Hotline 24/7
08983-08983

BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, bạo hành bác sĩ gây thương tích là chuyện cực kỳ lớn và hiếm

Tôi nghĩ rằng bạo hành nói chung là một trải nghiệm rất kinh khủng, nhất là khi nó xảy ra trong môi trường y tế. Quả thật, không có gì tệ hại hơn điều này.

BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản chia sẻ trên báo Trí thức trẻ:

Hỏi: Tôi muốn lắng nghe một lời chia sẻ từ các đồng nghiệp đang làm việc tại các nước có nền y tế phát triển như bác sĩ Wynn, bác sĩ Quý. Khi thấy đồng nghiệp của mình ở trong nước bị bạo hành, các anh có suy nghĩ gì? (hanhmai_nguyen@yahoo.com )

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Tôi nghĩ rằng bạo hành nói chung là một trải nghiệm rất kinh khủng, nhất là khi nó xảy ra trong môi trường y tế. Quả thật, không có gì tệ hại hơn điều này.

Các bác sĩ và nhân viên y tế chọn con đường này để dấn thân, về cơ bản họ đã là những người có tấm lòng vì con người, vì bệnh nhân nên không ai muốn gặp tình huống như vậy. Trước hết, tôi chia sẻ sự khó khăn và cảm giác bị bạc đãi với các đồng nghiệp đang ngày đêm cố gắng tại quê nhà.

Vấn đề này cần phải được phòng ngừa và chấm dứt để các bác sĩ, nhân viên y tế an tâm làm việc cứu người.

Tuy nhiên, ngay cả tại nước phát triển, hiện tượng bạo hành cũng xảy ra, tuy không nhiều và dữ dội như Việt Nam và Trung Quốc. Người ta có nhiều cách để ngăn chặn, răn đe và trừng phạt nghiêm khắc để bảo vệ các bác sĩ và môi trường chăm sóc y tế.

Hỏi: Ở Nhật, một đất nước văn minh và có nhiều bài học về cách sống, tình trạng hành hung bác sĩ liệu có xảy ra và nếu có thì nó được giải quyết ra sao? (trung_nguyen_hoang.ncr@gmail.com)

BS Phạm Nguyên Quý: Tôi chỉ mới đi làm có 5 năm, kinh nghiệm chưa nhiều và chỉ mới gặp duy nhất 1 ca là bệnh nhân nghiện rượu lớn tiếng cãi cọ về phương pháp điều trị làm y tá hoảng sợ.

Chỉ mới đó thôi mà người ta đã báo động và tổ chức họp bàn để xử lý. Trong mỗi bệnh viện đều có manual (hay hướng dẫn) chi tiết về cách xử lý các tình huống bạo ngôn, bạo hành theo từng cấp độ nguy hiểm.

Bác sĩ ở Nhật là một trong những ngành được quý trọng nên việc bạo hành gây thương tích là chuyện cực kỳ lớn, và hiếm. Nếu xảy ra thì tivi, đài, báo chí sẽ có thể đưa tin cả tuần không dứt.

Bác sĩ là nguồn nhân lực quý của xã hội nên các bệnh viện và cả thành phố tìm đủ cách để những chuyện không hay đó xảy ra, làm sao để giữ chân bác sĩ lại chỗ của mình.

BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, bạo hành bác sĩ gây thương tích là chuyện cực kỳ lớn và hiếm - Ảnh 1.(Ảnh minh họa)


Để chấm dứt tình trạng bạo hành y tế thì có nhiều phương pháp và quy định nhưng tôi thấy chung nhất là 3 ý chính:

1. Cần giải thích cho bệnh nhân hiểu vài điều cơ bản

a. Bệnh viện cũng là nơi công cộng và ai cũng cần hành xử lịch sự tối thiểu. Khạc nhổ, văng tục đã là tối kỵ. Đe dọa hay gây hấn là hành vi phạm pháp.

