Hotline 24/7
08983-08983

Các kiểu ho và cách chọn thuốc trị ho phù hợp?

Ho là một phản xạ tự động để cố gắng làm sạch đường hô hấp. Đường hô hấp có thể bị tắc nghẽn một phần bởi đờm (chất nhầy), khói, hóa chất mà bạn hít vào hoặc một dị vật. Đôi khi, ho để làm sạch cổ họng. Phản xạ ho bảo vệ đường hô hấp của phổi. Tuy nhiên, phải đi khám bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài hơn ba tuần. Nếu bạn khó thở, ho ra máu hoặc sụt cân hoặc sốt, bạn nên đi khám bác sĩ đa khoa ngay lập tức.

Ho là gì?

Ho là một hoạt động cơ (phản xạ) tự động làm khí đi lên và ra khỏi đường hô hấp dưới (phổi) và đường hô hấp trên (khí quản, mũi và miệng). Bạn có thể ho để làm sạch họng của bạn nếu bạn sặc thức ăn và nó đi vào khí quản của bạn thay vì đi xuống ống dẫn thức ăn (thực quản). Hoặc bạn có thể cần phải ho nếu bạn hít vào hóa chất hoặc khói gây kích ứng đường hô hấp của bạn. Phản xạ ho bảo vệ đường hô hấp của phổi.

Triệu chứng ho được phân loại như sau:

- Cấp tính, có nghĩa là ho kéo dài ít hơn ba tuần.
- Bán cấp, nếu ho kéo dài 3-8 tuần.
- Mạn tính, có nghĩa là ho kéo dài lâu hơn tám tuần.

Tất cả chúng ta đều có thể bị ho nếu chúng ta cần làm sạch đường hô hấp. Ho cấp tính thường được cải thiện sau một tuần. Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm virus gây chảy nước mũi và ho. Nhiễm virus có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường bị 5-6 đợt nhiễm virus mỗi năm, đặc biệt trong những tháng mùa đông. Ho mạn tính thường gặp, xảy ra ở 1-2/10 người lớn.

Nguyên nhân gây ho là gì?

Các nguyên nhân thường gặp của ho cấp tính (kéo dài ít hơn ba tuần)

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho cấp tính. Nguyên nhân là do nhiễm mầm bệnh (virus). Hầu như loại ho này luôn được cải thiện tốt hơn trong vòng một tuần, mà không cần điều trị đặc hiệu. Triệu chứng có thể xảy ra đến ba tuần.

- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Nguyên nhân này ít phổ biến, có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi nghiêm trọng hơn như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Chúng có thể được gây ra bởi nhiễm mầm bệnh (virus, vi khuẩn hoặc nấm).

- Hen phế quản: gây khò khè, khó thở và ho vào ban đêm, khi gặp không khí lạnh và khi gắng sức. Một nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh hen nặng hơn nhiều, gọi là cơn hen phế quản cấp.

- Chất kích ứng (khói hoặc hơi hóa chất) mà bạn hít vào có thể gây kích ứng đường hô hấp.

Các nguyên nhân thường gặp của ho bán cấp (kéo dài 3-8 tuần)

- Đường thở hồi phục chậm sau một đợt nhiễm trùng. Trong trường hợp này các mầm bệnh đã qua đi, nhưng đường hô hấp của bạn vẫn còn phù nề và kích thích làm cho bạn tiếp tục ho. Đây gọi là sự tăng đáp ứng đường thở.

- Ho gà

- Các nhiễm khuẩn khác có thể gây ho kéo dài chẳng hạn như bệnh lao.

 

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet


 

Các nguyên nhân thường gặp của ho mạn tính (kéo dài hơn tám tuần)

- Chảy dịch mũi sau: Đây là một tình trạng mà đờm (chất nhầy) trong mũi chảy xuống thành sau họng khi bạn nằm. Nó có thể được gây ra bởi bất cứ điều gì làm cho mũi của bạn tạo ra nhiều dịch. Điều này bao gồm dị ứng, sốt cỏ khô ( viêm mũi dị ứng ) và polyp mũi cũng như nhiễm trùng.

- Trào ngược axit: Axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và tràn vào đường hô hấp.

- Bệnh hen phế quản: Hen phế quản không được chẩn đoán hoặc không được điều trị đầy đủ gây ho.

- Tác dụng phụ của thuốc: Ví dụ, các loại thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme -ACE), được sử dụng để điều trị cao huyết áp có thể gây ra ho.

