Hotline 24/7
08983-08983

Công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam: Viettel xuất phát?

"Từ một nước chưa sản xuất được thiết bị, linh kiện nào thành một nước công nghiệp đó là cả một quá trình có thể kéo dài hàng trăm năm".

Từ "lắp ráp" sang "chế tạo" con đường có thể dài hàng trăm năm

Khi nói đến ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam, TS Phạm Quý Sơn - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cho rằng, đây là một ngành khoa học kỹ thuật hiện đại, mới mẻ ở nước ta.

Nhu cầu sử dụng khoảng không vũ trụ đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của Việt Nam.

Thế nhưng, khi nói đến ngành công nghệ hàng không thì phải làm được các linh kiện cơ bản để sản xuất ra máy bay, tên lửa, thay vì đi mua về lắp ráp như chúng ta hiện nay.

Để làm được điều đó cần, thứ nhất, phải có các công nghệ cơ bản, kỹ thuật cơ bản đặc biệt phải giải quyết được phần động cơ; thứ hai, giải quyết được phần về khí động lực học; thứ ba, giải quyết phần lái tự động điện tử và công nghệ thông tin.

Đây là tất cả những yếu tố chúng ta không thể phụ thuộc nếu như muốn phát triển riêng công nghệ của mình.

Ông Sơn nhấn mạnh: "Để làm được thì phải đảm bảo, một là, cơ sở thiết kế chế tạo; hai là, có công nghệ sản xuất, công nghệ cơ khí, thiết kế ra được thì phải sản xuất, có hệ thống phòng thí nghiệm và test thử thật đầy đủ; ba là, có điều kiện thử nghiệm và sử dụng nó.

Cong nghiep hang khong vu tru Viet Nam: Viettel xuat phat?

Phải phát triển ngành công nghiệp sản xuất hàng không vũ trụ

Đồng thời phải có được đội ngũ kỹ sư, thiết kế chế tạo trẻ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt, điện tử hàng không, công nghệ thông tin phần mềm, phải chiếm tỷ trọng lớn.

Trong tình hình hiện nay, tuy mới bắt đầu nhưng chúng ta có hạ tầng cũ rất tốt, chỉ cần bước lên một bước nữa là có thể đạt được kết quả mong muốn. Thế nhưng, nếu từ 10% lên đến 80% thì dễ, nhưng từ 80% lên đến 90-100% lại rất khó, vì vấn đề ở đây cần có quá trình lâu dài.

Đây là quá trình để Việt Nam từ một nước chưa sản xuất được thiết bị, linh kiện nào thành một nước công nghiệp đó là cả một quá trình mà có thể kéo dài hàng trăm năm. Cho nên ở đây phải là tư duy đất nước, chứ không phải tư duy của một bộ máy quản lý hay của một anh khoa học đơn thuần.

Một đất nước chỉ có mua sắm lắp ráp, sử dụng sang một đất nước sản xuất, như nước Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu, Trung Quốc thì còn cần nhiều thời gian".

Theo ông Sơn phân tích, thì ngành sản xuất hàng không vũ trụ không như sản xuất bánh mỳ, quần áo mà là một ngành công nghệ cao, tập trung những thành tựu cao nhất của loài người về tất cả mọi mặt từ vật liệu cho đến vấn đề thiết kế, triển khai sản xuất, chế thử, thử nghiệm.

Nhưng đó là cả một quá trình đồng bộ lâu dài, phải có những bước đi trước mắt căn bản. Vừa rồi, qua khảo sát có thể thấy, hiện nay hạ tầng của chúng ta chưa đủ, đội ngũ nghiên cứu hàng không vũ trụ còn thiếu, đặc biệt đội ngũ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trẻ, để có thể tiếp cận công nghệ mới của thế giới.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Sơn chỉ rõ: "Nói ngay đến việc chế tạo ra tên lửa, chúng ta phải làm tốt phần động cơ để làm sao đẩy đi được lên bầu trời, hệ thống điều khiển, phần điện tử, rada, rất nhiều yếu tố cầu thành phức tạp.

