Hotline 24/7
08983-08983

Bao giờ bệnh viện là khách sạn hạng sang?

Tại một bệnh viện công ở quận Bình Thạnh TPHCM, để có một giường dịch vụ, bệnh nhân phải trả 1 triệu đồng/ngày.

Bệnh nhân vào bệnh viện nước ngoài chữa trị luôn thấy thoải mái, dễ chịu, an toàn như khi vào nghỉ ở khách sạn

Phòng bốn giường, như thế giá một phòng bệnh ở đây là 4 triệu đồng/ngày, đắt hơn cả phòng một khách sạn 5 sao!

Ngay cả với giá như thế, nhưng bệnh nhân trong phòng dịch vụ vẫn phải dùng chung nhau tủ lạnh, truyền hình và nhà vệ sinh. Nếu so với một phòng của khách sạn 5 sao, riêng tư, đẹp đẽ, thơm tho và tiện nghi đầy đủ, phòng bệnh viện quá đắt. Nhưng so như thế không ổn vì vào ở khách sạn thường là người khoẻ mạnh, còn vào bệnh viện lại là người có bệnh và ở đó họ được nhân viên y tế chữa bệnh, chăm sóc với lao động rất đặc thù.

Vài thập kỷ trước, người chữa bệnh được gọi là bác sĩ, còn người có bệnh gọi là bệnh nhân. Nhưng gần đây ở nhiều nước bác sĩ thường được gọi chung với những nhân viên y tế khác bằng cái tên “người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ” (caregiver), còn bệnh nhân là “khách hàng” (customer). Thế giới như thế, nước ta cũng không khác mấy khi bộ trưởng bộ Y tế kêu gọi “nhân viên y tế phải thay đổi nhận thức, xem người bệnh là khách hàng và cơ sở y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”.

Thật có lý khi đề nghị điều này, bởi trong thời gian dài nhân viên y tế của nhiều bệnh viện công lập không thoát được tư duy bao cấp và luôn tỏ thái độ ban ơn với bệnh nhân. Đâu chỉ thế, môi trường bệnh viện không hề mang lại sự thoải mái cho người bệnh, vì ở đó luôn ồn ào, chật chội, nóng bức, phòng ốc xuống cấp, nhà vệ sinh dơ bẩn…

Lấy hình ảnh khách sạn 5 sao để làm hình mẫu cho bệnh viện phấn đấu càng không sai, khi mỗi năm người Việt chi hàng tỷ đô la ra nước ngoài chữa bệnh, có thể vì y học nước ngoài phát triển hơn nước ta, nhưng cũng có thể vì người bệnh muốn hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất mà trong nước không thể cung cấp. Bác sĩ H., làm việc tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, từng có thời gian tu nghiệp ở Mỹ, cho biết bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện của Mỹ được đối xử như “vua”, khi trong ngày nhân viên y tế vào thăm nom họ nhiều lần và quan tâm họ về ăn uống, ngủ nghỉ, đến những khó chịu trong điều trị.

Bác sĩ H. nói: “Người bệnh ung thư không chỉ cần trị liệu tốt, mà còn cần được nâng đỡ về tinh thần. Ở nước ta, các bệnh viện thường chỉ quan tâm đến điều trị, nhưng không lưu ý cung cấp sự thoải mái, dễ chịu cho bệnh nhân bằng những dịch vụ khác nhau, vì thế bệnh khó lành”.

Nhưng cũng có người không đồng tình xem bệnh viện là khách sạn và bệnh nhân là khách hàng, vì sợ rằng khi trả tiền theo kiểu sòng phẳng, bệnh nhân dễ tỏ thái độ “ông hoàng, bà chúa”, thậm chí còn dẫn đến… bạo hành y tế. Trên một tờ báo mới đây, một bác sĩ cho biết, “không thể có một hợp đồng kinh tế sòng phẳng giữa bác sĩ và bệnh nhân, nghĩa là không có hợp đồng chữa bệnh theo kiểu hết bệnh thì trả tiền, nếu không hết bệnh thì hoàn tiền”.

Nhìn ở góc độ an toàn cho người nhân viên y tế là không sai, nhưng sẽ dễ dẫn đến xem thường quyền lợi bệnh nhân, điều mà nhiều bệnh viện hiện đại hướng đến. Câu chuyện ở đây có lẽ là sự ứng xử chuyên nghiệp của nhân viên y tế và bệnh nhân. Tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM, bệnh nhân khi vào chữa bệnh sẽ được cung cấp một văn bản ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Bệnh viện này cũng xây dựng được những chuẩn mực an toàn và chất lượng được quốc tế công nhận, theo đó bệnh nhân là trung tâm. Bệnh viện sạch, đẹp, dịch vụ tốt như khách sạn 5 sao, và chưa nghe điều tiếng phàn nàn nào của bệnh nhân.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Surgical Neurology International vào năm 2014 có tựa đề Bệnh viện và khách sạn có điểm gì chung? Làm thế nào chúng ta có thể học hỏi từ ngành công nghiệp khách sạn để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, các tác giả rút ra được nhiều điểm lý thú của khách sạn để bệnh viện học hỏi, trong đó có tầm quan trọng của việc theo dõi mức độ hài lòng của bệnh nhân và can thiệp khi có vấn đề phát sinh. Học hỏi mô hình khách sạn bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn, không chỉ là thái độ phục vụ hay cơ sở vật chất. Đây có thể là điều mà các nhà quản lý bệnh viện trong nước cần quan tâm để nâng cao chất  lượng điều trị.

Theo Thanh Tâm - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X