- Bệnh phổi do hút thuốc: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tổn thương phổi gây ho và khó thở nặng dần lên. Điều này chủ yếu ảnh hưởng đến người hút thuốc.

- Các chất kích ứng như khói thuốc lá: Có thể là khói thuốc lá của bạn hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động).

Các nguyên nhân gây ho ít gặp

- Di vật: Thức ăn có thể đi xuống khí quản thay vì thực quản. Các vật khác cũng có thể bị hít vào do tai nạn, chẳng hạn như các loại hạt, đặc biệt là ở trẻ em.

- Ung thư phổi: người hút thuốc dễ bị hơn.

- Bệnh xơ nang: Đây là một bệnh di truyền ảnh hưởng đến phổi và gây ho mãn tính.

- Tràn khí màng phổi: Trong trường hợp này, khí bị giữ ngoài phổi, trong lồng ngực.

- Giãn phế quản: Đây là tình trạng mà đường dẫn khí của phổi giãn quá mức và tăng sản xuất chất nhầy.

- Một cục máu đông ở trong phổi (thuyên tắc phổi).

Cần khảo sát những gì?

Za

Bác sĩ sẽ muốn biết tình trạng ho kéo dài bao lâu và các triệu chứng khác nếu có. Đặc biệt, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gợi ý tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn. Những triệu chứng báo động mà có thể gợi ý bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng: ho ra máu, Sụt cân, Đổ mồ hôi đêm, Khó thở

Bác sĩ sẽ muốn biết:

- Ho xuất hiện đột ngột hay phát triển theo thời gian? Yếu tố khởi phát? đã kéo dài bao lâu?
- Bạn ho khi nào? Ho có nặng lên khi gắng sức không?
- Bạn có khó thở ngay cả lúc bạn không ho?
- Bạn có đau ngực không?
- Bạn có ho ra đờm (chất nhầy)? Đờm có màu gì? Có máu không?
- Bạn có cảm thấy không khỏe? Bạn có sốt, sụt cân hoặc đổ mồ hôi?
- Bạn có bị sụt cân không?
- Bạn có vừa tiếp xúc với ai mắc bệnh lao hoặc đi du lịch ở nước ngoài trong thời gian gần đây?
- Bạn có hút thuốc không?
- Nghề nghiệp của bạn là gì?
- Gần đây bạn có bắt đầu dùng loại thuốc mới nào không?

Những chi tiết này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán. Bác sĩ sẽ thăm khám cho bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra họng, phổi và tim. Bạn có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chức năng phổi bao gồm xét nghiệm thổi gọi là đo lưu lượng đỉnh. Một xét nghiệm thổi khác có thể được thực hiện bởi bác sĩ đa khoa được gọi là đo hô hấp ký. Bạn có thể được chụp X-quang ngực. Các xét nghiệm khác về phổi của bạn có thể làm nếu cần thiết.

Phương pháp điều trị?

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ho.

Đối với ho cấp tính do nhiễm virus, chỉ cần điều trị đơn giản, bao gồm xông hơi nước hoặc mật ong và chanh để làm dịu họng của bạn. Nếu bạn cảm thấy không khỏe do sốt hoặc đau nhức thì có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen. Cơn ho sẽ biến mất dần theo thời gian.

Bạn sẽ được khuyến cáo ngưng hút thuốc lá nếu bạn có hút thuốc. Bạn sẽ được cung cấp thuốc xịt nếu bạn bị hen phế quản. Nếu ho do thuốc điều trị tăng huyết áp, bạn có thể chuyển sang loại khác. Nếu có khả năng bị nhiễm khuẩn, bạn có thể được kê kháng sinh. Xịt mũi steroid có thể giúp điều trị chảy dịch mũi sau. Giảm cân, ngưng sử dụng các thực phẩm có acid, rượu và sử dụng thuốc để ngăn chặn axit trong dạ dày đều có thể giúp điều trị trào ngược axit.

Bạn có thể được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để thực hiện thêm các kiểm tra. Hầu hết các trường hợp sẽ được xử trí bởi bác sĩ đa khoa nhưng bạn có thể được chuyển đi để làm các thăm dò sâu hơn và điều trị tại bệnh viện.

Nên làm gì nếu tôi bị ho?

