Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân đột quỵ đến, bệnh viện tuyến huyện phải làm sao?

Phải làm gì khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ là những băn khoăn của bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế, những nơi chưa được trang bị phương tiện để cấp cứu, điều trị bệnh đột quỵ.

Bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế phải làm gì khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ là một trong những vấn đề được các bác sĩ ở tỉnh Hậu Giang quan tâm, được nêu ra tại hội nghị “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu thần kinh - đột quỵ” được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang ngày 18/10, với sự tham gia của 5 báo cáo viên đến từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Hội nghị thu hút gần 100 bác sĩ đến từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến tham dự

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, nếu bệnh nhân mới có dấu hiệu đột quỵ, khám thấy yếu liệt rõ ràng thì cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có máy CT càng sớm càng tốt để đánh giá được là đột quỵ dạng nào. Ở Hậu Giang thì chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh, dự kiến bệnh viện sắp triển khai máy CT 128 lát cắt trong thời gian sắp tới.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân đã có dấu hiệu đột quỵ trên 3 tiếng đồng hồ, yếu tay yếu chân, miệng méo, lơ mơ… thì chúng ta có 2 lựa chọn. Nếu bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai tiêu sợi huyết rTPA rồi thì chuyển bệnh nhân đến đây, nếu như chưa triển khai thì chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Tất cả mọi người có thể gọi hotline 1800 1115, kết nối ngay với bệnh viện S.I.S để được hướng dẫn cụ thể.

Tại hội nghị, 5 báo cáo viên đến từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã trình bày những phương pháp, cách thức mới nhất để chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, bao gồm cả đột quỵ tim và não.

TS.BS Trần Chí Cường

Với bài báo cáo “Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ.” TS.BS Trần Chí Cường cho biết, sau khi đã xác định rõ nguyên nhân gây đột quỵ là nhồi máu não hay xuất huyết não dựa trên kết quả CT và MRI, tùy theo nguyên nhân mà có những lựa chọn sau:

- Bơm thuốc tan máu đông (tiêu sợi huyết) nếu tắc mạch máu nhỏ trong thời gian trước 4,5 giờ

- Can thiệp trong lòng mạch lấy cục máu đông trước 6 giờ

- Gây tắc mạch cầm máu, phẫu thuật lấy máu bầm nếu đột quỵ xuất huyết…

Các bước điều trị tiếp theo là tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, điều trị dự phòng tái phát. BS Cường còn nhấn mạnh vấn đề tầm soát đột quỵ vì 80% cơn đột quỵ có thể chẩn đoán được, phòng ngừa được.

ThS.BS Huỳnh Quốc Sĩ

ThS.BS Huỳnh Quốc Sĩ trình bày chủ đề “Điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch cho bệnh nhân đột quỵ cấp”. BS Sĩ  đưa ra những hậu quả của đột quỵ; điều trị đột quỵ cấp; quy trình điều trị đột quỵ cấp tại bệnh viện S.I.S; liều điều trị rTPA; chọn bệnh điều trị rTPA; theo dõi sau điều trị; một số ca lâm sàng.

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị can thiệp thần kinh Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế SIS Cần Thơ trình bày chủ đề: “Can thiệp nội mạch lấy huyết khối điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp”, đề cập tới các phương pháp can thiệp lấy huyết khối từ trước đến nay và đang được áp dụng tại bệnh viện S.I.S. Theo BS Giang, can thiệp nội mạch lấy huyết khối có vai trò quan trọng, cải thiện kết quả đối với đột quỵ thiếu máu não cấp do tắc mạch máu lớn. Cần có sự phối hợp của nhiều Bệnh viện, nhiều trung tâm trong chọn lọc, chẩn đoán và điều trị đột quỵ để giảm tỷ lệ tàn phế và tử vong.

BS.CK2 Trần Chí Dũng

Chủ đề thứ tư là “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng mạch vành cấp” do BS.CK2 Trần Chí Dũng - Trưởng đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trình bày. Nội dung bài báo cáo gồm: Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên; Hội chứng mạch vành cấp ST không chênh lên; can thiệp đặt stent cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp…

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường

Chủ đề “Những tiến bộ mới trong điều trị rối loạn nhịp tim”của ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là bài báo cáo thứ năm được trình bày tại hội nghị. BS Mạnh Cường giới thiệu về: hệ thống điện của tim; cơ chế rối loạn nhịp tim; các phương pháp thăm dò điện sinh lý tim; can thiệp điện sinh lý tim bằng năng lượng sóng cao tần (RF); hệ thống máy thăm dò điện sinh lý; đường vào và vị trí các điện cực trong buồng tim…

BS Mạnh Cường kết luận: Thăm dò điện sinh lý là một tiêu chuẩn vàng cho phép đánh giá chính xác cơ chế rối loạn nhịp. Điều trị cắt đốt bằng sóng cao tần là một phương pháp điều trị triệt để, tính an toàn cao và đang được áp dụng rộng rãi để điều trị rối loạn nhịp tim. Chỉ định thăm dò và cắt đốt điện sinh lý bằng sóng tần số raido qua catheter là: Rối loạn nhịp nghi ngờ do bệnh lý về nút và đường dẫn truyền; nhịp nhanh trên thất; nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất dày; ngất không rõ nguyên nhân; rối loạn nhịp tim (rung nhĩ)…

BS.CK2 Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang

BS.CK2 Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang phát biểu: “Sau hội nghị này, tôi mong muốn lãnh đạo các bệnh viện, các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang quan tâm triển khai công tác cộng tác với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để sớm hoàn thành và phát triển mạng lưới cấp cứu và điều trị bệnh đột quỵ, đảm bảo chẩn đoán, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời”, đồng thời gửi lời cảm ơn đến TS.BS Trần Chí Cường cùng các bác sĩ báo cáo viên.

TS.BS Trần Chí Cường tặng món quà lưu niệm đầy ý nghĩa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

BS.CK2 Trần Thanh Giang, Bí thư Đảng ủy - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cũng đánh giá cao những nội dung mới mẻ và hữu ích mà các báo cáo viên đã mang đến hội nghị.

Hồng Nhung
Ảnh: Đức Thịnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X