Hotline 24/7
08983-08983

Gần một nửa số nam giới uống rượu bia ở mức độ nguy hại

Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại. Sử dụng hơn 6 đơn vị cồn/ngày với nam giới và hơn 4 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới là mức nguy hại.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Loạn thần, đột quỵ vì rượu bia ở mức nguy hại

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối NCDs-VN, hiện nay sử dụng rượu, bia (RB) tại Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Trong giai đoạn 2011 tỷ lệ tiêu thụ bia là 2,7 lít thì đến năm 2017 đã tăng lên trên 4 tỷ lít. Đồ uống có cồn nói chung năm 2014 là 4,4 lít cồn/người 15 tuổi trở lên; đến năm 2017 là 8.5 lít.

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Uống rượu, bia ở mức nguy hại gây ra các hậu quả có hại đối với sức khỏe về thể chất hay tâm thầm hoặc các hậu quả xã hội.

Nghiện rượu và các hậu quả rối loạn tâm thần nặng có thể dẫn tới hội chứng “cai rượu”. Rượu bia cũng làm tăng nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa như xơ gan, ung thứ gan, viêm tụy cấp tính; làm suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn. Sử dụng rượu bia ở mức độ nhiều làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, chất ethanol chứa trong rượu bia được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư như khoang miệng, họng, thực quản, thanh quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Uống rượu bia lâu ngày cũng khiến não bị teo, trí nhớ kém, tính cách thay đổi. Não càng teo biến đổi nhân cách càng nhiều.

Năm 2012, thế giới ghi nhận 3,3 triệu người tử vong liên quan đến rượu bia, chiếm khoảng 5,9% tổng số ca tử vong và 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. WHO cho biết, nguyên nhân tử vong do rượu bia đứng hàng đầu là các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh này chiếm tới 46% tổng số ca tử vong.

Rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới trong độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO năm 2014, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016 tại Việt Nam, 12% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu bia.

Kết quả điều tra pháp y của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia cho thấy khoảng 59% nạn nhân trong độ tuổi 15-29 và 24% từ 30-44 tuổi; 97% là nam giưới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50 mg/100ml máu.

Nhiều khoảng trống trong kiểm soát rượu, bia

Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia còn nhiều khoảng trống. Chúng ta chưa có quy định hạn chế quảng cáo bia, trong khi bia và rượu có tác hại nhau như khi quy đổi ra nồng độ cồn nguyên chất nhưng quy định pháp luật mới chỉ cấm quảng cáo rượu trên 15 độ, thả lỏng hoàn toàn với bia.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, chúng ta cũng chưa có quy định về hoạt động tài trợ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp rượu, bia. “Hoạt động tài trợ rượu bia ở Việt Nam đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ dưới nhiều hình thức từ văn hóa, văn nghệ đến thể thao. Nhiều hoạt động giải trí còn cung cấp rượu bia miễn phí cho thanh thiếu niên… Những hoạt động này được truyền thông và mạng xã hội thực hiện quảng bá rất đáng lo ngại”.

TS Nguyễn Huy Quang cũng chỉ ra bất cập, hiện nay chi phí chi cho tiền mua rượu bia mỗi năm người dân rất lớn, khoảng 4 tỷ USD/năm, trong khi giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD. Thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước có 50 nghìn tỷ đồng, nhưng theo WTO, mức thấp nhất chi phí bỏ ra cho việc phòng chống tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm thì mất 65 nghìn tỷ đồng.

Việc cần có của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có giá trị trong phát triển bền vững, dung hòa lợi ích sức khỏe và kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe đóng vai trò chủ đạo để tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

Ths Trần Thu Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, với việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí giải quyết các hậu quả của rượu, bia để đầu tư các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, nâng cao sức khỏe… góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng như ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, béo phì, tai nạn giao thông… góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng. Người dân sẽ được hưởng các lợi ích vượt trội về sức khỏe và an sinh xã hội.

Theo Nhân dân điện tử

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X