Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Tiêm ngừa dại thế nào sau khi bị chó cắn?

Chiều ngày 6/4, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp những thông tin xung quanh vấn đề đang nóng hiện nay: Tiêm ngừa dại sau khi bị chó cắn. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Hiện nay, tại nhiều địa phương của nước ta vẫn còn rất nhiều gia đình chăn nuôi không tiêm phòng cho động vật và vẫn còn thả rong ra ngoài đường rất nhiều. Vì vậy, mỗi chúng ta cần biết về bệnh dại để biết cách phòng tránh bệnh. Để bệnh dại không lây lan trong cộng đồng, người nhà khi chăm sóc bệnh nhân bị dại hết sức lưu ý tránh tiếp xúc với nước bọt hoặc những vết thương trầy xước của bệnh nhân.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia tư vấn sức khỏe của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia tư vấn sức khỏe của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nhờ bác sĩ cho biết chó dại có biểu hiện như thế nào ạ? Để tránh cho chó bị bệnh dại, người nuôi chó cần làm gì? Lịch tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút, bệnh lây truyền từ các loại động vật sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Bệnh dại ở chó thường có những biểu hiện sau:

* Thể điên cuồng:

- Biểu hiện đầu tiên là chó thay đổi thói quen hằng ngày như bứt rứt, lo lắng, có khi tỏ ra vui mừng, quấn quýt chủ hơn, hoặc tỏ ra buồn rầu. Chó thường ăn nhiều hơn bình thường, có thể sốt, nước dãi đã có virus dại thường xãy ra từ vài giờ đến 1- 2 ngày sau đó.

- Biểu hiện kế tiếp là những biến loạn như chó luôn cử động, nhảy nhót, tiếng sủa kéo dài và sau đó thành tiếng hú ghê rợn. Khi bị  kích thích chó lên cơn dại, cắn người và các con vật khác hoặc tự cắn nó.

- Biểu hiện gầy mòn, mắt lõm sâu, vẻ mặt phờ phạc, kêu thất thanh, đi phân táo bón, bí tiểu tiện, cuối cùng vật ngã xuống và chết.

* Thể bại liệt:

Còn gọi là dại câm, bệnh biểu hiện như chó sẽ buồn rầu, ủ rũ, cơ thể dễ liệt cơ hàm làm cho mõm luôn hé mở và nước dãi chảy liên tục, xảy ra từ 2-7 ngày, sau đó con chó bị chết.

* Để tránh chó bệnh dại, bạn cần:

Tiêm phòng dại cho chó đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

* Lịch tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi như thế nào?

Chó nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ. Những con chó con sau khi sinh sẽ nhận kháng thể chống bệnh dại từ mẹ trong vòng 3 tháng đầu. Do đó, nên tiêm vào các thời điểm 3 tháng tuổi, 9 tháng tuổi, sau đó nhắc lại hàng năm. Phải thường xuyên tẩy giun sán cho chó con và chó trưởng thành trước khi tiêm phòng.


Bệnh dại lây truyền như thế nào? Đường lây truyền chính là gì? Ngoài chó ra thì những động vật khác có lây bệnh dại không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Đường lây truyền của bệnh dại chủ yếu là qua tuyến nước bọt.

- Khi bị động vật như chó, mèo, ngựa ,… nhiễm virus, virus này sẽ từ tuyến nước bọt của động vật lây sang người; hoặc do động vật mắc bệnh dại liếm vào vết thương, những chỗ trầy xước; người giết mổ động vật nhiễm dại; người mắc bệnh dại lây cho người lành.

- Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính được gây ra bởi một loại virus lây truyền từ động vật sang người nên khi virus dại xâm nhập vào cơ thể người sẽ phát triển và tấn công lên hệ thần kinh trung ương. Chúng sẽ phá hủy các mô thần kinh và gây nên những triệu chứng đau ngứa, sốt co giật, rối loạn thần kinh thực vật, điên cuồng từng cơn dẫn đến tử vong. Bệnh dại hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người.

Đường lây truyền bệnh dại chủ yếu qua tuyến nước bọt của vật nuôi sang người. Ảnh minh họa - Nguồn Intermet
Đường lây truyền bệnh dại chủ yếu qua tuyến nước bọt của con vật bị bệnh sang người. Ảnh minh họa - Nguồn Intermet

Bệnh dại có thời gian ủ bệnh trong bao lâu? Những triệu chứng ban đầu và khi bệnh nhân phát bệnh có biểu hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nếu người bị chó dại cắn thì từ 1 - 5 ngày sẽ phát bệnh.

Sau khi nhiễm virus dại, người bệnh bị đau ngứa kèm theo sốt, đau đầu, căng thẳng, mất ngủ, sau đó sợ tiếp xúc với ánh sáng, gió, nước, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, co giật, rối loạn thần kinh, bại liệt. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau 10 ngày.


Người bị bệnh dại được điều trị như thế nào? Có biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh nhân dại hay không? Vì sao không thể cứu sống được người bị bệnh dại?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh dại, vì vậy người mắc bệnh dại đều tử vong. Cho nên, sau khi bị động vật cắn nên xử trí vết thương sớm và đi tiêm ngừa, cần tiêm ngừa dại đủ mũi, đủ liều để bảo vệ cơ thể và sức khỏe tránh nguy cơ bị bệnh dại.

