Hotline 24/7
08983-08983

Đìu hiu bệnh viện quận, huyện

Có một thực tế là hầu hết các bệnh viện quận, huyện của TPHCM với cơ ngơi rộng rãi, quy mô nhưng rất ít bệnh nhân, khám chữa bệnh chỉ cầm chừng.

Đây là một lãng phí lớn, nhất là khi người dân phải chấp nhận vượt tuyến để được giải quyết nhu cầu chữa bệnh của mình.

Lãng phí

Cả khoa nhi bệnh viện quận 12 chỉ có một bệnh nhi nằm điều trị. Ảnh chụp sáng 2/12. Ảnh: H. Nhung

Dù rộng đến 17.000m2, với quy mô 120 giường, nhưng bệnh viện quận 12 thường vắng bệnh nhân. 9 giờ sáng 2/12, lác đác vài chục bệnh nhân tới khám bệnh. Phần lớn là những người khám theo diện bảo hiểm y tế.

Khoa ngoại của bệnh viện không có bệnh nhân nằm. Khoa sản có ba đến bốn phòng với hàng chục giường bệnh nhưng chỉ có một thai phụ nằm truyền nước, dưỡng thai. Khoa nhi có sáu phòng bệnh, nhưng năm phòng trống bệnh nhân. Một số phòng trên tầng hai có thêm chừng chục bệnh nhân điều trị theo diện bảo hiểm y tế, đa số là người già.

Tại bệnh viện quận Gò Vấp, mặc dù BS Nguyễn Thế Gia (giám đốc của bệnh viện) cho biết, đa số bệnh nhân tới khám theo diện bảo hiểm y tế. Trên bảng lịch mổ chỉ ghi vài ca mổ mắt phaco, phòng hồi sức chỉ có hai bệnh nhân nằm sau mổ. Khoa ngoại không có bệnh nhân.

Bệnh viện huyện Nhà Bè cũng đìu hiu không kém. Mỗi ngày bệnh viện khám trung bình 300 - 400 lượt bệnh, chủ yếu là bệnh nội khoa của người lớn như cao huyết áp, đau dạ dày, hen suyễn... Tỷ lệ khám nhi rất ít. Buổi sáng ngày 5/12, chỉ có gần 30 trẻ đến khám. Một bệnh viện hạng 3 với 100 giường bệnh, nhưng số giường sử dụng không đến một nửa. Các phẫu thuật ngoại khoa cũng ít, hầu hết chỉ là tiểu phẫu.

Giải pháp nào?

Theo sở Y tế TPHCM, các bệnh viện quận, huyện được hình thành từ năm 2007, nhân lực bệnh viện được chuyển từ nguồn dự phòng nên thiếu và năng lực chuyên môn còn hạn chế. Có bệnh viện một năm tuyển về 30 bác sĩ, nhưng đi hết 28 bác sĩ vì không có bệnh nhân, cơ sở vật chất thiếu lại không đúng quy mô, bác sĩ không có điều kiện để phát triển. Chính vì thế, một ca mổ ruột thừa đơn giản nhưng bệnh viện cũng phải “kính chuyển”.

PGS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, phó giám đốc sở Y tế TPHCM, thừa nhận việc quá tải của các bệnh viện tuyến trên kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết được là do niềm tin của người dân đối với bệnh viện tuyến dưới không còn. Vì thế, ngành y tế TPHCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ phát triển các bệnh viện tuyến quận, huyện thành những bệnh viện đa khoa, có thể điều trị những bệnh lý cơ bản và thúc đầy những chuyên khoa sâu.

Theo BS Bỉnh, để thu hút và giữ chân được bác sĩ về tuyến dưới, ngành y tế phải tạo điều kiện để bác sĩ phát triển về chuyên môn, bệnh viện phải được đầu tư về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật. Trước hết, những năm tới, TPHCM sẽ giảm đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở các bệnh viện tuyến trên (hạn chế nhận bác sĩ bắt đầu từ năm 2012); giữ lại nguồn kinh phí của các bệnh viện thành phố lên tự chủ toàn phần để đầu tư cho bệnh viện quận, huyện. Đồng thời, các bệnh viện quận, huyện sẽ tự kêu gọi đầu tư hợp tác nguồn vốn, trang thiết bị y tế từ bên ngoài.

Chiều 8/12, sở Y tế TPHCM đã họp với 17 bệnh viện tuyến trên và 13 bệnh viện quận, huyện về kế hoạch “nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện quận, huyện giai đoạn từ năm 2012 – 2015”. Một kế hoạch “hứa hẹn có đột phá” sẽ được triển khai ngay sau tết dương lịch 2012.

Theo kế hoạch này, các bệnh viện hạng 1 tuyến thành phố về hỗ trợ cho các bệnh viện quận, huyện. Trong năm đầu tiên, bệnh viện tuyến trên sẽ luân chuyển ba đến năm bác sĩ chuyên môn về công tác tại các bệnh viện quận, huyện với thời gian từ sáu tháng đến một năm. Các bác sĩ này sẽ được bệnh viện cử đi trả lương, các khoản phụ cấp vẫn được giữ nguyên.
 
Ngoài ra, họ còn được các bệnh viện quận, huyện hỗ trợ thêm một khoản kinh phí bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi bệnh viện tuyến thành phố cũng tăng thêm biên chế từ ba đến năm bác sĩ trẻ để huấn luyện đào tạo (thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/người/tháng). Sau khi đào tạo xong bác sĩ trẻ, bệnh viện quận, huyện sẽ nhận về. Các bác sĩ đi hỗ trợ chuyên môn sẽ được rút về.
 
BS Phạm Việt Thanh, giám đốc sở Y tế TPHCM nói, trong thời gian vừa qua, thành phố đã ra quân xuống các bệnh viện tuyến dưới để hỗ trợ thử nghiệm trước, nhưng đã xuất hiện một số khó khăn như: bác sĩ xuống khám không có thuốc chuyên khoa trong bệnh viện, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế.
 
Điển hình, tại quận 12, khi bác sĩ ở bệnh viện 115 xuống khám về tim mạch, nội tổng quát... khám xong, bệnh nhân phải chạy lên bệnh viện 115 để lấy thuốc. “Do đó, trong tuần tới, các bệnh viện quận, huyện phải thống kê xem cần mở rộng thêm các chuyên khoa nào, cơ sở vật chất bao nhiêu và danh mục thuốc loại gì. Sau đó, báo cáo lên sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội và UBND thành phố duyệt”, BS Thanh yêu cầu.

Theo H. Nhung - Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X