Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Phòng tránh và sơ cứu tai nạn điện giật

Dù đã có nhiều bài học đau xót trong mùa mưa bão nhưng mối nguy điện giật vẫn hiện hữu. Mời bạn đọc đón xem những hướng dẫn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trong chương trình tư vấn sáng ngày 29/5 để biết cách phòng ngừa hoặc xử trí, kịp thời cứu mạng sống nếu chẳng may gặp người bị điện giật.

Nguồn điện gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nhưng nếu không cẩn thận khi sử dụng điện thì nó sẽ gây ra những nguy hiểm ảnh hưởng đến cả tính mạng con người.

Nhất là vào mùa mưa, sự nguy hiểm của hệ thống điện càng nhân lên gấp bội. Nếu trời mưa to, lượng nước quá nhiều và tràn vào các thiết bị điện dễ dẫn đến các tai nạn thương tâm. Dù đã có nhiều bài học đau xót trong mùa mưa bão nhưng mối nguy điện giật vẫn hiện hữu.

"Gương mặt bác sĩ thân quen" của bạn đọc AloBacsi mỗi khi có vấn đề cần giải đáp. Dù bận rộn với công việc thường ngày nhưng BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình vẫn không quên "soạn bài" để phần tư vấn được đầy đủ, dễ nhớ cho bạn đọc.

Dường như bước vào mùa mưa bão là các vụ tai nạn điện giật gia tăng. Theo BS vì sao lại như vậy ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Biến động bất thường của thời tiết như bão, lũ, lốc xoáy, mưa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống điện. Mưa nhiều, gió lớn làm cây đổ gây đứt dây dẫn điện, gió mạnh giật đứt các biển quảng cáo, mái tôn cứa vào dây dẫn điện, khi nước dâng gây ngập và có thể làm rò điện ra môi trường xung quanh.

Nếu chúng ta không để ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố, sẽ rất dễ bị tai nạn điện xảy ra là do tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện hoặc các vật bị nhiễm điện từ nguồn điện bị hở..

Ngoài ra, do nhận thức về an toàn điện chúng ta còn hạn chế,  nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm về điện đã xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa bão.


Điện giật tác động thế nào đến cơ thể, thưa BS? Dòng điện đi qua cơ thể sẽ gây ra hiện tượng gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Điện giật là hiện tượng xảy ra khi dòng điện chạy qua cơ thể con người. Triệu chứng bị điện giật bao gồm ngứa ngáy, xúc động mạnh, co bóp dữ dội, rối loạn nhịp tim, phá hủy mô. Cường độ điện trường cao làm tế bào chân lông giản ra làm các ion chạy tự do xuyên qua màng tế bào làm tế bào chết.

Dòng điện chạy qua cơ thể người sẽ gây ra những tác động về nhiệt, điện phân và sinh lý. Trong đó tác động sinh lý gây sự kích thích các tổ chức tế bào kèm theo sự co giật các cơ bắp, trong đó đặc biệt quan trọng là cơ tim và cơ phổi, gây tổn thương cơ thể sống hoặc làm ngưng trệ cơ quan hô hấp và tuần hoàn. Tuỳ theo giá trị dòng điện đi qua cơ thể mà có tác động khác nhau.


Xin BS cho biết hậu quả của điện giật chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Hậu quả của điện giật chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng:

- Những tai nạn điện giật nhẹ thoáng qua, chỉ gây tê ở vùng tiếp xúc với dòng điện, không có tổn thương cháy thịt thì có thể không cần đưa tới bệnh viện.

- Tuy nhiên, nếu bị điện giật nặng có thể làm co giật mạnh, gây bỏng, hoại tử và rối loạn các cơ quan trong cơ thể, dòng điện được truyền qua não thì hệ thần kinh trung ương sẽ bị phá hủy. Bên cạnh đó, máu trong cơ thể phân hủy dẫn tới tình trạng các thành phần trong mô và máu bị phá vỡ làm cho cơ thể con người biến đổi nhanh chóng gây xáo trộn sinh lý, dòng điện có cường độ lớn, sẽ khiến cho cơ bắp, tim, phổi bị co giật mạnh dẫn đến nguy cơ suy hô hấ, suy tim có thể gây ngưng hệ tuần hoàn làm ngừng thở Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị điện giật sẽ thiệt mạng.


Người bị điện giật nhưng được cứu sớm, không bị ngất thì có cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe không? Nếu chưa cần đến BS thì nên theo dõi những triệu chứng gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Người bị điện giật nhưng được cứu sớm, không bị hay ngất thì sau khi sơ cứu cần phải đến bệnh viện ngay để  kiểm tra sức khỏe và theo dõi tâm lý nạn nhân do hoảng sợ, theo dõi triệu chứng mệt và khó thở khoảng 1 tuần.


Biểu hiện não/thần kinh đã bị ảnh hưởng do điện giật gồm những gì, thưa BS? Trường hợp người bị điện giật nhẹ, không gây bỏng có thể để lại di chứng ở não/thần kinh không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Sau khi bị điện giật, dòng điện sẽ dẫn truyền qua não làm cho hệ thần kinh trung ương bị phá hủy, gây mất ý thức tạm thời, thiếu máu và oxy lên não, điếc tai, sặc, ngừng hô hấp, vỡ tế bào, bỏng da, suy thận, tắc vỡ mạch máu, bỏng mắt, cháy máu, co giật, co cứng tim gây ngừng đập, loét, chảy máu dạ dày, rối loạn hệ miễn dịch...