Trên máy bay hành khách mới đe dọa nhân viên hàng không đã bị xử lý nghiêm, cấm bay thì ở bệnh viện càng phải nghiêm hơn. Bệnh viện có thể gọi cảnh sát tống tiến người gây hấn đi ngay lập tức nếu hành động của người đó có khả năng đe dọa tới sức khỏe nhân viên y tế và ảnh hưởng tới hoạt động y tế của bệnh viện.

b. Quyền con người là quan trọng và phải được ưu tiên trên hết, trước quyền và nghĩa vụ khám bệnh. Có nghĩa là bác sĩ cũng có quyền con người và nếu bị xâm phạm quyền đó, bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh. Không thể có chuyện phải khám bệnh khi bị kề dao đe dọa.

c. Niềm tin lẫn nhau là điều kiện cần tối thiểu để đảm bảo chất lượng y tế và sự an toàn y tế. Có nghĩa là bệnh nhân đe dọa đánh đập bác sĩ đồng nghĩa với sự hủy hoại niềm tin vào bệnh viện và bác sĩ. Bác sĩ cũng ko dám làm việc với bệnh nhân và như vậy bệnh nhân đó không thể được chữa trị tốt. Bệnh viện có quyền từ chối chữa bệnh và đề nghị bệnh nhân nên đi chỗ khác.

Trong luật y tế Nhật ghi rõ bệnh viện có trách nhiệm phải chữa bệnh cho người dân, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi người dân tới bệnh viện phải được điều trị. Bệnh viện có thể từ chối khám chữa bệnh với lý do chính đáng. Lý do "chính đáng" là gì thì không rõ ràng, nhưng về cơ bản nó rơi vào các phạm trù vừa nêu và người ta sẽ dựa vào đó để bàn luận.

Hỏi: Tôi có theo dõi facebook của bác sĩ Quý, có lần thấy bác sĩ nói về vấn đề yêu thương bệnh nhân. Theo bác sĩ, nếu yêu thương bệnh nhân có giúp hoá giải những mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với bệnh nhân không?

Nếu nhân viên y tế Việt Nam được đào tạo sâu về kỹ năng giao tiếp và bày tỏ thái độ với bệnh nhân thì có xoá hết được những bức xúc của người dân đối với ngành y tế hay không? (ytethonban@yahoo.com.vn )

BS Phạm Nguyên Quý: Bệnh nhân và người nhà tới bệnh viện, nhất là bệnh viện ở Việt Nam thường là khi bệnh đã khá nặng, tâm lý rất bất an và lo lắng.

Trong các tình huống cấp tính (như tai nạn, viêm nhiễm cấp), bệnh viện lại là nơi mới xa lạ với họ. Họ thấy ở đó quá đông đúc và chật chội, quy trình hành chính rườm rà... làm sự lo lắng bực bội tăng nhiều lên. Nhiều người nói rằng ngồi chờ không là đã sốt ruột, đầu óc như muốn nổ tung vì chưa tới phiên khám.

Về nguyên tắc và thực tế là sự yêu thương chia sẻ của nhân viên y tế dành cho bệnh nhân và gia đình sẽ có thể hóa giải phần nào sự bực bội bất an và thống khổ đó. Tuy nhiên, điều này cần có thời gian và sự đào tạo chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam thời gian, tôi thấy môi trường đào tạo kỹ năng giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân còn ít và thiếu thốn. Khi ra "thực địa", môi trường lại quá nhiều bệnh nhân, bệnh nhân lại có nhiều yếu tố gây bực bội nên việc xoa dịu tinh thần là rất khó.

Đối với bệnh nhân thì bác sĩ, điều dưỡng là người "đại diện" cho bệnh viện nên bao nhiêu bực dọc hầu hết họ trút hết vào hai nhóm này nhưng họ đâu biết rằng thực ra nguyên nhân có thể nằm (và có thể được giải quyết) ở những khâu khác như hành chính, bảo hiểm... nói chung là nguyên nhân có tính hệ thống hơn.

Tôi làm việc ở Nhật thì thấy bác sĩ được "đỡ đần" một phần vì trước khi gặp bác sĩ, bệnh nhân đã gặp nhân viên tiếp tân, gặp y tá để thảo luận về điều họ quan tâm lo lắng nhất. Họ có cái cảm giác được "toàn nhóm chăm sóc" lắng nghe và dịu lửa trước khi gặp bác sĩ.

