Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh vây bệnh

Bị một bệnh đã khốn khổ, không ít người bị một lúc hai - ba bệnh “xâu xé”. Rơi vào trường hợp này, bạn cần làm gì.

Người trong cuộc

Trường hợp 1: Chị làm công việc viết lách. Thoạt đầu chị bị rối loạn tiền đình, trời đất chao đảo, rất khó chịu. Bệnh chưa điều trị xong, chị lại phát hiện ở nách có mụt mủ to đau nhức; sợ nhiễm trùng máu chị tìm đến bác sĩ. Xem xong, bác sĩ nói: "Áp xe, tiểu phẫu là ổn".

Nghe tiểu phẫu tưởng chừng là nhẹ, vậy mà nó kéo dài bởi phải nạo vét, rút mủ mỗi ngày khiến chị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi. Lúc nào chị cũng thấy lạnh, đau nhức, ăn uống không ngon, không ngủ được. Căn bệnh rối loạn tiền đình được dịp làm chủ tình hình khiến chị nhìn mọi thứ quay mòng mòng, không làm được gì.

Trường hợp 2 tâm sự: Tôi bị bệnh trĩ độ 3, đại tiện thường xuyên ra máu. Bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng chỉ định điều trị bằng phẫu thuật để dứt điểm bệnh, tôi chần chừ chọn phương án khả thi thì lại bị bệnh đường tiêu hóa sau một chuyến công tác. Tôi luôn thấy lạnh toát dù mọi người mồ hôi nhễ nhại vì nóng; ăn vào là người óc ách khó chịu nên chỉ muốn uống nước.

Bác sĩ dặn không được để táo bón và cả tiêu chảy vì bệnh sẽ trầm trọng hơn, nguy nhất là có thể bị thuyên tắc trĩ! Do đó, dù không ăn được cũng phải uống món mát để không bị táo bón. Ai ngờ, khi cơ thể yếu, chỉ dùng một ly nước nha đam, hạt sen là tôi bị tiêu chảy nặng.

Tôi đi khám bác sĩ đa khoa thì được kê toa uống oresol bù nước, uống smecta cầm tiêu chảy và men vi sinh. Bị bệnh tiêu chảy mà lúc nào tôi cũng lo lắng không biết ngày mai mình "đi đứng" ra sao, có bị ra máu không?

Trường hợp 3: Đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện chị bị ung thư cổ tử cung. Thế là xin cơ quan tạm gác công việc để điều trị. Nào là hóa trị, dùng thuốc, kiểm tra xét nghiệm, có những lúc phải chầu chực cả ngày ở bệnh viện. Bệnh chưa dứt thì phát hiện thêm chị bị ung thư vú. Cuốn phim đau khổ quay trở lại với những đau đớn dày vò của phẫu thuật, vô thuốc… Chị đau đớn và bế tắc.

Trường hợp 4: Ở trọ, có con nhỏ, chồng làm công nhân, thu nhập thấp mà chị lại bị nhiều bệnh cùng lúc: viêm xoang mũi, viêm họng hạt, viêm phế quản, viêm dạ dày. Chị cho biết: "Bệnh hành hạ rất khổ sở, có những lúc tôi như bị bóp nghẹt, thở khó khăn!".

Trường hợp 5 than thở: Thuộc diện người cao tuổi, xương khớp đau nhức, tôi lại bị cả hai bệnh đái tháo đường và cao huyết áp. Ngày nào cũng phải kiểm soát đường huyết và huyết áp. Bác sĩ cảnh báo, khi mắc hai bệnh này sẽ có nguy cơ cao bị các biến chứng về tim mạch, võng mạc, thận.

Vì vậy việc ăn uống, chế độ kiêng khem của tôi quá vất vả, nhiều lần nổi loạn, muốn ăn uống thoải mái nhưng gần đây thì bệnh trở nặng. Đường tăng, huyết áp tăng khiến tôi phải nhập viện, chế độ ăn càng nghiêm ngặt.

Giải vây

Bác sĩ là người điều trị nên việc bạn nắm rõ triệu chứng để khai bệnh cụ thể, giúp bác sĩ tìm bệnh rất quan trọng, để được hướng dẫn cách gỡ từ từ những nút thắt bệnh tật. Song song là tự mình "cân, đo, đong, đếm" sức khỏe để buộc bệnh lui quân.

Ở trường hợp đầu tiên, chị tuân theo chỉ định của bác sĩ, vệ sinh vết thương và uống thuốc mỗi ngày. Cơ thể đang yếu, chị mua trà củ sen về uống giúp ngủ ngon. Ngủ thì quên đau nên chị khỏe dần sau mỗi lần tỉnh giấc. Yên tâm, chị uống đều đặn hơn, vết thương lành dần và chị tham gia tập thể dục. Hiện chị đã khỏe, trở lại với công việc và đặc biệt siêng năng tập thể dục hơn.

Với người thứ hai, do bị bệnh nhạy cảm khó bày tỏ cùng ai nên chị tìm hiểu kỹ càng về bệnh để tìm cách sống chung với nó. Để giúp cơ thể bớt hàn nhưng không quá nhiệt, chị đi khám đông y và thay đổi thói quen ăn uống. Thay vì dùng nước đun sôi để nguội, chị dùng trà xanh để nhờ chất chát trong trà làm "chặt ruột" và ấm người.

