Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị túi phình động mạch não như thế nào?

Câu hỏi

Với các tình trạng của túi phình chưa vỡ, bị rò rỉ, bị vỡ, các bác sĩ sẽ làm những gì để cứu bệnh nhân?

Trả lời

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang

Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, BV SIS Cần Thơ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ


Túi phình trước và sau khi can thiệp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S cung cấp

Bệnh nhân mang phình động mạch não nói chung thì tỷ lệ vỡ hàng năm là 1,9%. Con số này còn phụ thuộc vào độ tuổi (càng lớn tuổi nguy cơ vỡ càng cao), giới (nữ cao hơn nam), tiền căn tăng huyết áp (huyết áp càng cao nguy cơ vỡ càng tăng), kích thước túi phình (phình càng lớn càng dễ vỡ), vị trí phình động mạch não (hệ động mạch đốt sống dễ vỡ hơn) và tiền sử có vỡ phình động mạch não. Việc xác định phình động mạch não chưa vỡ cần phải điều trị vẫn còn chưa được thống nhất. Các bác sĩ sẽ cân nhắc vào những yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ mà bệnh nhân đang có và sự đồng thuận của bệnh nhân và thân nhân người bệnh mà quyết định điều trị.

Còn những bệnh nhân mang túi phình đã vỡ gây chảy máu trong não thì việc điều trị loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn càng sớm càng tốt là vấn đề không cần bàn cãi.

Việc điều trị phình động mạch não có hai phương pháp là mổ clip túi phình (bác sĩ ngoại thần kinh sẽ mở hộp sọ, bóc tách các tổ chức não để bộc lộ mạch máu mang túi phình, sau đó sử dụng kẹp chuyên dụng để kẹp ngang cổ túi phình) và can thiệp nội mạch (bác sĩ đặt ống thông từ động mạch đùi lên các động mạch mang túi phình, sau đó sử dụng một ống thông nhỏ hơn để đi vào túi phình và sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để bít túi phình).

Cả hai phương pháp đều có ưu và nhược điểm của nó. Ví dụ phẫu thuật là phương pháp xâm lấn nhiều hơn vì phải mở sọ và bóc tách tổ chức não cũng như có những túi phình khó tiếp cận được, nhưng lại tỷ lệ loại bỏ túi phình cao hơn, ít tái phát. Còn phương pháp can thiệp nội mạch lại ít xâm lấn hơn, nhẹ nhàng hơn, có thể tiếp cận được hầu hết các túi phình ở các vị trí khác nhau nhưng tỷ lệ tái phát lại cao hơn.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>>Những phương pháp chẩn đoán phình động mạch não?

>>Người bệnh sẽ như thế nào nếu túi phình động mạch não bị vỡ?

Phình động mạch não là sự phình to một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch bị yếu, chịu nhiều áp lực mạnh.

Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, bởi người bệnh hầu như không thấy dấu hiệu báo trước rõ ràng cho đến khi động mạch não phình to và vỡ. Ước tính 33% người bệnh tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55 - 65 tuổi trở lên, tuy nhiên có khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15 - 45. Ngoài yếu tố tuổi tác, những người có các yếu tố nguy cơ sau cũng dễ mắc bệnh: nữ giới; thường xuyên hút thuốc lá; cao huyết áp; uống nhiều rượu, bia; lạm dụng thuốc; tiền sử gia đình bị phình mạch não...
Nếu mạch não mới chỉ phình to gây chèn ép cấu trúc dây thần kinh, người bệnh sẽ có dấu hiệu yếu/liệt chi, mắt nhìn mờ, đau đầu bất chợt… Khi túi phình bị vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau đầu dữ dội, cổ cứng, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Hiện các túi phình mạch máu não chỉ có thể được phát hiện dựa trên các chẩn đoán hình học. Do đó, việc khám sàng lọc, thực hiện các xét nghiệm tổng quát là vô cùng cần thiết nhằm phát hiện nguy cơ mắc bệnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X