Cho nên, bước đầu tiên, nếu chưa làm được thì chúng ta vẫn có thể mua một số thiết bị. Nhưng bản thân khi mua thiết bị cũng đòi hỏi kiến thức sâu, vững chắc, không sẽ rơi vào tình trạng mua đồ không dùng được, lại phải thay đồ mới, rất tốn kém, chi phí tăng cao".

"Đây không phải giấc mơ"

Một đơn vị được ông Sơn nhắc tới, đó chính là Viettel Technologies - một thành viên của Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam mới đây, đã trở thành thành viên của Liên Đoàn Vũ Trụ Quốc Tế (IAF) là việc mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới về hợp tác của Việt Nam trên lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ.

Đây là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế của Liên đoàn.

Đây cũng là cơ hội để những hạt nhân công nghệ ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác chuyên sâu và bắt kịp trình độ hàng không vũ trụ tiên tiến thế giới, đó là nền tảng cho việc Việt Nam có thể thay vì lắp ráp chuyển sang chế tạo. Nó cũng minh chứng cho việc các đơn vị của Việt Nam hoàn toàn có khả năng chuyển mình.

"Việc chuyển mình cho nền công nghiệp sản xuất hàng không vũ trụ từ lắp ráp sang chế tạo, không phải là giấc mơ, đã là mơ không bao giờ nhìn thấy, chúng ta có thề nhìn thấy đám mây, nhưng không bao giờ sờ được vào đám mây, còn chế tạo được các sản phẩm hàng không vũ trụ là hiện thực đất nước ta phải đi tới nếu muốn phát triển.

Còn nếu chúng ta không muốn thì cứ dậm chân tại chỗ, chắc chắn Việt Nam sẽ phải vươn tới những công nghệ về hàng không vũ trụ của thế giới.

Ví dụ điển hình như Hàn Quốc, đã làm được máy bay, tên lửa, vệ tinh...trong khi cũng có xuất phát điểm như Việt Nam, nhưng cuối cùng họ đã làm được. Tất nhiên, một nền công nghiệp hàng không vũ trụ phải dựa trên nền tảng chung về công nghiệp của đất nước.

Đồng thời, cũng phải dựa vào nền tảng chung về nghiên cứu chế tạo của cả một đất nước, nhưng có đặc thù riêng phát triển theo từng lĩnh vực", ông Sơn chỉ rõ thực trạng.

Riêng với Việt Nam, theo ông Sơn đã đi sau thì phải học hỏi kinh nghiệm các nước, nhưng vấn đề là phải tìm ra con đường của riêng mình, không có kinh nghiệm nào của nước khác, mà hoàn toàn áp dụng được ở nước mình, mà mình phải dựa trên đôi chân của mình, bằng con đường của mình để phát triển.

Mỗi con người, mỗi đất nước có hoàn cảnh riêng, người ta nói và học tập theo, là phải chắt lọc những gì phù hợp, loại bỏ những yếu tố không phù hợp.

Tiếp cận vấn đề ở góc độ con người, ông Sơn cho rằng, Việt Nam có rất nhiều kỹ sư rất giỏi, thế hệ trước có GS Trần Đại Nghĩa, GS Lê Đông Hải, bây giờ thế hệ trẻ cũng có rất nhiều.

Vấn đề là chúng ta phải tạo nên môi trường đào tạo, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ lớn lên, sinh ra, trên lĩnh vực thiết kế, chế tạo, sản xuất hàng không, vũ trụ.

"Trước đây chúng ta chỉ mua về khai thác sử dụng, nó cũng như việc mua một chiếc máy về để đi và sửa chữa, khác với việc chế tạo ra chiếc xe máy. Ngày xưa chúng ta chỉ có thợ sửa chữa, người khai thác sử dụng, nhưng giờ đi vào lĩnh vực khó nhất, nhưng có khi chưa chắc đã khó.

Phải tạo điều kiện, từ nền kinh tế, nền sản xuất tất cả dựa phải trên tư duy của một đất nước. Cái khó nhất hiện nay là cách làm và tư duy. Không thể nói người Việt Nam không thông minh như người Mỹ, người Hàn Quốc... Bình thường nếu có tiền thì đi mua ở đâu cũng có, nhưng chúng ta có nguồn kinh phí hạn hẹp nên phải tự chế tạo ra", ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X