụng do tiêu chảy, do viêm dạ dày hoặc do đau quặn thận.

Vì vậy, em không cần uống thêm thuốc Buscopan. Một số thuốc khác cũng có tác dụng làm giảm chóng mặt, chống say xe như Acetyl-DL-leucine, Cinnarizine,…


- FB Nguyen T. N.

Thưa bác sĩ,

Sáng nay do không cẩn thận, tôi bị té đập đầu ngửa ra sau. Phần sau đầu ngã đập xuống nền nhà, lúc đập xuống tôi nghĩ là mạnh, có chảy máu cam. Tôi đang ho có đàm bình thường nhưng máu cam lẫn vào đàm luôn.

Chiều nay tôi thấy hoàn toàn bình thường, không nôn, không chóng mặt, tứ chi bình thường.

Tôi đọc thấy có nhiều người bị té để lại máu tụ trong màng cứng. Tôi rất hoang mang, liệu tôi té mạnh vậy thì có bị sao không thưa BS?

Trường hợp của tôi có cần chụp Xquang đầu không ạ? Vì tôi nghe nói cái đó không tốt cho não lắm. Xin BS cho tôi lời khuyên, tôi nên làm sao ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn theo tôi là một cú ngã khá mạnh, vì vậy bạn nên đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ thăm khám và cho chỉ định chụp hình sọ não phù hợp.

Dĩ nhiên việc chụp hình bằng tia X (Xquang và cả CT scan) ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bác sĩ sẽ cân nhắc hai mặt lợi và hại để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Bạn cũng nên theo dõi thêm tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, co giật, lừ đừ… vì có thể đây là dấu hiện chỉ điểm một chấn thương sọ não đang diễn tiến.


- FB Đ. Trang

Chào BS,

Triệu chứng của em là đau đầu dữ dội khi ngồi hoặc đứng. Nằm xuống thì giảm nhưng ho hoặc cười thì nhức trong đầu, cố gắng ngồi càng lâu thì đau dữ dội và kèm buôn nôn và nôn rồi choáng váng.

BS cho em hỏi đây có phải là triệu chứng của giảm áp lực nội sọ tự phát hay không? Em nên khám và điều trị ở đâu để có kết quả chính xác ạ?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em Trang,

Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn ói nhiều lần, thậm chí nôn vọt thành vòi, sợ tiếng động, sợ ánh sáng có thể là dấu hiệu của tình trạng tăng áp lực nội sọ, thường gặp nhất ở giai đoạn cấp tính ở những bệnh nhân chấn thương sọ não có máu tụ nội sọ, ở giai đoạn diễn tiến lâu hơn một chút, có thể do sự hiện diện một khối choán chỗ nội sọ (u, áp xe, nang ký sinh trùng...).

Tuy nhiên, em không nên quá lo lắng, vì tình trạng đau đầu như em mô tả có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa (căng cơ, mạch máu…) và còn do sự cảm nhận riêng của từng người.

Em nên đến khám tại bất kỳ bệnh viện nào có chuyên khoa Thần kinh để được chẩn đoán chính xác.


- FB Đ. V. Định

Cháu chào AloBacsi,

Cháu năm nay 25 tuổi. Nay cháu lỡ uống nhầm vỏ nhôm mỏng bọc vỉ thuốc luôn, có ảnh hưởng dạ dày không ạ? Có cần đi mổ gắp ra không BS?

Nếu không cần mổ thì khoảng bao lâu nó sẽ theo phân ra ngoài? Cháu cần theo dõi phân trong bao lâu ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào bạn Định,

Việc viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm “du hành” tự do trong đường tiêu hóa mang đến rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, có thể gây thủng đường tiêu hóa (dạ dày, ruột) hay nguy cơ tắc ruột.

Nếu ngay trong các giờ đầu bạn đến ngay các cơ sở y tế có nội soi tiêu hóa thì các bác sĩ khá dễ dàng gắp dị vật từ dạ dày, tuy nhiên càng để lâu thì khả năng xác định vị trí cũng như can thiệp lấy dị vật ra càng khó khăn do viên thuốc đi sâu dưới nhu động co bóp tự nhiên của đường tiêu hóa.

Việc cần làm là bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để có sự trợ giúp phù hợp.



- FB Quỳnh Ng.

Thưa BS,

Em có nghe nói tác dụng khử độc của than hoạt tính, có thể dùng khi ngộ độc thuốc hoặc thức ăn. Xin hỏi BS, cách dùng như thế nào? Em có nên mua để sẵn trong nhà phòng khi có việc? Xin cảm ơn BS!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào em,

Than hoạt tính thường được làm từ gỗ hoặc từ các phế chất hữu cơ khác như xơ dừa, vỏ gáo dừa, các chất này được nung ở nhiệt độ 950 độ C trong lò quay. Ở nhiệt độ này, thành phần carbon phản ứng hóa học với hơi nước và một số chất hóa học khác có trong lò quay sẽ tạo ra rất nhiều lỗ rỗng bên trong hạt than. Nhờ đó, than hoạt tính có đặc tính rất xốp, diện tích bề mặt rất lớn, nên nó có khả năng thu giữ một số chất trên bề mặt kể cả chất vô cơ lẫn hữu cơ.

