Hotline 24/7
08983-08983

Có nên mang thai khi đang uống thuốc điều trị suy giáp?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em bị cường giáp đã mổ, sau mổ thì em bị suy giáp. Hiện tại em đang uống thuốc điều trị suy giáp. Em muốn có thai lúc đang uống thuốc trị suy giáp có được không? Có phải bị suy giáp sẽ bị vô sinh không vì em đã 3 năm rồi mà không có thai. Em rất lo sẽ bị vô sinh. Mong bác sĩ tư vấn. Em đang điều trị thuốc Berlthyrox 100.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Bệnh suy giáp có nên mang thai? Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh suy giáp có nên mang thai? Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Suy giáp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ sinh dục nhưng việc sử dụng hormon tuyến giáp bổ sung không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và thai kỳ. (Nếu chức năng giáp trở về bình thường thì bạn vẫn có thể mang thai được). Trường hợp hai vợ chồng lấy nhau 3 năm, không kiêng cữ mà không có con thì bạn nên cùng chồng tới khám chuyên khoa Hiếm muộn để tìm nguyên nhân.

Cũng cần lưu ý bạn thêm là trong những tuần đầu của thai, chức năng tuyến giáp có thể thay đổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé, do đó bạn cần tái khám bác sĩ Nội tiết để theo dõi sát và điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Suy giáp có biểu hiện rất mơ hồ, không đặc trưng, dễ nhầm với suy nhược cơ thể: mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ giảm sút, táo bón, nhức mỏi cơ bắp, khan tiếng, phù nhẹ mặt và mắt, da khô, bủng (có thể chảy máu bất thường ở âm đạo). Sau vài tháng, mọi hoạt động tinh thần, thể lực trì trệ hẳn, ăn không ngon, tóc khô, rụng nhiều (có thể bị hôn mê đột ngột).

Nguyên nhân bệnh suy giáp:

- Viêm tuyến giáp tự miễn (còn gọi là bệnh Hashimoto). Bệnh có thể có từ trước lúc mang thai nhưng do phát triển dần dần nên người bệnh không biết. Đây là nguyên nhân phổ biến.

- Ở trong vùng thiếu iod, sản phụ trước đó vốn đã bị bệnh bướu cổ đơn thuần hoặc khi có thai mới bị bướu cổ. Trường hợp này thường gặp ở miền núi.

- Trước đó bị cường giáp nên đã phẫu thuật cắt bỏ hay điều trị bằng iod phóng xạ, điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp (liều cao). Tất cả các cách điều trị này có thể dẫn tới suy giáp.

- Lần có thai trước đã bị suy giáp. Khi có thai lần sau vẫn bị suy giáp hay suy giáp nặng thêm.

Nguy cơ cho mẹ và con khi bị suy giáp:

- Với thai nhi: tuyến giáp thai nhi chỉ được hình thành, bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 - 12 của thai kỳ. Có nghĩa là trong thời kỳ này, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của mẹ. Ngoài ra, thai nhi phụ thuộc vào lượng iod do người mẹ cung cấp để tổng hợp hormone tuyến giáp. Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Hormone tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan… cũng như sự phát triển của não bộ. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh như vậy sẽ có những bất thường về thể lực, trí tuệ (chậm lớn, kém hoạt động, đần độn).

- Với bà mẹ: nếu không được điều trị thì suy giáp có thể dẫn đến các biến chứng như: thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim, chậm chạp, táo bón. Trường hợp nhẹ có thể sinh nở bình thường, nặng sẽ có các bất thường như: ra máu nhiều, trẻ sinh nhẹ cân hoặc có thể bị tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau.

Cách dùng thuốc điều trị suy giáp:

Trước khi có thai, hoặc trong thai kỳ cần kiểm tra chức năng tuyến giáp, nếu có dấu hiệu suy giáp thì cần điều trị cho tuyến giáp trở về trạng thái bình thường (bình giáp). Bình giáp bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp (như levothyroxin). Cứ mỗi 6 - 8 tuần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp một lần (bằng cách xét nghiệm nồng độ chất FT4 và TSH). Nếu có thay đổi liều thuốc thì sau 4 tuần phải kiểm tra lại chức năng tuyến giáp. Sau khi kiểm tra cần điều chỉnh thuốc để nồng độ FT4 và TSH trở lại mức cân bằng. Ngay sau khi sinh, sản phụ nên quay lại liều dùng thuốc như trước khi có thai.

Nếu bà mẹ khi mang thai bị suy giáp mà không điều trị thì trẻ sinh ra có thể bị suy giáp. Cần điều trị sớm bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp ngay sau khi sinh. Cách điều trị này thường cho hiệu quả khá: tuyến giáp hồi phục trở lại, trẻ lớn lên bình thường về thể chất và tinh thần.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X