Hotline 24/7
08983-08983

Căn bệnh khiến đấng mày râu khốn khổ

Tiểu rắt, tiểu gấp, tiểu nhiều vào ban đêm, có cảm giác đau, nước tiểu thành từng giọt... có thể là dấu hiệu của bệnh phình tiền liệt tuyến căn bệnh rất nhiều quý ông tuổi về hưu mắc phải.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ám ảnh mang tên... khó tiểu

Vừa về hưu, chưa kịp vui tuổi già thì bỗng nhiên ông Nguyễn Quang Tâm trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội thấy cơ thể mình khó chịu đặc biệt là việc đi tiểu.

Đi tiểu khó, mỗi đêm vài lần vào nhà vệ sinh và mỗi lần được vài giọt nước tiểu kèm theo buốt ở bàng quang. Căn bệnh khiến ông Tâm lao tâm khổ tứ nhiều tháng trời. Ông đi khám, bác sĩ cho biết bị phình tuyến tiền liệt.

Ông Tâm đã uống thuốc và sử dụng thêm các loại thuốc nam hỗ trợ nhưng bệnh không cải thiện nhiều.

Thậm chí, có lần ông phải nhập viện cấp cứu do bí tiểu đột ngột, bụng dưới căng lên rất đau tức, vật vã. Điều trị nội khoa 5 năm không có kết quả ông đã tiến hành phẫu thuật nhưng triệu chứng bệnh không hết ông còn bị biến chứng: Bàng quang không tự chủ suốt ngày són nước tiểu phải đóng bỉm rất khổ sở, ông không dám đi đâu. Đặc biệt, sau phẫu thuật ông mất khả năng tình dục, trong khi vợ còn trẻ khiến ông vô cùng đau khổ.

Không riêng gì ông Tâm, rất nhiều quý ông rơi vào tình trạng như trên. Trường hợp của ông Đào Đức Hướng trú tại Phú Thọ, ông Hướng bị viêm tuyến liệt nhưng ông cố chịu. Những đêm thức giấc tới 6 - 7 lần đi tiểu mà không tiểu được.

Tình trạng khiến ông Hướng trở nên cáu gắt. Ông thường xuyên cáu bẳn và ngại không đến bệnh viện khám vì nghĩ bệnh khó nói.

Chỉ đến khi tình trạng tiểu khó kèm theo buốt và đi tiểu ra máu ông mới lên viện. Lúc này, bác sĩ siêu âm tiền liệt tuyến phình to kèm theo sỏi bàng quang. Thận của ông Hướng cũng bị ảnh hưởng theo vì quá trình ứ nước tiểu quá lâu.

Trường hợp cụ ông Nguyễn Văn M. 104 tuổi, trú tại Hưng Yên cũng không thoát khỏi căn bệnh này. Cụ M. phải nhập viện trong tình trạng bí đái kéo dài, u phì đại tuyến tiền liệt kết hợp với nhiều bệnh lý giãn ống mạch chủ, suy thận, rối loạn đông máu.

Sau khi siêu âm tuyến tiền liệt, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị u xơ tuyến tiền liệt, cả thùy giữa lồi lên bít đường ra cổ bàng quang khiến bệnh nhân không thể đi tiểu được và quyết định mổ nội soi u phì đại tuyến tiền liệt và bao quy đầu cho bệnh nhân.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh có tỷ lệ mắc bệnh tỷ lệ thuận với tuổi của người bệnh, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng cao, trên 50% nam giới trên 50 tuổi và trên 90% nam giới trên 80 tuổi mắc bệnh này.

Bệnh lành tính nhưng gây khốn khổ cho các quý ông như bí đái, đái khó, đái nhiều lần, đái đêm, đái rắt, đái máu, đái không hết... Đặc biệt, để lâu có thể gây biến chứng như sỏi bàng quang, viêm bàng quang, túi thừa bàng quang, ứ nước thận do trào ngược bàng quang niệu quản, nặng có thể suy thận.

Theo BS.CK2 Nguyễn Quang Cừ - Nguyên trưởng phòng khám Thận - Tiết Niệu - Nam Khoa BV Việt Đức tiền liệt tuyến là tuyến thuộc hệ sinh dục nam, có hình hạt dẻ nằm ở chỗ giao nhau giữa cổ bàng quang và miệng trong niệu đạo. Khi tuyến này bị viêm, phù thủng, tăng sinh hay phình to có thể gây tắc niệu đạo và cổ bàng quang.

Phình tiền liệt tuyến là chứng bệnh thường gặp ở nam giới do tuyến này bị viêm mạn tính lâu ngày làm cho các sợi cơ tăng sinh. Người trẻ bị viêm tiền liệt tuyến lâu ngày cũng rất dễ dẫn đến phình tiền liệt tuyến.

Theo báo cáo của các bác sỹ nam khoa độ tuổi mắc bệnh phổ biến nhất là trung niên và lão niên với đa số bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, trong đó khoảng 60% từ 60 đến 69 tuổi. Đàn ông từ 70 tuổi trở lên gần như 100% mắc bệnh này.

BS Cừ cho biết có nhiều bệnh nhân khi tới viện đều trong tình trạng tiền liệt tuyến đã phình to chèn ép lên niệu đạo và bàng quang. Nhiều trường hợp còn xuất hiện các triệu chứng như tiểu rắt, tiểu gấp, tiểu nhiều vào ban đêm, đau rát, nước tiểu thành giọt gây nên tình trạng khó chịu, lo lắng cho bệnh nhân.

BS Quang Cừ cũng cho biết việc phòng ngừa và điều trị bệnh chủ yếu là tránh để tiền liệt tuyến bị lạnh bởi đây là một trong những nguyên nhân làm cho tuyến này tăng sinh và phình to.

Không nên dùng các loại thực phẩm có tính kích thích như đồ ăn cay, nóng, rượu bia, thuốc lá. Tránh lao động quá sức hay ngồi lâu, đứng lâu. Tránh kích thích lên bàng quang. Tạo thói quen đại tiện đúng giờ. Hàng ngày có thể ngâm "vùng kín" trong nước ấm từ một đến hai lần, mỗi lần từ 10 đến 30 phút, sau đó massage tuyến liền liệt để cải thiện tuần hoàn máu.

Theo khuyến cáo của BS Cừ trường hợp mắc bệnh phình tiền liệt tuyến nặng, tiểu tiện gặp khó khăn, có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo Khánh Ngọc - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X