Hotline 24/7
08983-08983

Bạn biết gì về bệnh xơ gan?

Các tác nhân gây xơ gan chỉ âm thầm tấn công lá gan của chúng ta nên người bị xơ gan không hề bị đau bụng và thường không hề có tiền sử bị vàng da, vàng mắt...

Bệnh xơ gan là gì?

Xơ gan hay gọi chính xác hơn là chai gan, là giai đoạn sau của viêm gan mạn. Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị các tác nhân gây hại cho gan tấn công trong thời gian lâu dài dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được làm cho gan chai cứng dần dần và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan (suy gan).

                                                  Hình minh họa - Nguồn Internet

Nguyên nhân dẫn đến xơ gan

- Viêm gan siêu vi B mãn, viêm gan siêu vi C mãn không đượng phát hiện và theo dõi điều trị thich hợp.
- Lạm dụng rượu bia sẽ dẫn đến xơ gan rượu.

- Gan nhiễm mỡ: có khoảng 20% số trường hợp sẽ bị thoái hóa mỡ gan gây viêm gan mãn do chất béo dần dần cũng dẫn đến xơ gan.

- Dùng các thuốc gây độc cho gan kéo dài như kháng sinh, thuốc giảm đau, …

- Các nguyên nhân ít gặp hơn:


                                               Hình minh họa - Nguồn Internet  

   + Viêm gan tự miễn: thường gặp ở nữ, do cơ thể chúng ta tự tiết ra một loai kháng thể tự tấn công lá gan của chính chúng ta.
  
+ Ứ đọng chất sắt trong cơ thể.

  
+ Tắc nghẽn đường mật lâu dài.

Triệu chứng của bệnh

- Gan có khả năng bù trừ rất tốt có nghĩa là phần gan còn tốt chưa  bị chai cứng sẽ làm việc bù trừ cho phần gan đã bị hư hại và chai cứng, do đó chỉ đến khi trên 75% lá gan bị chai cứng thì mới biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

- Giai đoạn đầu khi các nguyên nhân âm thầm tấn công lá gan, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì cả ngoài một vài triệu chứng như ăn không ngon, đầy bụng khó tiêu, mệt mỏi, sụt cân, thậm chí có người lại biểu hiện bằng giảm ham muốn sinh hoạt tình dục.

- Giai đoạn sau khi bắt đầu có suy gan, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như ngứa, dạ xấu đi, sậm màu nhiều, xuất hiện nhiều nốt dãn mạch màu đỏ trên da ngực trên lưng, trên cổ trên mặt, trên cánh tay (nốt sao mạch); lòng bàn tay đỏ rực lên (bàn tay son), tiểu sậm màu hơn, dễ bị chảy máu răng máu mũi, da dễ bị bầm hơn khi va chạm, mắt và da bắt đầu vàng nếu quan sát kỹ.

- Giai đoạn nặng khi suy gan đã quá nặng không còn khả năng bù trừ nữa sẽ xuất hiện vàng da vàng mắt rất nhiều, chân sưng phù, bụng to dần ra và tích nước trong ổ bụng (tràn dịch màng bụng).

- Cần nhớ là các tác nhân gây xơ gan chỉ âm thầm tấn công lá gan của chúng ta nên người bị xơ gan không hề bị đau bụng và thường không hề có tiền sử bị vàng da, vàng mắt gì trước đây cả.

Biến chứng thường gặp của bệnh

- Dãn to các tĩnh mạch ở thực quản: Có thể vỡ gây xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện ói máu hoặc tiêu phân đen mà không hề có dấu hiệu gì trước. 

Do đó bệnh nhân xơ gan cần được nội soi dạ dày dù không hề bị đau dạ dày để kiểm tra có các búi dãn này hay không để điều trị phòng ngừa tránh biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

- Bệnh não do suy gan (Hôn mê gan): Do gan suy không hóa giải được các độc chất trong cơ thể gây tình trạng không tỉnh táo, ngủ gà ngủ gật, lơ mơ mất ý thức, tay chân run rẩy.

Vì vậy bệnh nhân xơ gan không nên để quá bón và không nên tự ý uống các loại thuốc ngủ cũng như không ăn quá nhiều thịt (chất đạm động vật) để tránh ứ đọng chất độc trong cơ thể nhằm tránh biến chứng này.

- Xơ han lâu ngày có thể xuất hiện các khối u trên nền gan xơ gọi là xơ gan có biến chứng ung thư hóa.

- Nhiễm trùng dịch tích tụ trong ổ bụng gây căng chướng bụng, đau bụng nhiều hoặc sốt.

Điều trị

- Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả cao khi ở giai đoạn còn sớm tức là ở  giai đoạn viêm gan mãn và bắt đầu chuyển qua xơ gan, còn khi đã xơ gan mất bù thì việc điều trị đạt kết quả rất hạn chế  chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Do đó vấn đề phát hiên bệnh sớm rất quan trọng vì ở giai đoạn này việc can thiệp vào nguyên nhân sẽ giúp chặn đứng và lui bệnh .

- Điều trị nguyên nhân: Bỏ rượu bia, ngưng các thuốc gây độc cho gan, điều trị thải chất sắt, điều trị viêm gan siêu vi B, C, …

- Điều trị hỗ trợ bảo vệ gan và phòng ngừa các biến chứng.

Phát hiện bệnh sớm              

- Nên đi khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát có bị nhiễm các loại siêu vi viêm gan B, C hay không nhằm có hướng theo dõi điều trị thích hợp.

- Đối với những người có nguy cơ cao bị xơ gan như người béo phì, tiểu đường, người bị gan nhiễm mỡ, người thường uống rượu bia, người phải dùng nhiều loại thuốc để trị nhiều loại bệnh khác, người có người thân trong gia đình bị mắc bệnh gan, người chưa chủng ngừa viêm gan, người có tiền sử bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được tư vấn và cho làm các xét nghiệm tầm soát, khảo sát chức năng gan, siêu âm gan, đo độ cứng gan để có thể phát hiện bệnh gan từ giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng.

Bệnh nhân xơ gan nên làm gì? 

- Không nên quá lo lắng và căng thẳng vì việc tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp bệnh ngừng tiến triển và hạn chế biến chứng.
- Không nên dùng các thuốc gây hại cho gan (thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau Paracetamol).

- Đặc biệt, phải tuyệt đối tránh xa các loại bia rượu.

- Về thuốc men, nên tuân thủ đúng thuốc mà bác sĩ kê toa điều trị.

- Có thể dùng các thảo dược thiên nhiên có tính chất bảo vệ gan như cây nhân trần, cây ac-ti-sô

- Ngoài ra cần lưu ý tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh,nhằm đẩy lùi bệnh.

 Chế độ ăn cho bệnh nhân xơ gan

- Chia 5-6 bữa/ ngày, nên có bữa phụ lúc 9-10 giờ tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
- Ăn nhạt, tráng ăn các loại thức ăn có nhiều muối để tránh bị tích muối, nước trong cơ thể gây phù và bụng to.

- Không cần hạn chế nước, nhưng nếu bụng quá to thì uống dưới 1 lít/ ngày
.
- Hạn chế ăn đạm nhưng là đạm có hại (đạm từ thịt động vật), tăng cường ăn đạm có lợi (tên khoa học là BCAA) có nhiều trong đạm thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu đỏ.
- Không nên quá hạn chế béo, không nên kiêng trứng (trừ khi có ứ mật vàng da nhiều, khó tiêu)
- Ăn ngọt vừa phải.

- Ăn đủ vi dưỡng chất dinh dưỡng.

* Cụ thể: bệnh nhân xơ gan, khoảng 50 kg cần :

- 500 gram rau nhiều chất xơ hòa tan (rau có chất nhớt).
- 200-300 gram trái cây ít ngọt (táo, mận,...).

- Ăn sáng bình thường.

Ăn trưa và tối: một chén cơm, với 100 gram thịt hay 1 quả trứng, chất béo từ dầu thực vật chiên hay xào đều được

- Nhớ bữa ăn trước khi đi ngủ.


AloBacsi.vn
BS Trần Ngọc Lưu Phương - BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X