Hotline 24/7
08983-08983

Đàm Vĩnh Hưng ‘tố’ mẹ và chuyện chữ Hiếu thời nay

Nếu chỉ vì Hiếu mà cha mẹ thỏa sức làm sai, làm bậy, đưa con vào đường cùng thì rốt cuộc chữ Hiếu này cũng là lầm lạc.

Mạng xã hội đang lên cơn sốt sau khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đưa video lên FB để tiết lộ chuyện nợ nần của mẹ đẻ và cảnh báo mọi người đừng tiếp tục cho bà vay mượn tiền bạc. Lần này, chữ Hiếu là chủ đề chính được bàn luận.

Theo đó, những ai theo “phe” chia sẻ và thông cảm với ca sĩ Đàm thì cho rằng việc anh phải làm là cần thiết khi chẳng đặng đừng. Bởi anh đã ròng rã trả nợ nhiều năm nay với số tiền lên tới 20 tỷ cho mẹ. Tới giờ anh đành bất lực vì chẳng cách nào đưa bà thoát ra khỏi vòng bài bạc mê muội.

Những người cảm thông cách hành xử này đồng tình với việc con cái phải hiếu thuận với cha mẹ, nhưng nếu cha mẹ sai lầm thì nên có hành động và ứng xử hợp tình hợp lý để tránh tổn hại cho gia đình và bản thân.

Đàm Vĩnh Hưng ‘tố’ mẹ và chuyện chữ Hiếu thời nay
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: PLTP

“Phe” còn lại cho là ca sĩ này đang làm màu làm mè. Bởi anh ta luôn khoe tiền ngàn bạc tỷ, sang chảnh không ai bằng, nay có việc trả nợ cho mẹ sao lại từ chối và còn đưa chuyện nhà lên làm quà cho thiên hạ. Làm con như vậy thì chữ Hiếu để đâu? Một số người khác còn cho rằng đây chỉ là chiêu trò PR của Đàm Vĩnh Hưng.

Những người trong phe này chỉ trích ca sĩ Đàm vì cho rằng “Làm con phải Hiếu” và đã là “phải Hiếu” thì chẳng có gì thay đổi.  Đơn giản là cha mẹ làm gì thì vẫn là cha mẹ, con cái nên nỗ lực chịu đựng và chiều lòng. Họ cũng cho rằng việc Đàm Vĩnh Hưng tung video lên mạng để bóc mẽ mẹ mình dù thế nào cũng không thể chấp thuận được.

Những tranh cãi này phản ánh những nhận thức khác nhau về chữ Hiếu thời nay. Một mặt, nhiều người vẫn cứng nhắc khi chôn chân trong ý tưởng Nho giáo cực đoan “Cha muốn con chết, con không thể không chết”, số còn lại giữ cách hiểu linh hoạt hơn: “Theo nghĩa chứ không theo cha”.

Vậy thì, có phải giờ đây chữ Hiếu đã thay đổi nội hàm so với ngày xưa? Và liệu có nên kìm kẹp những đứa con bình thường, khỏe mạnh, thậm chí đầy tài năng vào chữ Hiếu, sau đó biến đời sống của nó thành kẻ chuyên gánh nợ cho sai lầm của cha mẹ hay không?

Xin thưa là không, trước cũng vậy mà nay cũng thế. Từ mấy ngàn năm trước người xưa đã hiểu rất linh hoạt về chữ Hiếu.

Sách cũ kể Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng:“Con nghe theo mệnh lệnh của phụ thân, có phải là hiếu không? Thần nghe theo mệnh lệnh của vua, có phải là trung không?”.

Khổng Tử trả lời:“Đối với sai lầm của phụ thân, nhất định phải khuyên can, khuyên mà không nghe cũng không thể phục tùng, bởi vì như vậy sẽ đẩy phụ thân vào chỗ bất nghĩa. Nói cho đúng là, mù quáng phục tùng mệnh lệnh của phụ thân cũng không phải là hiếu tử chân chính”. Cách hiểu này chính là “theo nghĩa chứ không theo cha”.

Đâu phải nhất nhất nghe lời cha mẹ, vì cha mẹ mà làm bất cứ việc gì mới là hiếu, nếu không làm là bất hiếu. Bởi giả sử như vì nuôi cha mẹ, con đi ăn trộm, cướp bóc, tham ô, nhận hối lộ… thì cả việc thiện cũng làm không được, sao có thể nói là hợp đạo nghĩa, là tròn chữ Hiếu?

Con cái cần tôn kính và hiếu thuận với cha mẹ, nhưng cũng cần sự biết giữ chừng mực và ranh giới để có được sự tôn trọng và hiếu thuận lâu dài. Nếu chỉ vì Hiếu mà cha mẹ thỏa sức làm sai, làm bậy, đưa con vào đường cùng thì rốt cuộc chữ Hiếu này cũng là lầm lạc.

Bỏ qua chuyện thị phi của giới giải trí, có thể thấy cơn sốt quanh câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng ít nhiều cũng giúp các bậc cha mẹ từng cho rằng mình có mọi quyền, kể cả quyền làm bậy, ép con vì chữ Hiếu phải cảnh tỉnh. Thêm nữa, đó cũng là dịp để những ai có quan niệm cứng nhắc và mù quáng về chữ Hiếu soi tỏ lại và thay đổi.

Theo Nguyễn Anh Thi - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X