Trong trường hợp người bị điện giật nhẹ, không gây bỏng hiếm khi để lại di chứng ở não/thần kinh.

Quy trình xử trí khi bị điện giật. Ảnh: Internet

Khi có người bị điện giật, người xung quanh cần làm gì để cứu, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi gặp trường hợp bị điện giật, người xung quanh cần bình tĩnh, xử trí như sau:

- Tắt cầu dao nguồn điện của nơi đang có người bị giật.
- Dùng các vật liệu cách điện để tách người đang bị giật ra khỏi nguồn điện gây giật như những đồ vật bằng cao su, giấy khô, đồ gỗ, tuyệt đối không động vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện.
- Sau khi đưa nạn nhân ra khỏi nguồn điện đến nơi khô ráo để sơ cứu nạn nhân tiếp và đưa đến bệnh viện.


Những sai lầm nào thường gặp trong khi giải cứu người bị điện giật khiến hậu quả nặng nề hơn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bị điện giật có thể khiến nạn nhân bị bỏng, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn. Kỹ năng sơ cứu ngay khi sự cố xảy ra là việc rất quan trọng để cứu sống nạn nhân, nhất thiết cần tránh những sai lầm tai hại này khi sơ cấp cứu người bị nạn:

- Không xem xét nguồn điện đã ngắt hay chưa.
- Vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu mà không sơ cứu trước.
- Đổ nước muối vào người, hoặc chôn nạn nhân dưới đất theo dân gian truyền miệng.
- Để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi thấy có dấu hiệu tỉnh lại.
- Hô hấp nhân tạo không đúng kỹ thuật.


Nhờ BS hướng dẫn cách sơ cứu người bị điện giật?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Như đã nói ở trên, khi phát hiện người bị điện giật, trước tiên cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Có thể dùng bất cứ một vật dụng gì khô nhưng không phải bằng kim loại để đẩy, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện.

Sau đó, đưa nạn nhân đến nơi khô ráo để sơ cứu nạn nhân, người cứu nạn nên mang găng tay cao su, hoặc quấn bao ny lông hay vải khô, mang dép, mũ để kiểm tra xem bệnh nhân có còn thở hay không:

- Nếu bệnh nhân còn thở, người sơ cứu phải kiếm tra tình trạng tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là đốt sống cổ, tiếp theo đến các bộ phận khác trên cơ thể. Nên an ủi và động viên để nạn nhân yên tâm với tình trạng của mình mà không hoảng sợ rồi đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và sử trí kịp thời.

- Nếu bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì tiến hành hô hấp nhân tạo kịp thời và đúng cách. Lúc này, người sơ cứu cần phải nhanh chóng hà hơi ngạt thở và nhấn tim người bệnh. Để tay giữa ngực bện nhân, giữ bằng ức bàn tay, nhấn tim liên tục khoảng 100 lần/ phút không nghỉ, song song với nhấn tim là thổi ngạt thì cứ nhấn tim 15 lần thì thổi ngạt 1 lần. Cứ liên tục làm thế cho khi người bệnh thở trở lại được và tỉnh lại, sau đó đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và xử trí kịp thời.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình (trái) và BTV Thanh Thủy

Trong nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý gì để phòng tránh tai nạn điện giật cho bé?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Thiết bị điện là tầm ngắm khám phá của con trẻ, nếu cha mẹ sơ xuất thì dễ gây ra các tai nạn không thể lường trước được.Trong nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý gì để phòng tránh tai nạn điện giật cho bé bằng cách:

- Lắp đặt ổ cắm điện xa tằm tay trẻ…
- Rút phích cắm các thiết bị điện sinh nhiệt như máy là tóc, máy sấy, bàn là,... ngay khi sử dụng xong.
- Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường.
- Bộ sạc điện thoại di động, nếu cắm quá lâu, có thể bị quá nóng và gây ra cháy, nên để trên cao để  trẻ không đưa đầu dây cắm vào miệng.


Còn với gia đình có người cao tuổi, nên phòng tránh tai nạn điện giật như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để phòng tránh tai nạn điện giật, chúng ta cần:
- Lắp đặt ổ cắm điện sao cho mỗi ổ chỉ 1-2 phích cắm, không để ổ cắm quá tải, đặc biệt với những thiết bị như ấm đun nước.
- Nếu cảm thấy phích cắm điện nóng một cách bất thường, phải tắt máy và rút phích ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra dây điện, ổ cắm điện và thiết bị sử dụng điện.
Thường xuyên kiểm tra an toàn các thiết bị điện trong nhà. Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng hoạt động tốt, cách điện tốt. Những dây điện bị sờn hay ổ cắm bị cháy sém. Dây cắm chỉ hở thì thay thế liền.
- Khi xảy ra cháy do chập điện, phải cắt ngay nguồn điện rồi dùng bình cứu hỏa cho sự cố cháy vì điện nếu có. Tuyệt đối không dùng nước vì sẽ gây điện giật chết người.
- Không gán dây điện vào tường bằng đinh hoặc đinh kẹp. Vỏ bọc của dây điện có thể bị hỏng do cọ xát gây ra.
- Đóng đinh vào tường gần phần dây điện đi ngầm có thể gây rò rỉ điện.
- Không nên giật dây điện khỏi ổ cắm. Lâu ngày, cả phích cắm lẫn ổ cắm có thể bị lỏng.
- Đi dây điện đi dưới thảm hay đồ đạc có thể bị hỏng vỏ bọc mà bạn không hề hay biết.
- Tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ.
- Cách ly mọi thiết bị điện với nguồn nước.

Thực hiện: Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X