Điều này sẽ phụ thuộc vào ho đã kéo dài bao lâu và bạn cảm thấy sức khỏe giảm sút thế nào. Nếu bạn thấy khỏe và ho không kéo dài lâu, bạn có thể không cần phải làm bất cứ điều gì mà chỉ chờ đợi cho nó cải thiện. Biện pháp đơn giản như mô tả ở trên có thể giúp ích trong khi bạn chờ đợi cho tình trạng ho diễn tiến theo cách riêng của nó. Gặp bác sĩ của bạn nếu ho kéo dài hơn ba tuần và không được cải thiện. Nhanh chóng gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy rất không khỏe, hoặc nếu bạn có các triệu chứng báo động. Sử dụng ống thuốc xịt giảm triệu chứng theo hướng dẫn nếu bạn bị hen phế quản.

Bạn nên gọi xe cấp cứu (115) nếu bạn ho nghiêm trọng và khó thở kéo dài hơn vài phút. Nếu không, bạn nên gọi bác sĩ đa khoa của bạn nếu lo lắng.

Phòng tránh ho như thế nào?

Bạn sẽ cần phải tìm ra nguyên nhân và cố gắng giải quyết nó nếu có thể. Không hút thuốc hay tìm sự giúp đỡ để bỏ thuốc lá, bởi vì tất cả các nguyên nhân nghiêm trọng thường gặp của ho mãn tính hay ảnh hưởng đến người hút thuốc hơn. Cố gắng tránh những nơi bụi bặm hoặc khói thuốc. Sử dụng thuốc hen suyễn của bạn như được hướng dẫn. Tránh sử dụng các loại thuốc ho tự kê toa. Bạn có thể uống paracetamol hay ibuprofen trong trường hợp sốt và ngậm các chất lỏng nếu họng của bạn cảm thấy đau rát do ho. Sản phẩm có chứa codeine có thể giúp bạn giảm ho nhưng thường có tác dụng phụ không mong muốn như táo bón và buồn ngủ.

Tiên lượng?

Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng nói chung là rất tốt. Những người mắc bệnh liên quan đến hút thuốc lá mà tiếp tục hút thuốc có xu hướng bị ảnh hưởng bởi ho và khó thở. Các bệnh liên quan đến hút thuốc có xu hướng trở nên nặng dần lên theo thời gian. Tuy nhiên, hầu hết ho là do nhiễm virus ngắn hạn, không cần điều trị đặc biệt và cải thiện trong vòng 1-3 tuần.

Cách chọn thuốc ho phù hợp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thuốc ho thường được chia làm 2 loại trị ho khan và ho đờm. Một số quan niệm cho rằng các loại thuốc ho không thực sự có tác dụng. Tuy nhiên, số khác thấy thuốc ho các tác dụng và tin rằng đó là một loại thuốc an toàn hợp lý. Trẻ em dưới 6 tuổi thường được dùng các hỗn hợp thuốc ho đơn giản như: glycerin, mật ong và chanh.

Các loại thuốc ho là gì?

Thuốc ho là một loại thuốc. Mục đích là ngăn chặn ho khan hoặc để giúp bạn ho tăng lên để tống đờm (chất nhầy). Thuốc ho làm giảm ho khan đôi khi được gọi là thuốc giảm ho. Các loại thuốc mục đích làm tăng ho để tống đờm đôi khi được gọi là thuốc long đờm.

Rất nhiều loại thuốc ho có thể sẵn mua từ các nhà thuốc hoặc siêu thị. Chúng thường có 1 hoặc vài đặc điểm dưới đây:

-Thuốc giảm ho - ví dụ dextromethophan hay pholcodine

- Thuốc long đờm - ví dụ guaifenesin hay ipecacuanha

- Thuốc kháng histamin - brompheniramine, chlorphennamine, diphenhydramine, doxylamine, promethazine, triprolidine

- Thuốc làm thông mũi - ví dụ phenylephrine, pseudoephedrine, ephedrine, oxymetazoline, xylometazoline.

Thuốc ho gồm glycerin, mật ong và chanh cũng dễ mua. Chế phẩm này không có các thành phần hoạt tính như trên. Nó được cho là có tác động nhẹ nhàng.

Các loại thuốc ho cũng có thể chứa các thành phần khác như paracetamol hay ibuprofen. Một số có cồn.

Các loại thuốc ho tác động như thế nào?

Các loại thuốc ho tác động theo các cơ chế khác nhau, phụ thuộc vào thành phần hoạt chất:

- Thuốc giảm ho hoạt động theo cơ chế làm giảm phản xạ ho

- Thuốc long đờm làm tăng lượng chất nhầy, làm các chất tiết được tống ra ngoài dễ dàng hơn khi ho.

