Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu (trái rạ) có ở khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta từ tháng giêng đến tháng 5 là mùa dễ mắc bệnh thủy đậu.

Bệnh chỉ xảy ra ở người do virut thủy đậu gây ra. Đặc biệt hay lây thành dịch ở các trường học, nhà trẻ. Hằng năm, ước tính khoảng 3 - 4 triệu người ở mọi lứa tuổi bị mắc bệnh trong đó 90% gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. 
 
Nhận biết bệnh thủy đậu

Virut thủy đậu lây trực tiếp qua đường hô hấp là chính (virut có trong nước bọt, dịch tiết khi ho hắt hơi…) và lây qua dịch tiết từ nốt thủy đậu bị dập vỡ. 90% tiếp xúc trực tiếp có khả năng lây bệnh. Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ 14-15 ngày sẽ có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, đặc biệt là người nổi mụn nước khắp người.

Mụn nước có dạng hình tròn trên nền da, khác với những nốt phỏng trên da do vi khuẩn và virut khác. Sau khi nốt đậu mọc thì thường người bệnh giảm sốt và tổn thương mụn nước khô dần rồi tự bong vẩy vài ngày sau đó nhưng để lại sẹo mờ trên da sau vài tuần mới hết hẳn. Thông thường bệnh kéo dài khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu có thể diễn biến phức tạp và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng.

Những biến chứng nguy hiểm

Bội nhiễm thứ phát tại các tổn thương da: Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước do người bệnh gãi, có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da dẫn đến viêm mủ da, chốc lở thậm chí gây viêm cầu thận cấp…

Viêm phổi thủy đậu: Xảy ra trong thời kỳ đậu mọc, biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu, đây là biến chứng rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong.

Tổn thương thần kinh trung ương: Từ viêm màng não vô khuẩn đến viêm não, thường gặp ở người lớn, tỷ lệ tử vong cao nếu qua khỏi thì dễ để lại di chứng.

Bệnh thủy đậu chu sinh: Nếu mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh thì trẻ sơ sinh sẽ dễ bị nhiễm bệnh và thường bị nặng dẫn đến tử vong. Nếu mẹ mắc thủy đậu trước sinh trên 1 tuần diễn biến lành tính thì trẻ sẽ nhận được kháng thể IgG từ mẹ, khi sinh trẻ có kháng thể nên không nguy hiểm lắm. Nếu mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì đứa trẻ dễ bị các khuyết tật bẩm sinh.

Điều trị

Bệnh do virut gây ra nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị mà tùy thuộc vào sự phát hiện bệnh sớm trong 24 giờ đầu.

Điều trị triệu chứng: Chống nhiễm khuẩn, hạ sốt, an thần; chống ngứa để bệnh nhân đỡ cào gãi. Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Tại chỗ nốt mụn nước dập vỡ nên chấm dung dịch xanh metylen.

Điều trị đặc hiệu: Dùng kháng sinh chống virut loại acyclovir, nên sử dụng trong vòng 24 giờ đầu khi xuất hiện nốt đậu có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, cần có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Phòng bệnh
 
Bệnh có thể lây lan thành dịch nên biện pháp phòng tốt nhất là tiêm vaccin. Chỉ cần 72 giờ sau tiêm, cơ thể đã tạo được kháng thể bảo vệ. Có thể tiêm ở mọi lứa tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).

Tuy nhiên chống chỉ định sử dụng vaccin thủy đậu ở phụ nữ mang thai và trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vaccin thủy đậu thì không nên mang thai. Điều lưu ý khi có trẻ bị bệnh cần tránh lây lan cho trẻ khác, cho nghỉ học trong thời gian sốt và mọc mụn nước. Trẻ bị bệnh cần được chăm sóc tốt về dinh dưỡng cũng như vệ sinh răng miệng để tránh biến chứng.


AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X