Khi đã biết họ muốn và lo lắng điều gì nhất rồi thì bác sĩ sẽ tập trung vào đó và nhiệm vụ hòa giải yêu thương sẽ đỡ vất vả hơn.

Trước khi khám bệnh, tôi có thể nhận được tin nhắn hay điện thoại từ y tá nói là bệnh nhân sắp tới nên chú ý hơn tới cái gì, hoặc thậm chí "mới cự cãi với quầy tiếp tân" gì đó... để chuẩn bị kế sách.

Theo tôi, tất cả những bức xúc trên đời này là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu sự cảm thông lẫn nhau.

Để giảm bức xúc của bệnh nhân, ngoài các "kế sách" hạ nhiệt trong giao tiếp nói trên, việc giảm tải cho bệnh viện bằng cách phân loại, giới thiệu bệnh nhân tới bệnh viện khác cũng có ích cho cả hai. Vì khi bị quá tải, bệnh viện không thể khám chữa bệnh an toàn và có chất lượng được.

Bệnh nhân cần hiểu điều này để biết và chấp nhận sang/hoặc được giới thiệu sang bệnh viện khác cho sự an toàn và lợi ích của chính mình. Điểm này cần sự can thiệp từ ban giám đốc, từ Sở Y tế hoặc Bộ Y tế.

Đó là nhiệm vụ điều tiết trận địa, cũng như khi ra trận không thể để vỡ trận rồi mà vẫn tiếp tục đề nghị chiến đấu tiếp tới người lính cuối cùng.

Nếu có đào tạo bài bản thì nhân viên y tế sẽ có thể "cảm nhận" nỗi đau tốt hơn, biết cách đối thoại xoa dịu chuyên nghiệp hơn. Qua đó, người ta sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Chỉ trong 1 phút nhưng có bác sĩ có thể làm bệnh nhân khóc và chia sẻ; cũng có người mãi 10 phút mà vẫn không hiểu bệnh nhân thật sự muốn gì.

BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, bạo hành bác sĩ gây thương tích là chuyện cực kỳ lớn và hiếm - Ảnh 2.


Hỏi:
Thưa bác sĩ, ở Nhật có thống kê về nạn bạo hành y tế không? Nếu có thống kê xin cho tôi biết những đối tượng nào hay bị bạo hành nhất: Bác sĩ, y tá, hay điều dưỡng... (vanhien.3707@gmail.com)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Hiện tại, tôi không có số liệu cụ thể (xin trả lời cuối buổi hoặc trả lời sau)

Có điều, bạo hành cũng nhiều dạng ở từng đối tượng. Như y tá thì hay bị sàm sỡ tình dục. (http://www.icn.ch/images/stories/documents/publications/guidelines/guideline_violence.pdf)

Theo các báo cáo, 56% y tá được phỏng vấn ở Nhật trả lời rằng đã từng bị sàm sỡ ít nhất 1 lần trong khi làm việc. Nhưng cần lưu ý, Nhật là quốc gia có nhiều người già, bị lú lẫn nên việc định nghĩa thế nào là sàm sỡ cũng tùy đối tượng (https://www.ajha.or.jp/voice/pdf/other/080422.pdf).

Số liệu cũng thay đổi tùy theo cách tính bạo hành về tinh thần hoặc về thể xác. Theo số liệu hiện có ở đây, trên 50% bệnh viện ở Nhật đã kinh qua bạo hành y tế và có 6% báo cảnh sát. Trong đó, bạo hành thể xác thì độ 4 vụ/bệnh viện/năm, bạo hành tinh thần thì 6 vụ/năm, sàm sỡ y tế thì độ 1.5 vụ/bệnh viện/năm.

Hỏi: Bác sĩ nghĩ sao về tình trạng xảy ra ở Việt Nam là mỗi lần đi khám bệnh, bệnh nhân đều livestream hoặc quay video ghi lại toàn bộ buổi khám? (FB Nguyễn Văn Hương)

BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, việc này hầu hết bị cấm. Cấm quay video lại. Vì như nói ở trên, bệnh viện là một môi trường công cộng và việc quay video có thể ảnh hưởng người khác.