Than hoạt tính không độc, khi uống vào không hấp thu vào máu mà thải ra ngoài cơ thể theo phân (tạo màu đen). Than hoạt tính có vai trò quan trọng trong xử trí và điều trị ngộ độc thực phẩm.

Một số hướng dẫn sử dụng than hoạt tính khi ngộ độc thực phẩm:

- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố: thường dùng ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường, với liều thường dùng từ 62,5- 125 mg/1 lần x 2-3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn, trong 4 - 5 ngày.

Trường hợp ăn khó tiêu, người lớn có thể dùng 125mg/1 lần x 2-3 lần/ngày.

- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất:thường dùng ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch.

+ Dạng bột mịn: người lớn dùng 50 gam, khuấy trong 250 ml, lắc kỹ trước khi uống, có thể dùng ống thông dạ dày. Nếu nhiễm độc nặng nhắc lại nhiều lần từ 25-50g, cách nhau 4-5 giờ. Có thể phải kéo dài đến 48 giờ.

Trẻ em dùng 1g/kg thể trọng, trường hợp nặng có thể lặp lại 4-6 giờ.

+ Dạng nhũ dịch: liều dùng mỗi ngày đối với người lớn là 200 ml, trẻ em 100 ml.

Nếu uống quá nhiều than hoạt tính có thể gây táo bón, làm buồn nôn, nôn mửa, cần lưu ý:

- Không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài vì khi uống, trong đường tiêu hóa than hoạt tính không chỉ liên kết các chất độc mà còn làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể (các men, vitamin, acid amin...)

- Không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng 2 tiếng, do than hoạt tính có thể hấp phụ loại thuốc dùng chung, dẫn đến làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm thuốc kém tác dụng.

- Không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh;

- Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.


- FB Annh Ng.

BS ơi,

Từ hôm cháu học thể dục đến giờ được 1 tuần rồi mà cháu vẫn bị đau ở vùng ngực. Đau âm ỉ 1 tuần liền. Lúc nói to hay cười nhiều, hoạt động mạnh thì cháu càng bị đau hơn. Nhiều lúc cháu bị đau lan ra 2 bên.

Cho cháu hỏi như thế thì cháu bị làm sao ạ? Cháu có cần đi bệnh viện không, hay có thể uống thuốc giảm đau thế nào? Xin bác sĩtư vấn cho cháu!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Bạn Anh thân mến,

Theo mô tả bạn bị đau ở vùng ngực sau khi tập thể dục và đau tăng khi vận động mạnh, như vậy, đau chỉ xuất hiện khi có sự tác động làm căng cơ cho nên tôi nghĩ đau không xuất phát từ cơ quan bên trong sâu như tim, phổi… mà khả năng là đau do căng giãn cơ ngực sau vận động quá sức, rất hay gặp ở người tập thể dục nặng lần đầu hay tập lại sau một thời gian dài bỏ tập.

Nếu đau kéo dài, bạn có thể đến khám bác sĩ để thực hiện một vài xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác như: Xquang tim phổi thẳng, điện tâm đồ, siêu âm tim…

Nếu đau nhẹ chỉ cần dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen.


- FB Chuc V.

Chào AloBacsi,

Em bị đau nhẹ vùng dưới ngực phải sau xô xát. BS cho em hỏi vậy em có bị gì không? Nếu siêu âm hay chụp Xquang nhiều có ảnh hưởng sức khỏe không? Cám ơn BS trả lời!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Chào bạn Chúc,

Câu hỏi của bạn cũng tương tự như câu hỏi bạn Anh tôi vừa trả lời.

Hiện tại, người ta chưa tìm thấy tác động có hại gì của siêu âm, tuy nhiên việc chụp Xquang nhiều lần trong thời gian ngắn ít nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe.


- FB Th. Thiên

Xin chào BS,

Cho em hỏi, tại sao mẹ em bị tăng huyết áp mà sau khi uống thuốc hạ huyết áp thì lại ra nhiều mồ hôi, người hơi mệt ạ? Như vậy có sao không BS?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn:

Bạn Thiên thân mến,

Có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp khác nhau mà chia làm nhiều nhóm. Mỗi thuốc có cơ chế tác động và tác dụng phụ khác nhau. Bạn không nêu rõ mẹ bạn đang sử dụng thuốc gì nên rất khó trả lời triệu chứng bạn nêu có phải do thuốc hạ áp hay là một nguyên nhân nào khác.

Mẹ bạn nên tái khám lại BS đã kê toa trước đó để được tư vấn cụ thể hơn. Thân chào!


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X