Không có phương pháp điều trị đặc biệt nào một khi đã phát bệnh. Hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn. Người chăm sóc bệnh nhân cần sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân để tránh xa vết cắn hoặc nước bọt nhiễm bệnh từ màng nhầy và vết thương. Giữ bệnh nhân trong căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các tác nhân kích thích (ví dụ như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt và co giật.


Khi bị chó cắn, nên xử lý vết cắn như thế nào? Và những điều không nên làm đối với vết cắn là gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Sau khi bị động vật nhiễm virus dại cắn nên xử trí vết thương như sau:

- Đầu tiên, rửa vết thương với xà phòng (nếu có) và vòi nước chảy mạnh trong 10 - 15 phút. Lưu ý, không làm dập nát hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết thương. Không nên băng bó, đắp kính vết thương, không đắp bột ớt…

cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh ngay sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh ngay sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Sau khi xử trí vết thương, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị, tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.

- Nên theo dõi sát sao động vật đã cắn, không nên giết chúng. Nếu chúng mất đi hoặc bị ốm, bị giết thì cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc cán bộ y tế biết để thay đổi phác đồ điều trị phù hợp và kịp thời.


Phác đồ tiêm ngừa dại hiện nay của Việt Nam gồm những mũi nào, thưa bác sĩ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Vắc xin ngừa dại an toàn và hiệu lực bảo vệ cao là vắc xin dại tế bào Verorab. Có 2 phác đồ dưới đây được WHO đồng ý và khuyến cáo sử dụng:

- Phác đồ tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.

- Phác đồ tiêm trong da: liều đơn 0,1ml x 8 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, mỗi ngày tiêm 2 liều đơn vào 2 vị trí khác nhau của vùng cơ Delta, tiêm tiếp vào ngày 28 và ngày 90 kể từ mũi tiêm thứ nhất, mỗi ngày 1 liều vào cơ Delta.


Có khi nào vắc xin bệnh dại gây bệnh dại không ạ? Sau khi tiêm phòng, bệnh nhân cần kiêng cữ như thế nào? Có xét nghiệm để kiểm tra kháng thể có hay chưa sau khi tiêm phòng dại không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Tất cả các loại vắc xin dại cho người đều đã được bất hoạt. Vắc xin phòng dại trên người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Việc tiêm phòng bệnh dại không thể gây bệnh dại.

Sau khi tiêm vắc xin phòng dại cần kiêng rượu, bia và các chất kích thích khác, không nên làm việc quá sức; không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch… trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.

Không cần xét nghiệm để kiểm tra kháng thể sau khi tiêm phòng dại.

Tốt nhất nên tiêm ngừa vắc xin dại trong vòng 2 tiếng sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tốt nhất nên tiêm ngừa vắc xin dại trong vòng 2 tiếng sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Sau khi bị chó cắn, trường hợp nào phải lập tức đi tiêm phòng bệnh dại, thưa bác sĩ? Trường hợp nào thì có thể tiêm chậm hơn, và chậm tối đa là bao lâu? (Gợi ý: Vết cắn ở vị trí nào là nguy hiểm nhất và vị trí nào ít nguy hiểm hơn?)

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Sau khi bị chó, mèo, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến Trung tâm Y tế dự  phòng để được bác sĩ chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

- Những trường hợp người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay, phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại khi:

+ Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại;
+ Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục… dù vết cắn nhẹ;
+ Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu;
+ Không theo dõi được con vật (đã bị làm thịt hoặc bị chết);
+ Tại nơi người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó đã từng có súc vật bị dại.

- Trường hợp vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân) tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại.

- Cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt… phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.


Sau khi bị chó cắn, cần theo dõi chó trong 10 ngày, nếu chó có biểu hiện bị bệnh thì mới tiêm ngừa dại, hay lập tức tiêm ngừa luôn rồi mới theo dõi con chó? Sau 10 ngày nếu chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì có cần tiêm các mũi tiếp theo không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Sau khi bị chó cắn, nếu có điều kiện thì tốt nhất là lập tức tiêm ngừa luôn rồi mới theo dõi con chó. Sau 10 ngày nếu chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì vẫn phải tiêm các mũi tiếp cho đúng liều vì hiện nay chỉ có thuốc phòng bệnh chứ không có thuốc điều trị bệnh.


Theo bác sĩ, trường hợp tiếp xúc với máu chó trong quá trình giết mổ để chế biến thịt chó có thể lây bệnh dại hay không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trong trường hợp tiếp xúc với máu chó trong quá trình giết mổ để chế biến thịt chó, nếu chó có bệnh dại thì người giết mổ có thể lây bệnh dại.


Phòng tránh bệnh dại:

Virus dại cực kỳ nguy hiểm, nếu như không cẩn thận rất dễ dẫn đến tử vong. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải biết cách phòng bệnh:

- Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

Người dân nên tiêm phòng dại định kỳ cho chó. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Người dân nên tiêm phòng dại định kỳ cho chó. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Tránh tiếp xúc với những con vật không rõ nguồn gốc. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

- Những đồ vật nghi ngờ tồn tại virus gây dại phải được vệ sinh, khử trùng

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

- Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc có chứa corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

- Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ về cách tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X