Hotline 24/7
08983-08983

Bắt trẻ tự kỷ học xiếc, sống xa bố mẹ là sự thiệt thòi lớn với trẻ

Các chuyên gia nhận định, những nội dung rèn luyện mà Tâm Việt đang dạy cho trẻ tự kỷ không nằm trong những mục tiêu và kỹ năng quan trọng cần can thiệp đối với các khiếm khuyết của người tự kỷ.

Thế giới can thiệp trẻ tự kỷ như thế nào?

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, chương trình can thiệp toàn diện phải kết hợp cả 2 hướng tiếp cận là can thiệp hành vi (behavioral) và can thiệp dựa vào các mốc phát triển (developmental). Thiếu hụt kỹ năng nào trong hai phân vùng lớn này cũng gây cản trở cho sự phát triển cân bằng của người tự kỷ.

Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả tại Đại học North Carolina at Chapel Hill, công bố năm 2015, hiện tại, có 27 chiến lược can thiệp tự kỷ được công nhận là có bằng chứng khoa học.

Sự kết hợp các chiến lược này đã hình thành nên nhiều chương trình can thiệp khác nhau. Có 5 chương trình can thiệp được công nhận là toàn diện vì can thiệp vào hầu hết các phân vùng nhận thức, kỹ năng, giao tiếp và hành vi của trẻ tự kỷ.

Trẻ em học tung bóng tại Trung tâm Tâm Việt

Ngoài các khiếm khuyết cốt lõi, 70% người tự kỷ có rối loạn giác quan và các vấn đề sức khỏe đi kèm. Do đó, họ cần bổ sung thêm các phương pháp can thiệp trị liệu vận động, điều hòa giác quan, và một số cần điều trị bằng các thuốc đặc trị.

Với những trẻ tự kỷ chưa giao tiếp bằng lời nói, can thiệp ngữ âm cũng được nhiều tổ chức uy tín khuyên dùng. Tuy nhiên, những phương pháp can thiệp này chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung. Để cải thiện các vấn đề cốt lõi của tự kỷ vẫn cần 1 trong 5 chương trình can thiệp toàn diện nói trên.

Tung bóng, đi xe đạp… không thuộc kỹ năng can thiệp quan trọng đối với trẻ tự kỷ

Căn cứ trên 27 chiến lược can thiệp tự kỷ có chứng cứ khoa học, những nội dung rèn luyện như tung bóng, thăng bằng trên con lăn, đội chai nước mà Tâm Việt đang dạy cho trẻ tự kỷ không nằm trong những mục tiêu và kỹ năng quan trọng cần can thiệp đối với các khiếm khuyết của người tự kỷ.

Chị Đào Diệp Linh, một phụ huynh có điều kiện đi thăm quan và trao đổi chặt chẽ với các nhà chuyên môn về các mô hình can thiệp tự kỷ tại các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, nhận định: “Vận động nói chung là tốt cho mọi trẻ em.

Riêng với trẻ tự kỷ, phải đánh giá được khả năng phối hợp vận động và mức độ rối loạn giác quan của từng trẻ mới có cách dạy hiệu quả. Việc này đòi hỏi phải có người chuyên sâu về giác quan và phục hồi chức năng. Nếu cá nhân trẻ tự kỷ nào đó có hứng thú với việc tập xiếc thì việc học xiếc sẽ khá dễ dàng. Nếu trẻ khác không thích thì cần tạo hứng thú trước cho trẻ.

Ép buộc, cưỡng bức trẻ làm những việc quá khó hoặc trẻ không hứng thú thì thường lợi bất cập hại. Khiếm khuyết cốt lõi của tự kỷ là giao tiếp, nên việc cho trẻ tập xiếc trong điều kiện xa cha mẹ là sự thiệt thòi lớn với trẻ tự kỷ, là hy sinh nhu cầu tình cảm gia đình và cơ hội rèn luyện kỹ năng trọng tâm là giao tiếp, để tập trung vào những kỹ năng chỉ có tính bổ trợ”.

Dụng cụ học tại Tâm Việt

Bà Trần Thị Hoa Mai - Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), cho biết, với các bài tập trung tâm Tâm Việt sử dụng như tung bóng, đi con lăn, đi xe đạp một bánh… không phải trẻ nào cũng áp dụng bài tập này.

Bà Mai Hoa phân tích: “Các bài tập này chỉ là một phần trong chương trình can thiệp cho trẻ. Chương trình can thiệp trẻ tự kỷ phải toàn diện. Trước khi can thiệp, các chuyên gia phải đánh giá xem trẻ bị khó khăn ở lĩnh vực nào và sử dụng phương pháp can thiệp nào phù hợp. Không thể sử dụng một phương pháp, một bài tập cho tất cả các em”.

Bà Hoa ví dụ, các bài tập ném bóng, đi xe đạp… phù hợp với trẻ tăng động. Những trẻ này có thể sẽ có tiến bộ sau một thời gian can thiệp. Nhưng bài tập này lại không phù hợp với các bạn bị rối loạn giác quan.

“Mỗi trẻ phải được đánh giá, thiết kế các phương pháp can thiệp khác nhau. Ví dụ ở mỹ, hiện có 5 chương trình được khuyến cáo toàn diện áp dụng cho trẻ có an toàn”.

Không tách riêng trẻ tự kỷ và gia đình

Nhà nghiên cứu Eric Rosenthal trong một báo cáo cho UNICEF về Quyền của Trẻ em Khuyết tật tại Việt Nam đã chỉ ra rằng bằng việc ký Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật, chính phủ Việt Nam đã thể hiện mong muốn điều chỉnh xã hội để đáp ứng nhu cầu tiếp cận cơ hội và quyền công dân của người khuyết tật.

Ở Việt Nam, một số trung tâm chuyên biệt vẫn tách người khuyết tật ra khỏi gia đình, cộng đồng. Điều này đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới về chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cuộc sống.

Ở Tâm Việt, phụ huynh không được tiếp xúc với con với lý do sợ các em xao nhãng việc luyện tập

Anh Ngô Bạch Dương, nghiên cứu viên tại Viện Nhà nước và Pháp luật, cho biết: “Việc tách con tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên sống xa cha mẹ là một thiệt thòi lớn cho các cháu. Ở phương Tây, người ta đã hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình thức tách người khuyết tật ra khỏi gia đình từ nhiều chục năm nay.

Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng sống cùng gia đình và cộng đồng có lợi về tinh thần, kỹ năng của người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng”.

Bà Mai Hoa cũng không đồng tình với việc tách trẻ ra khỏi cha mẹ, môi trường gia đình bằng lý do không cho trẻ gặp bố mẹ để khỏi sao nhãng việc học, luyện tập.

“Tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, với trẻ em bình thường đã là không nên. Đặc biệt với trẻ em khuyết tật theo các nghiên cứu, khuyến cáo chung càng không nên tách ra khỏi gia đình. Bố mẹ chỉ nên kết hợp cùng chuyên gia khắc phục những hạn chế của các bạn. Mục tiêu của gia đình là làm thế nào để các bạn hòa nhập được với trường học, cuộc sống”.

Yến Khanh & Harry Lê

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X