Hotline 24/7
08983-08983

Chăm chồng... mãn kinh

"Đàn ông cũng mãn kinh, nhưng giai đoạn "mãn" không rõ rệt như phụ nữ, vì vậy, các triệu chứng thường bị bỏ qua".

Hội chứng... gây sự
 
Tại sao gọi là MKN? BS Nguyễn Thành Như - Khoa Nam học - BV Bình Dân TPHCM trả lời: “Gọi là MKN vì hội chứng này tương đương với hội chứng MK ở phụ nữ. Đây là những hội chứng cả hai phái đều phải trải qua”.
 
Trong cuộc sống đời thường, các cụ xưa thường nói: già đổi tính! Thực tế, sự thay đổi tính nết này phần lớn do “anh chàng” nội tiết tố estrogen gây ra. Nếu như ngày trẻ, lượng estrogen dồi dào giúp cho các chàng hào sảng, ga-lăng, phục vụ các quý cô không biết mệt, thì khi về già, nó lại làm cho quý ông cáu bẳn, dễ gây sự, dễ… tủi thân. Bởi vì sự xuống dốc của nội tiết tố khiến cho hàng loạt những “cơ quan ban ngành” khác trong cơ thể xuống cấp theo: cơ bắp nhão, mau mệt và đáng ngại nhất là “đàn em” không chút “xúc động” khi ở cạnh người đẹp! Bên cạnh đó, còn có nhiều kẻ “phá bĩnh” khác xuất hiện như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường…

Ảnh minh họa: Gettyimages.com
Sự thiếu khỏe mạnh về thể chất đã ảnh hưởng đến tinh thần. Lúc này, các ông trở nên khó kiềm chế, dễ nổi nóng, mất ngủ. Thói đời thường giận cá chém thớt, người hứng chịu nhiều nhất là bạn đời. Với những cặp vợ chồng cùng bước vào giai đoạn “eo hẹp” nội tiết tố, cơn bốc hỏa của cả hai như trút dầu vào lửa, nhanh chóng thiêu rụi hạnh phúc gia đình sau hàng chục năm vun đắp.
 
Những cặp vợ chồng chênh lệch nhiều tuổi, khi một trong hai người bước vào giai đoạn MK sẽ có lợi thế hơn. Bởi người chưa bị sự thiếu hụt nội tiết tố hành hạ sẽ hành xử linh hoạt hơn, tránh nguy cơ đổ vỡ.
 
Giúp chồng vượt khó
 
Việc chia sẻ, giúp chồng vượt qua trong giai đoạn MKN không mấy khó khăn, người vợ chỉ cần xem chồng có những dấu hiệu sau hay không: hay mệt mỏi cáu gắt; dễ bị kích động, sẵn sàng gây hấn; kiếm cớ trốn “trả bài” và trốn tập thể dục giữ gìn sức khỏe; có biểu hiện chán công việc… Về hình thức, bụng các ông sẽ to và bệu, sức lực suy giảm, không còn khả năng bồng bế, khuân vác nặng.
 
Nếu thấy chồng có những triệu chứng trên, người vợ cần khuyên chồng đi khám tổng quát để tầm soát sớm các bệnh: cao huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt, đặc biệt là nội tiết tố. Song song đó là thay đổi cách nấu nướng cho phù hợp với sức khỏe của chồng.
 
Thay những món quay, chiên, xào bằng món hấp, luộc để giảm cân, giảm vòng bụng để tránh được bệnh mãn tính, nâng cao tuổi thọ (vòng bụng dài ra, vòng đời ngắn lại). Trong giao tiếp, nếu chồng cáu bẳn, khó chịu, hãy tìm cách xoa dịu bằng các câu chuyện nhẹ nhàng, bằng những kỷ niệm ngọt ngào.
 
Cùng nhau lên lịch đi tập yoga, khiêu vũ dưỡng sinh, thể dục dưỡng sinh, thiền… cũng là cách vừa giữ gìn sức khỏe và giúp chồng vượt qua giai đoạn MKN dễ dàng.
 
BS Như nhận xét: “Vai trò của người vợ trong giai đoạn này vô cùng quan trọng. Vì đôi khi chỉ một lời chê bai của vợ cũng làm chồng mất hết nhuệ khí, bệnh càng thêm nặng. Ngược lại, một lời động viên, quan tâm của vợ, một cử chỉ lo lắng chia sẻ cũng giúp các ông “vượt khó” an toàn.
 
Tuy nhiên, không phải tất cả các ông chồng đều có những triệu chứng giống nhau, ở cùng mức độ như nhau. Độ bền của sức khỏe phụ thuộc rất nhiều vào việc luyện tập, ăn uống nhiều năm. Những người hút thuốc lá, uống rượu, dùng nhiều món ngon vật lạ, thích “đánh bắt xa bờ” thường bị MKN sớm hơn.

Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X