Chỉ trong một số trường hợp như bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ, lo lắng không hiểu muốn nghe lại về sau... thì phải nói với bác sĩ. Được sự chấp nhận của bác sĩ, họ mới được tiến hành. Cái này không phải là luật mà là cách hành xử, theo đạo lý cơ bản của xã hội Nhật.

Việc lén ghi/quay lại câu chuyện giữa hai người mà ko có sự đồng ý của người kia về cơ bản ám chỉ việc "KHÔNG TIN TƯỞNG" người kia. Khi đó, việc phối hợp khám chữa bệnh sẽ không tốt, và bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân đi chỗ khác khám. Điều này cũng để bảo vệ nhân quyền của bác sĩ.

Hỏi: Bác sĩ Quý có thể so sánh điểm giống và khác nhau giữa nạn bạo hành trong y tế Nhật và Việt nam không? Các bệnh viện ở Nhật làm gì để giúp các nhân viên y tế phòng tránh nạn bạo hành? Biện pháp nào giúp giải quyết nạn bạo hành hiệu quả nhất? Xin ông nói thêm những kinh nghiệm có thể áp dụng được ở Việt Nam. (nguyen_nam_trung1984@gmail.com)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Điểm khác nhau là bệnh viện ở Nhật không có quá tải như ở Việt Nam.

Người Nhật đa số có cách hành xử công cộng lịch thiệp hơn vì đã được giáo dục từ nhỏ nên ít khi to tiếng. Người Nhật cũng lý trí hơn nên bình tĩnh nói chuyện hơn. Bệnh viện Nhật có nhiều nhân viên y tế ngành khác hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng trong việc xử lý vấn đề rất chuyên nghiệp.

Điểm giống nhau là chúng ta đều là con người, đều có cảm xúc thất vọng, chán nản, lo lắng, bực bội như nhau nên mâu thuẫn hay hiểu lầm là điều luôn xảy ra.

Bệnh nhân nào thì cũng có sự thống khổ riêng cần được lắng nghe chia sẻ và nâng đỡ.

Về việc phòng tránh nạn bạo hành ở bệnh viện Nhật Bản, tôi không rành hết tất cả sự tình nhưng hầu hết các bệnh viện đều có bảng hướng dẫn hành động, tùy theo mức độ nguy hiểm của bạo ngôn/bạo hành để ngăn chặn xử lý kịp thời.

Ví dụ khi đang nhập viện mà bệnh nhân không chấp hành nội quy, tùy mức độ mà sẽ có tình huống.

Bác sĩ, điều dưỡng cảnh báo lần đầu, họp bàn toàn khoa, Giám đốc bệnh viện ra lệnh trục xuất hoặc gọi cảnh sát trục xuất.

Phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phòng ngừa. Hãy nắm bắt nguy cơ xảy ra mâu thuẫn từ sớm bằng việc lắng nghe thăm dò và đưa ra đối sách từ đầu. Mà ở Nhật, họ rất chú trọng tới việc xử lý giảm tải cho bệnh viện và bác sĩ.

Cái này như nói ở trên là cần sự liên thông với các bệnh viện khác, các bác sĩ khác trong toàn thành phố để chuyển đi những ca bệnh thích hợp nhằm giảm tải.

Việt nam cần phải bổ trí cảnh sát thường trực để can thiệp ngay vì tôi nghe các đồng nghiệp nói họ có gọi điện thoại vào đường dây nóng Hotline nhưng mãi chẳng thấy ai tới.

Bệnh viện nào cũng có bảng hành động ghi rõ khi nào nên làm gì nhưng nhìn chung bước gọi cảnh sát thì mãi không có mặt.

Ngoài việc giảm tải, tăng thời gian khám bệnh thì việc tổ chức các khóa đào tạo nhân viên y tế cách giao tiếp chia sẻ với bệnh nhân sâu& chuyên nghiệp hơn, các khóa hướng dẫn bệnh nhân về bản chất căn bệnh, quy trình khám chữa bệnh (những thứ sẽ xảy ra) cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sự thấu hiểu của hai bên.

