Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ nhận phong bì vì các ngành khác cũng nhận đấy thôi?

Bác sĩ cũng là con người, cũng phải lo cho gia đình, vợ con. Vì vậy, người dân đừng quá lên án phong bì gắn với ngành y.

Mấy ngày qua, dư luận “dậy sóng” khi video tố một bác sĩ ở Bệnh viện K nhận cả sấp phong bì với thái độ rất bình thản, công khai. Hành động này bị xã hội lên án và nhiều người còn “tố” thêm muôn kiểu bác sĩ vòi tiền bệnh nhân mà gia đình, bạn bè họ từng trải qua.

Trả lời báo chí, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc nhân viên y tế vi phạm y đức cần thiết phải đưa lên báo để răn đe và cảnh báo, giáo dục cán bộ y tế nói chung. Tuy nhiên, theo GS Hùng,tiêu cực không chỉ có trong ngành y, bởi thực tế ngành nào cũng có và đây là hiện tượng của cả xã hội. Bác sĩ cũng là con người, cũng phải lo cho gia đình, vợ con. Vì vậy, người dân đừng quá lên án phong bì gắn với ngành y. Chắc chắn, không phải lúc nào chiếc phong bì cũng xấu."

bac si nhan phong bi vi cac nganh khac cung nhan day thoi? hinh 0
Bác sĩ viện K nhận một tập phong bì (ảnh từ clip)

Đồng ý với GS.TS Phạm Mạnh Hùng rằng không phải lúc nào chiếc phong bì cũng xấu, thế nhưng cái xã hội đang lên án chính là có quá nhiều cái phong bì xấu kia. Nếu bác sĩ cứu sinh mạng, chữa bệnh tốt… người bệnh và gia đình họ có thể cảm ơn tùy tâm, tùy tấm lòng, tùy điều kiện kinh tế. Nhưng khi bệnh trọng, gia đình kiệt quệ, vào bệnh viện mà còn có “qui định bất thành văn” về một mức “cảm ơn” cụ thể để việc bồi dưỡng cho ca mổ bằng này, bác sĩ chính bằng kia… thì chiếc phong bì đó là xấu hay đẹp? Đó là cảm ơn hay sự oán giận của bệnh nhân dành cho bác sĩ?

Và một điểm nữa, không phải vì xã hội đầy rẫy chuyện phong bì, phong bao mà ngành y cũng cho mình cái quyền đương nhiên được nhận phong bì, phong bao. Làm ngành nghề nào cũng có những chuẩn mực, qui tắc, đạo đức nghề nghiệp. Thế nhưng vì sao phong bì trong ngành y lại bị lên án mạnh mẽ hơn cả? Bởi ngành y là ngành gắn liền với sinh mệnh, sức khỏe của mỗi con người - thứ quý giá nhất trong xã hội. Chính vì thế, đạo đức ngành y luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, “văn hóa phong bì” đã len vào hang cùng, ngõ hẻm của các bệnh viện, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang của mỗi người khi đi đến viện; gây bức xúc trong dư luận. Nếu chiếc phong bì của bệnh nhân không được các bác sĩ “định giá” trước, mà là tấm lòng, là khả năng chịu đựng của mỗi gia đình người bệnh… thì chẳng có gì đáng trách, đánh lên án cả.

Một thực tế là việc chăm sóc định kỳ ở nước ta quá kém, nhiều gia đình ăn còn chưa đủ thì đâu dám nói đến khám bệnh sàng lọc… nên nhiều người khi vào đến bệnh viện đã là đường cùng rồi. Vậy mà những người này vẫn phải cố bán gà, bán thóc… để cảm ơn bác sĩ. Liệu chiếc phong bì đó có phải tốt?

Trong một xã hội mà bất kỳ ai làm việc trong hệ thống dịch vụ, hành chính công đều có quyền tham nhũng “vặt” thì thử hỏi người dân sẽ biết tin tưởng, bấu víu vào đâu? Các bác sĩ cũng là con người, cũng phải nuôi gia đình, vợ con… nhưng người bệnh có phải là người không? Chẳng nhẽ họ không có gia đình, vợ con? Chưa kể, nhiều người gia đình kiệt quệ khi đi viện; nhiều bệnh nhân trở nặng phải “nhịn thuốc, nhịn viện” để dành tiền mua cơm, cháo cho vợ con, gia đình… vậy ai cần tiền hơn?

Báo chí và xã hội lên án hành vi “luộc” tiền của dân của những người có trong tay thứ quyền hành đại diện cho Nhà nước, cho những loại dịch vụ công chứ còn các đơn vị do tư nhân nắm giữ đâu có tình trạng này. Nếu ra các bệnh viện tư nhân để thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… có bao giờ phải lo chuyện phong bì đâu mà vẫn được đối xử tử tế, đàng hoàng.

Lên án chuyện phong bì trong bệnh viện có thể sẽ khiến những vị bác sĩ có tâm, có tài mếch lòng. Nhưng cũng có thể đặt câu hỏi, trong hệ thống bệnh viện hiện nay có bao nhiêu bác sĩ có tâm không vòi vĩnh của bệnh nhân và dám lên án hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của các đồng nghiệp. Hay tất cả những thói hư, tật xấu này của ngành y lại nhờ vào báo chí và xã hội lên tiếng?

Xã hội đang lên án để giảm tệ nạn phong bì. Nhưng nếu người nào, ngành nào cũng tặc lưỡi, "họ làm được dại gì mình không làm" thì người dân còn khổ dài dài.

Theo Trần An Nhi - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X