Hotline 24/7
08983-08983

Báo động bệnh lây từ chó sang người

Ba năm gần đây, số người mắc bệnh do nhiễm Toxocara canis (giun đũa chó) ngày càng nhiều.

Nếu bệnh không được chữa đúng cách sẽ gây ra nhiều tổn thương nội tạng, mắt, thần kinh và tái nhiễm nhiều lần. Nhận ra những yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh là chìa khóa để dự phòng bệnh này.

Nghiên cứu về "Tình hình nhiễm Toxocara đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt" của nhóm bác sĩ Hồ Thị Delin và Bs Ngô Thị Thử đã đưa ra nhiều thông tin cảnh báo cho cộng đồng về bệnh này.

Giun đũa chó (Toxocara canis) là ký sinh trùng ở chó, mèo. Con người thường bị lây nhiễm khi nuốt phải ấu trùng qua thức ăn, nước uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo. Về mặt sinh bệnh học, người bị lây bệnh khi nuốt phải trứng giun Toxocara canis cùng với thức ăn như rau sống, hoa, quả hay nước uống. Tại ruột non, ấu trùng đi ra từ trứng xâm nhập qua thành ruột đi vào máu, theo dòng máu đến gan, từ đó vào tim phổi. Qua động mạch phổi, các mao mạch và sau đó ấu trùng đi khắp các cơ quan khác.

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm giun đũa chó, mèo phụ thuộc vào cơ quan bị tổn thương, cường độ xâm nhập và được chia làm 3 dạng: Nội tạng, mắt và thần kinh. Khi bị nhiễm Toxocara canis nội tạng có các biểu hiện như: ho kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sốt không cao; ho có ran trong phổi; hạch lớn, viêm phế quản, viêm phổi và có thể bị suyễn; đau bụng, mệt mỏi, ăn không ngon; 80% bệnh nhân bị gan lớn và 20% bị lách lớn; nổi mề đay, ngứa. Ở một số trường hợp bệnh nhân nhiễm Toxocara canis bị viêm cơ tim, viêm tụy, viêm khớp. Tổn thương hệ thần kinh khi ấu trùng xâm nhập vào não và gây ra các biểu hiện lâm sàng như: co giật, động kinh, tê, liệt, tăng vận động, xúc động. Ấu trùng Toxocara canis có thể gây tổn thương mắt với các triệu chứng lâm sàng như: phát triển u hạt, abscess tinh thể, viêm thần kinh mắt, đục nhân thể…

Theo ghi nhận, trung bình một năm có khoảng 2.350 bệnh nhân đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt khám bệnh với các triệu chứng: đau ngực không có yếu tố mạch vành, ho kéo dài, sốt kéo dài không liên tục không tìm thấy nguyên nhân, đau bụng điều trị nhiều đợt không có bằng chứng của bệnh tiêu hóa, rối loạn tâm thần, thay đổi hành vi, động kinh, co giật, tê, viêm khớp. Các bệnh nhân được xét nghiệm để tìm Toxocara canis, trong đó có 1.274 nữ, 1.076 nam. Kết quả xác định 1.101 trường hợp bị nhiễm Toxocara canis, có 351 bệnh nhân ở Lâm Hà (chiếm 31,8%), Di Linh 250 (22,7%), Đức Trọng 220 bệnh nhân (19,9%, Đơn Dương 110 bệnh nhân (9,9%), Đà Lạt 99 bệnh nhân (8,9%), Bảo Lộc 50 bệnh nhân (4,5%), Đam Rông 50 bệnh nhân (4,5%), Đắc Nông 20 bệnh nhân (1,8%). Bệnh xảy ra ở lứa tuổi từ 20 - 40 tuổi chiếm 22,7%, từ 40 - 60 tuổi chiếm 52,6%, từ 60 - 80 tuổi chiếm 24,6%.

Bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm Toxocara canis được xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán dương tính và điều trị giảm được các triệu chứng mà bệnh nhân phải chịu đựng một thời gian dài, không đáp ứng điều trị với các bệnh lý khác. Sau khi điều trị 2 tháng, bệnh nhân được thử lại huyết thanh chẩn đoán có giảm, nhưng vẫn còn dương tính. Theo tài liệu nghiên cứu, huyết thanh chẩn đoán còn dương tính 5 năm sau điều trị, do đó không cần phải thử lại huyết thanh chẩn đoán sau điều trị.

Người bệnh nhiễm Toxocara canis không lây bệnh cho người khác, vì trong cơ thể người quá trình phát triển của Toxocara canis không xảy ra hoàn toàn do ký sinh trùng trưởng thành chết đi. Có khoảng 15,2% chó bị nhiễm Toxocara canis, vì vậy khoảng từ 1-3% đến 60-70% đất có chứa trứng giun đũa chó là nguồn lây bệnh. Bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em, bác sĩ thú y, công nhân cầu cống, dân nhà nông và ngày càng gặp nhiều ở người sử dụng thực phẩm, nước uống không an toàn vệ sinh. Theo nhóm nghiên cứu, một phương pháp quan trọng trong phòng ngừa bệnh đó là theo dõi và tẩy giun cho chó đúng định kỳ. Vệ sinh chó, mèo thường xuyên, rửa tay sau khi chăm sóc chó mèo và trước khi ăn. Rửa rau sống, hoa quả thật kỹ trước khi dùng. Xử lý đất và cấm chó đi dạo trong khu vực vườn trẻ, trường học, công viên, vườn hoa. Giáo dục và cung cấp cho bệnh nhân, gia đình những thông tin cần thiết để phòng ngừa sự lây truyền bệnh từ chó sang người và những biến chứng có thể xảy ra khi bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.

AloBacsi.vn
Theo báo Lâm Đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X