Bổ sung thêm là ở Nhật vẫn có những đối tượng tâm thần, nghiện rượu, học vấn thấp hơn mặt bằng chung dẫn đến hiểu nhầm hoặc không biết cách ứng xử.

Hỏi: Một chuyên gia đã cho rằng có 2 nguyên nhân khiến bác sĩ bị đánh: Trước hết là từ bệnh nhân/người nhà bệnh nhân. Họ mệt mỏi, bệnh tật hoặc phải chăm sóc người bị bệnh tật, lại thiếu kiên nhẫn do tác động của bệnh tật. Do đó, khi đến bệnh viện luôn muốn được chăm sóc, điều trị trước trong khi khả năng của cơ sở y tế chưa thể đáp ứng dịch vụ cho bệnh nhân cụ thể đó.

Thứ hai là do thiếu nhân lực. Nên mỗi bác sĩ phải khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân/ngày. Do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn mà chưa tư vấn, chia sẻ, động viên người bệnh.

Ngoài ra, thủ tục rườm rà cũng khiến người bệnh phải chờ đợi kéo dài.

Từ sự quan sát của mình về tình hình y tế Việt Nam, bác sĩ cho rằng ý kiến này có đúng không và có thể bổ sung thêm điều gì không ạ? (độc giả Minh Thanh, Hải Dương)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Xin cảm ơn ý kiến của bạn. Ý kiến nhận xét này hoàn toàn đúng. Xin bổ sung thêm ý là xử lý sao để đảm bảo tính "Công bằng" trong y tế đã và luôn là một vấn đề khó.

Như trong khoa cấp cứu, bác sĩ và điều dưỡng sẽ phân bệnh theo mức độ nặng nhẹ để ưu tiên xử lý theo trình tự. Nhưng bệnh nhân bao giờ cũng nghĩ mình nặng hơn, hoặc mình có chức tước, tiền bạc quan hệ nên mình phải "bình đẳng hơn" người khác. Đó là một mâu thuẫn chưa có lời kết thấu đáo nhưng dù sao ý thức giữ sự công bình trong y tế là rất quan trọng.

Xin bổ sung thêm ý về thiếu nhân lực. Không chỉ thiếu nhân lực mà còn là nhân lực kiệt sức. Với tần suất làm việc như hiện nay, tôi có thể tưởng tượng một bộ phận lớn đồng nghiệp/nhân viên y tế đang kiệt sức.

Bên Nhật Và Mỹ cũng hay có tranh luận "Liệu bạn có muốn khám với 1 bác sĩ đã kiệt sức sau đêm trực, với khả năng quyết định suy giảm có thể dẫn tới sai sót y tế cao hơn không?" Bệnh viện và bệnh nhân cần hiểu và hợp tác điều phối để giảm tải.

Hỏi: Nhiều người nói về vấn đề thái độ của bác sĩ Việt Nam khiến cho bệnh nhân và người nhà bức xúc. Bác sĩ có cho rằng đây là nguyên nhân gây ra bạo hành không? Bệnh viện gần như lúc nào cũng quá tải đó có phải nguyên nhân dẫn đến thái độ không thân thiện của bác sĩ không? Yêu cầu cải thiện thái độ trong tình trạng như vậy có khả thi không? (thanhdo1305@gmail.com)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Quá tải là nguyên nhân chính. Không có thời gian thì không thể nói chuyện (chứ đừng nói khám bệnh) và không thể chia sẻ được nhiều.

Hỏi: Nhật Bản có điều luật nào, hoặc có bộ quy tắc ứng xử nào để xử lý những trường hợp mâu thuẫn phát sinh giữa bệnh nhân và nhân viên y tế? ( hongocthanhhuong@gmail.com)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Có chứ! Nhưng nó ko phải là luật mà là bộ quy tắc do mỗi bệnh viện phát hành. Gần đây có cả Bộ quy tắc do Hiệp Hội Bác sĩ hay Hiệp hội Điều dưỡng, do một số thành phố biên soạn. Về cơ bản giống nhau hết, chứng tỏ tầm quan trọng của sự việc và sự quan tâm chia sẻ của các cấp cao hơn chứ ko phải để cho mỗi nhân viên y tế gánh hết.

