Bướu giáp đa nhân nên điều trị thế nào, thưa BS?
Câu hỏi
Kính gởi BS, Em 30 tuổi, cao 1m53, nặng 42kg. Em đi nhiều BS đều chẩn đoán đa nhân tuyến giáp lành tính, các chỉ số đều bình thường. Em hơi khó ngủ, dễ bị nóng trong người nên hạn chế ăn đồ nóng, không chịu được máy lạnh, hay bị viêm họng nên phải kiêng thức ăn uống lạnh. Đến kỳ kinh nguyệt thì có cảm giác chân không vững, nhưng chưa đến nỗi run. Người em hơi gầy, sức không dai, dễ mệt nếu vận động nhiều. BS nói em theo dõi định kỳ, chưa cần làm gì hết. Có BS đề nghị bóc tách nhân. BS khác lại bảo cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và uống thuốc suốt đời. AloBacsi ơi, bóc tách thì có nguy cơ lan tỏa phải không ạ? Nếu cắt toàn bộ và dù có uống thuốc vẫn không thể thay thế hoạt động bình thường của tuyến giáp phải không? Kính mong BS của AloBacsi cho em lời khuyên nên làm thế nào? Chân thành cảm ơn. (Ngọc Thanh - TPHCM)
Trả lời
Chào bạn Ngọc Thanh,
Thông tin bạn cung cấp cho AloBacsi còn thiếu kết quả Siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm máu (công thức máu, đo Điện tim, và cả xét nghiệm Nội tiết tố tuyến giáp- Bạn nói các chỉ số đều trong giới hạn bình thường nhưng là bao nhiêu?).
Hiện có nhiều trường phái trong vấn đề điều trị bướu giáp nói chung và bướu giáp đa nhân nói riêng. Ngay cả vấn đề mổ bướu giáp cũng vậy, có BS chuộng phương pháp mổ, có BS lại thích điều trị nội bảo tồn,… Tuy nhiên, phương pháp điều trị nào cũng có 2 mặt cả.
Ví dụ, nếu mổ phải đúng chỉ định: bướu lớn quá gây chèn ép, nuốt nghẹn, nuốt vướng, khó thở… hay về mặt thẩm mỹ bệnh nhân muốn mổ…, hoặc bệnh tái đi tái lại nhiều lần,… Sau mổ, bệnh nhân cũng còn gặp một số vấn đề như: khàn tiếng, bệnh tái phát, suy giáp phải uống thuốc suốt đời (như trường hợp bạn đề cập là cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và uống thuốc suốt đời).
Riêng với vấn đề điều trị nội khoa sẽ không làm tiêu hết bướu giáp, mà chỉ (có thể) làm bướu không to thêm và giảm các dấu hiệu (triệu chứng) do bướu gây ra mà thôi. Ngay cả khi đã điều trị nội khoa mà các triệu chứng vẫn còn thì BS sẽ khuyên phẫu thuật. Thêm vào đó, việc dùng thuốc cũng phải được theo dõi chặt chẽ và định kỳ tại BS chuyên khoa Nội tiết bởi vì các tác dụng phụ (có thể) của thuốc.
Thuốc cũng không thể thay thế hoạt động bình thường của tuyến giáp được, bởi lẽ tuyến giáp là một trong số các tuyến nội tiết của cơ thể, có liên quan mật thiết với các tuyến nội tiết khác và vì vậy sẽ thay đổi theo từng độ tuổi của con người…
Đến đây thì bạn đã hiểu lý do tại sao các BS lại cho bạn nhiều hướng điều trị như vậy phải không? Hiện tại, nếu bướu không lớn, các chỉ số nội tiết tố tuyến giáp đều trong giới hạn, mạch không nhanh,...thì bạn chỉ nên theo dõi và tái khám định kỳ theo hẹn hay khi có bất thường. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra Công thức máu, xem xét vấn đề có bị thiếu máu do rong kinh (hay mệt khi gắng sức), đồng thời tăng cường dinh dưỡng (theo chiều cao và cân nặng thì chỉ số khối (BMI) của bạn khoảng 18, là gầy). Nếu BMI thấp quá (gầy) cũng gây ra mệt, không có sức và hay bệnh….
Chúc bạn nhiều sức khỏe và có thể quyết định hướng điều trị cho mình.
Thân mến,
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình