Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ không việc gì phải sợ AI

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence: AI) quả là câu chuyện thời thượng. Nó có mặt khắp nơi, kể cả lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

AI dù tài giỏi đến mấy cũng chỉ là phương tiện tham khảo, không thể thay được bác sĩ

Nhiều ứng dụng của AI trong y khoa khiến con người choáng ngợp và không ít người tiên đoán sẽ có ngày nó thay cả bác sĩ.

Siêu máy tính: Tương lai trị ung thư

Tháng qua, tại TPHCM và Đà Nẵng, bộ Y tế chủ trì hai hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh”. Một chủ đề đáng quan tâm vì lần đầu tiên người ta bàn luận chủ đề này. Nhưng đáng quan tâm hơn vì AI được ứng dụng trong điều trị ung thư, nỗi lo lớn về sức khoẻ  của người Việt hiện nay.

BVĐK tỉnh Phú Thọ và BV K trung ương, là hai cơ sở y tế đầu tiên triển khai hệ thống AI, IBM Watson for Oncology (WFO), có thể xây dựng phác đồ điều trị ung thư trên cơ sở tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư.

Đến nay, WFO được triển khai tại hơn 80 bệnh viện của 13 quốc gia. Trong một nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện quốc tế Bumrungrad (Thái Lan) trên 211 ca ung thư, người ta nhận thấy tỷ lệ tương đồng chung giữa phác đồ do WFO đề nghị và phác đồ của bác sĩ bệnh viện là 83%. Trong đó 89% tương đồng trong bệnh ung thư đại trực tràng, 91%  trong ung thư vú, và 78% trong ung thư dạ dày.

Nhưng ứng dụng của AI trong ung thư không chỉ thế. Năm qua, các nhà nghiên cứu đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã ứng dụng AI nhận diện ung thư da qua hình ảnh với độ chính xác như một bác sĩ lành nghề. Người ta nạp vào hệ thống này gần 130.000 hình ảnh và “dạy” nó cách nhận diện các ảnh khác nhau, đâu là dạng ung thư da phổ biến nhất - carcinoma, và đâu là dạng ung thư da nguy hiểm nhất - melanoma. TS Andre Esteva, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với hãng tin BBC: “Nhìn chung, AI có tay nghề ngang ngửa với bác sĩ da liễu có bằng cấp”.

Nhưng độc đáo nhất vẫn là ý tưởng của công ty công nghệ sinh học Berg (Hoa Kỳ), dùng một loại thuốc có tên BPM31510 chuyển đổi tế bào ung thư trở lại thành tế bào khoẻ mạnh. Tuy nhiên, quá trình này cần đến AI thông qua một siêu máy tính, để xác định mức tiêu thụ năng lượng của tế bào ung thư. Thử nghiệm ban đầu trên bệnh nhân cho thấy có khối u thu nhỏ đến 25%.

Theo TS Niven Narain, một trong những nhà sáng lập Berg, còn quá sớm để nói về phương pháp này, nhưng siêu máy tính chính là tương lai  điều trị ung thư. Ông nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ hợp nhất ngành sinh học với công nghệ, để giúp con người hiểu tường tận ung thư hơn. AI sẽ đưa ra quyết định tốt nhất để kéo dài cuộc sống bệnh nhân”.

Bác sĩ còn chỗ đứng?

Năm qua, một nhóm khoa học gia hội đồng Nghiên cứu y khoa (MRC) Anh quốc thông báo họ đã chế tạo thành công phần mềm tiên đoán khi nào một bệnh nhân mắc bệnh tim tử vong.

Phần mềm này nạp hình ảnh MRI của 256 trái tim bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm máu của họ. Nó đo được chuyển động của 30.000 điểm khác biệt trong cấu trúc tim mỗi khi tim đập. Khi những dữ liệu này được nạp chung với dữ liệu sức khoẻ bệnh nhân thu thập trong tám năm, AI có thể nhận diện bất thường và tiên đoán khi nào bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng năm năm tới.

Trong thực tế chính tình trạng cao huyết áp phổi là một trong những yếu tố khiến trái tim hư. Tình trạng này có thể được giải quyết bằng cách cho bệnh nhân dùng thuốc uống, bơm thuốc thẳng vào mạch máu bệnh nhân, hay ghép phổi. Nhưng bác sĩ cần biết bệnh nhân có thể sống trong bao lâu để áp dụng phương pháp hợp lý nhất. TS Declan O’Regan, một trong những nhà nghiên cứu, nói: “AI giúp bác sĩ điều trị theo từng cá thể, nhờ thế bệnh nhân sẽ hưởng lợi nhiều nhất”.

Có vẻ AI trong y khoa ngày càng “lợi hại”.Tháng 6.2016, AI của Babylon Health, nhà cung cấp dịch vụ sức khoẻ của Anh, đã “so tài” với một bác sĩ trẻ của đại học Oxford và một điều dưỡng cấp cứu lâu năm về khả năng lọc bệnh cấp cứu. Kết quả: AI đạt mức chính xác 92%, trong khi tỷ lệ này ở bác sĩ chỉ là 82% và điều dưỡng 77%.

Tháng qua, hệ thống chatbot của Babylon Health (một hình thức AI) cũng vượt qua kỳ thi sát hạch bác sĩ tổng quát do Trường hoàng gia bác sĩ đa khoa Anh quốc tổ chức, với mức điểm 81%. Cần nói thêm, đây là lần đầu “bác sĩ” chatbot này đi thi, trong khi điểm trung bình của bác sĩ thật tham gia sát hạch từ năm 2012 – 2017 chỉ là… 72%!

Liệu có ngày bác sĩ bằng xương bằng thịt sẽ bị AI cho “ra rìa”? Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, phó giám đốc bệnh viện K, AI chỉ là phương tiện để bác sĩ tham khảo chứ không thể thay con người. TS.BS Đào Văn Tú, phụ trách trung tâm Nghiên cứu lâm sàng bệnh viện K, cũng cho biết AI đưa ra phác đồ điều trị, nhưng chọn phác đồ đó hay không lại là việc của hội đồng y khoa thông qua hội chẩn.

Tháng qua, trên tờ The Guardian (Anh), bác sĩ Ann Robinson, cây bút bình luận y tế quen thuộc, cho biết thầy thuốc chẵng có gì phải sợ AI. Ông dẫn nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa British Medical Journal cho thấy những ai được theo dõi sức khoẻ cùng một bác sĩ trong thời gian dài, sẽ giảm đáng kể tỷ lệ tử vong so với người được theo dõi bởi các bác sĩ khác nhau.

Theo BS Robinson, chính mối quan hệ tương hỗ và hình thức giao tiếp có ý nghĩa giữa người và người đã tạo ra tác động tích cực đó. Trong khi AI chỉ là phần mềm công nghệ đơn thuần, nó không có trái tim và cảm xúc như người thật.

Theo Châu Giang - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X