Hỏi: Ở Nhật, mối quan hệ giữa người bệnh – bác sĩ và bảo hiểm y tế thế nào? Bác sĩ khám xong bệnh có phải đi đòi tiền bệnh nhân không? Bảo hiểm y tế có thò tay chi phối chỉ định chuyên môn của quý vị không? (Vĩnh Long, Hà Nội)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Bác sĩ ở Nhật ko bao giờ đi đòi tiền bệnh nhân. Người ta có một quy trình chuyên nghiệp mà bên Bảo hiểm sẽ nói chuyện với đơn vị hành chính ở bệnh viện. Bảo hiểm có thể yêu cầu giải thích sự cần thiết của xét nghiệm hoặc điều trị (thuốc) và cái đó làm việc qua giấy tờ thôi.

Cũng có trường hợp quá chỉ định, bệnh viện sẽ thay mặt chịu thiệt chứ ko phải bác sĩ. Đa số thư giải thích của bác sĩ sẽ được công nhận, trừ một số ít quá khắt khe, mà bảo hiểm không chịu chi trả. Vì trong bảo hiểm, hội đồng xét duyệt các đơn thư đó có bác sĩ, và về cơ bản họ đứng trên quan điểm vì bệnh nhân cả.

Hỏi: Thưa bác sĩ, anh có đồng tình một điều rằng sự bức xúc của người dân với nghề y hiện tại là có thật và không hề nhỏ - chứ không phải do truyền thông cố tình vẽ nên? Nếu đồng tình, để giải quyết vấn đề đó, theo tôi cần tìm ra khâu nào dễ gây cảm xúc ức chế, bức xúc nhất với người dân, để từ đó tìm hướng giải quyết có trọng tâm.

- Do thủ tục và thái độ của bộ phận hành chính - tiếp nhận tại cửa viện có vấn đề: Chưa thông thoáng, ùn tắc, nhiều nhân viên có thái độ coi thường, mắng mỏ người dân

- Thái độ và chất lượng chữa bệnh của một số bác sĩ điều trị khiến người dân không hài lòng - trong đó đặc biệt là ở phòng cấp cứu

- Thái độ và chất lượng phục vụ của một bộ phận y tá, điều dưỡng

- Chi phí chữa bệnh đắt đỏVà từ đó, theo BS, nếu tập trung giải quyết trước 1 trong 4 vấn đề trên để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành (có vẻ đang rất lớn), thì cần cải thiện khâu nào trước tiên, giải quyết thế nào?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Tôi đồng ý với 3 ý đầu tiên. Ý cuối cùng, chi phí điều trị ở Việt Nam không phải đắt đỏ so với các nước khác. Nhiều mặt bệnh và tình huống ở Việt Nam phí điều trị thấp hơn nhiều, nhất là phí nhân sự còn trả rất rất rẻ.

3 nguyên nhân trên về cơ bản phải được cải thiện đồng thời. Qua đào tạo cá nhân, cải thiện môi trường và cách làm việc của các ban phòng ở bệnh viện. Kết hợp quản lý bằng công nghệ thông tin để bác sĩ nắm bắt thông tin bệnh nhân sớm hơn, kịp thời hơn.

Ngoài ra có kế hoạch chương trình truyền thông để người dân hiểu quy trình hành chính (đã được thay đổi theo hướng dễ hiểu và hiệu quả hơn), cũng như hiểu về triệu chứng, bệnh tật của mình để phối hợp khám chữa bệnh tốt hơn.

Khi bệnh nhân và người nhà được lắng nghe, cho phép tham gia vào quá trình thảo luận ra quyết định điều trị và nói lên suy nghĩ lo lắng của mình, thật sự tham gia vào nhóm chăm sóc y tế thì sự thấu hiểu sẽ cải thiện và mâu thuẫn sẽ ít đi.

Theo Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X