- Thuốc kháng histamine làm giảm phóng thích histamine từ đó làm giảm tắc nghẽn và làm giảm lượng chất tiết trong phổi.

- Thuốc thông mũi làm các mạch máu trong phổi và trong mũi hẹp lại (teo) làm giảm tắc nghẽn.

Các loại thuốc ho có thực sự có tác dụng?

Không có bằng chứng mạnh từ các nghiên cứu cho thấy các loại thuốc ho có tác dụng. Người ta cho rằng thuốc ho có một chút hiệu quả khi bị ho (cảm lạnh). Tuy nhiên, một số người khác cho rằng thuốc ho có tác dụng với họ và được cho là an toàn với đại đa số người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.

Nên mua loại thuốc ho nào?

Đối với ho khan, thuốc giảm ho như dextromethophan hay pholcodine là thuốc thích hợp nhất. Đối với ho có đờm, thuốc giãn phế quản như guainfenesin hay ipecacuanha là thích hợp. Dược sỹ sẽ cho lời khuyên loại nào phù hợp.

Một vài lưu ý quan trọng

Trẻ em dưới 6 tuổi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cần dùng các chế phẩm như glycerin, mật ong và chanh. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi thuốc ho bất kì có thành phần hoạt tính (thuốc long đờm, thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi). Bởi vì tác dụng phụ của các chế phẩm này còn lớn hơn các lợi ích có được của thuốc.

Dùng chung với các thuốc khác

Luôn luôn hỏi ý kiến dược sỹ trước khi mua thuốc từ các cửa hàng dược phẩm hay siêu thị nếu chúng có dùng chung với bất kì loại thuốc nào bạn đang dùng. Một số loại thuốc ho còn chứa các loại thuốc khác. Ví dụ, một vài thuốc có chứa paracetamol hay ibuprofen hoặc một số có chứa cồn. Điều này rất quan trọng nếu dùng thêm paracetamol hay ibuprofen để làm giảm triệu chứng sốt. Bởi nếu dùng quá liều paracetamol hay ibuprofen (quá liều) mà không biết có thể gây tổn thương gan của.

Nếu đang dùng thuốc chống trầm cảm - một thuốc ức chế monoamine -oxydase (IMAO) - có thể gây ra phản ứng với vài thành phần trong thuốc ho. Dùng thuốc chung có thể gây tăng huyết áp đột ngột (cơn tăng huyết áp) hoặc dễ bị kích thích hay chán nản. Đặc biệt, người dùng IMAO nên tránh dextromethophan, ephedrine, pseudoephedrine, phenylpropanolamine và nên dùng sau 2 tuần sau khi dừng thuốc.

- Dextromethophan khi dùng chung với thuốc chống trầm cảm có thể làm bạn bị kích thích hoặc chán nản.

- Ephedrine, pseudoephedrine, phenylpropanolamine khi dùng chung với các thuốc MAOI có thể gây ra cơn tăng huyết áp.

Tác dụng phụ có thể gặp là gì?

Hầu hết các loại thuốc ho không có tác dụng phụ. Một vài chế phẩm gây buồn ngủ, ví dụ: pholcodine và phenylhydramine. Sau dùng những chế phẩm này không nên lái xe hoặc vận hành máy móc. Các hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc sẽ được thông báo nếu thuốc gây buồn ngủ.

Pholcodine có thể gây táo bón.

Chú ý: Những thông tin trên không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc. Vui lòng xem hướng dẫn sử dụng thuốc kèm với các biệt dược cụ thể để có thông tin đầy đủ về tác dụng phụ và cảnh báo.

Điều trị trong bao lâu?

Như tất cả các thuốc khác, thuốc ho chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn cần thiết và hầu hết mọi người chỉ cần dùng một loại thuốc ho trong vài ngày. Nhìn chung, không quá 2 - 3 tuần ho sẽ hết. Nếu không, nên gặp bác sỹ.

Ai không nên dùng thuốc ho?

Hầu hết mọi người đều có thể dùng thuốc ho. Đối với trẻ em chỉ nên dùng các loại thuốc ho không có thành phần hoạt tính hoạt động, như glycerin, chanh, mật ong. Nếu đang dùng bất kì một loại thuốc nào hoặc bạn không biết chắc khi phải dùng thuốc ho, hãy hỏi dược sỹ.

Theo BS Phan Ngô Huy - BS Trần Thị Tuyết Hậu - Cổng thông tin YHCĐ

Tài liệu tham khảo:
http://patient.info/health/cough-leaflet

http://patient.info/health/cough-medicines


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X