Sáng sớm, sau khi tập thể dục và thực hành một số động tác làm nhẹ bệnh trĩ, chị ăn uống nhẹ và nghe ngóng cơ thể. Đại kỵ của táo bón là rau củ nhưng các loại này lại dễ làm nặng thêm bệnh tiêu chảy nên chị đã cho thêm gừng vào cải xanh, bắp cải, tiêu vào cải xoong. Các món mặn thì chị kho tiêu, kho sả.

Sau mỗi bữa ăn, chị đều dùng một hũ sữa chua để cấy men tự nhiên và giúp hệ tiêu hóa "đánh đuổi" táo bón. Tình hình sức khỏe của chị được cải thiện dần. Với bệnh trĩ, chị dùng mỗi ngày 200gr lá dấp cá xay hai ly uống, giúp mạch máu săn chắc, không bị xuất huyết. Tới nay bệnh trĩ cũng thuyên giảm, hy vọng không cần phẫu thuật.

Có thể nói trong các trường hợp bị nhiều bệnh cùng lúc thì ca thứ ba là nặng nhất, chị nói: "Bị một lúc hai bệnh, tôi cũng từng rất buồn, lo lắng, sợ hãi, chán chường và đau khổ. Nhưng căn bệnh này như dây kẽm gai trói chặt mình, càng vùng vẫy càng khó thoát, thậm chí còn thêm thương tích và đau đớn.

Thôi thì thuận theo tự nhiên, đến đâu hay đến đấy, mỗi sáng tôi dậy thưởng thức trà, ngắm hoa, làm thơ. Khi đến bệnh viện thì đem theo một số việc để làm trong lúc chờ đợi đến lượt khám. Sống lạc quan là liều thuốc bổ tôi dùng mỗi ngày".

Từ khi bị bệnh, chị tận hưởng từng giây phút của sự sống, cùng con trai đi du lịch, làm những điều mình yêu thích mà trước đây bỏ qua vì mưu sinh. Chị gần như quên mình đã từng bị bệnh thập tử nhất sinh, tóc dần mọc lại, da dẻ hồng hào. Đi tái khám, bác sĩ cũng khó nhận ra chị là bệnh nhân!

Ca thứ tư, tuy bị nhiều bệnh nhưng lại tập trung vào một nơi: đường hô hấp. Đường hô hấp trên được cấu tạo để sưởi ấm và làm ẩm không khí. Nhưng do môi trường chị đang sống thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của virus và vi khuẩn nên bệnh ngày càng nặng. Khi đi khám bác sĩ, chị trình bày về điều kiện sống và sinh hoạt, nhờ vậy bác sĩ dễ dàng tìm ra cách tối ưu giúp chị thoát khỏi vòng vây của bệnh đường hô hấp.

Khởi đầu là giữ gìn vệ sinh môi trường sống, mở cửa cho nắng vào phòng, loại trừ ẩm mốc khiến bệnh dễ tái phát, kế đến là chú trọng vệ sinh cá nhân: sát trùng làm sạch mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Chị đeo khẩu trang khi đi ra đường, luôn giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng hầu họng khi thời tiết lạnh, mưa. Song song, để đối phó với bệnh dạ dày, chị cần thay đổi cách ăn uống: ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn các gia vị nóng như ớt, tiêu, gừng...

Điều chị cần thực hiện là sống lạc quan, không quá lo lắng về bệnh vì càng lo bệnh dạ dày sẽ càng nặng. Tập luyện hít thở sâu làm tăng nhịp thở và nhịp tim giúp tiêu hóa tốt. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày nhằm kích thích hoạt động của các cơ đường ruột, giúp đẩy chất cặn bã xuống ruột nhanh hơn và tăng cường sức đề kháng, buộc các bệnh đường hô hấp lui binh.

Ca bệnh cuối cùng, sau khi nhập viện điều trị, tận mắt chứng kiến những ca bệnh như mình bị nhiều biến chứng nguy hiểm gây lòa mắt, lở loét chân không lành…, cô quyết tâm sống chung với bệnh.

Cô nói: "Tôi tham gia câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp, đi nghe các bác sĩ trình bày về bệnh. Tôi ăn đều, ăn nhiều bữa trong ngày, ăn nhiều vào bữa sáng, giảm vào bữa tối. Chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: gạo mầm, gạo lứt đậu đen, rau củ…

Song song, khi nấu ăn thì nêm nếm nhạt đi, giờ tôi ăn bánh mì không cũng cảm nhận được vị mặn của nó; vậy mà ổ bánh mì thịt ngoài xúc xích, pa tê còn có muối tiêu, nước tương, nước sốt, đúng là quá mặn! Bánh ngọt, chè là món tráng miệng yêu thích nhưng tôi cũng loại khỏi danh sách, thay bằng các loại trái cây không quá chua, không quá ngọt như: bưởi, quít, sơ ri, ổi, mận, thanh long, củ đậu.

Tham gia câu lạc bộ, gặp gỡ những người cùng bệnh còn giúp tôi có thêm động lực để ăn kiêng và tập thể dục mỗi ngày. Hiện giờ không những bệnh ổn mà tinh thần tôi cũng sảng khoái, không bức bối như xưa".

Theo Vũ Âu - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X