Hotline 24/7
08983-08983

72 bệnh viện có khả năng tiếp nhận cứu chữa người đột quỵ trên cả nước

Đến năm 2019, cả nước đã đạt được mốc 72 cơ sở y tế có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ, tăng 28 đơn vị so với năm 2017. Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị đột quỵ Châu Á Thái Bình Dương 2019

Đột quỵ là bệnh lý lệ thuộc vào thời gian - mỗi phút trôi qua, có 2 triệu tế bào não chết nếu không được điều trị. Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ TPHCM, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới. Tỉ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra tại nước ta cao hơn so với những bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư hay bệnh lý tim mạch…

60 phút vàng trong cấp cứu đột quỵ

Điều trị đột quỵ là chạy đua với thời gian. Nếu bệnh nhân được điều trị trong vòng 60 phút kể từ lúc nhập viện sẽ giúp tăng cơ hội phục hồi. Đây là thời gian lý tưởng trong cấp cứu đột quỵ.

Các nghiên cứu cho thấy việc được điều trị trong vòng 4,5 - 6 giờ “cửa sổ thời gian vàng” từ khi bắt đầu có triệu chứng tại các cơ sở y tế có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ giúp giảm nguy cơ tử vong, tàn tật, các biến chứng và thời gian nằm viện cho người bệnh. Đồng thời cũng tăng khả năng sớm trở về với cuộc sống bình thường hơn.

Đáng tiếc, hầu hết bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được đưa vào viện trễ hơn cửa sổ này. Vì vậy, việc điều trị không đảm bảo được những tiêu chuẩn nhất định giúp tăng khả năng sống sót hay hứa hẹn một cuộc sống không tàn phế cho bệnh nhân.

Tắc nghẽn giao thông là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới thời gian nhập viện của bệnh nhân. Khoảng 90% người bệnh đột quỵ được đưa đến bệnh viện bằng phương tiện giao thông công cộng mà không có nhân viên y tế đi kèm. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ sở y tế có chuyên môn điều trị đột quỵ cũng như hạn chế thông tin giúp đưa ra quyết định xử lý kịp thời cũng dẫn đến sự chậm trễ trong cấp cứu đột quỵ.

GS.TS.BS Michael Brainin, Chủ tịch Hội đột quỵ Thế giới cho biết “Nếu bệnh nhân đột quỵ được điều trị trong vòng 60 phút từ khi nhập viện, kết quả điều trị sẽ khả quan hơn rất nhiều cho người bệnh. Họ sẽ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường cao hơn sau điều trị”.

Hội nghị đột quỵ Châu Á Thái Bình Dương 2019 diễn ra đầu tháng 10 vừa qua

Cấp cứu đột quỵ ngay trong phòng chụp CT

Để giải quyết tình trạng này, một chương trình chăm sóc sức khỏe với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ mang tên Angel đã ra đời từ tháng 3/2017 với sự cố vấn chuyên môn của Hội Đột Quỵ TPHCM.

Qua đó chương trình hợp tác với nhiều bệnh viện và các hiệp hội chuyên ngành như Hội Đột Quỵ Việt Nam, Hội Đột Quỵ TPHCM, Phân Hội Cấp cứu Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Y Tế để tăng số lượng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận đột quỵ.

Song song đó còn tối ưu hóa chất lượng điều trị thông qua việc hỗ trợ các Hội chuyên ngành cung cấp thông tin khoa học, hướng dẫn thực hành và các khóa đào tạo chuyên môn cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, giúp họ nâng cao năng lực và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ.

Sau hai năm rưỡi triển khai tại Việt Nam, Hội Đột Quỵ TPHCM và chương trình Angels đã ghi nhận những thành tựu nổi bật.

Điển hình như số lượng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận đột quỵ gia tăng đáng kể, từ 44 đơn vị năm 2017 đến 72 đơn vị năm 2019, hỗ trợ điều trị và chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn cho gần 6.500 bệnh nhân. 73 túi cấp cứu đột quỵ tiêu chuẩn đã được trang bị cho các bệnh viện để tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ ngay trong phòng chụp CT.

Tổ chức các chương trình đào tạo và chia sẻ chuyên môn với những con số ấn tượng: 4 cuộc họp giữa các thành viên Ban chỉ đạo chương trình, 6 cuộc họp chuyên môn giữa các giáo sư, 45 buổi thực hành trên phần mềm mô phỏng bệnh nhân và hơn 300 khóa đào tạo.

Ngoài ra, các bảng kiểm về quy trình chăm sóc đột quỵ được Hội Đột Quỵ TPHCM chuẩn hóa phù hợp với các bệnh viện tại Việt Nam với nhiều thông tin chi tiết dành cho nhân viên y tế, y tá cấp cứu, bác sĩ điều trị đột quỵ và y tá chăm sóc đột quỵ.

Đây là những kết quả được báo cáo tại Hội nghị đột quỵ Châu Á Thái Bình Dương 2019 (APSC - Asia Pacific Stroke Conference) được tổ chức vào ngày 5/10 vừa qua tại Manila với sự tham gia của các chuyên gia đột quỵ hàng đầu tại khu vực.

Hội nghị thảo luận về tình hình chăm sóc đột quỵ trên toàn thế giới, những kết quả khả quan của chương trình Angels và kế hoạch cải thiện quy trình chăm sóc đột quỵ tại Châu Á Thái Bình Dương. TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột Quỵ TPHCM và là một trong những thành viên Ban chỉ đạo chương trình Angels khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc (Southeast Asia & South Korea - SEASK) - đã tham dự và báo cáo những cập nhật mới nhất về tình hình chăm sóc đột quỵ và kết quả tích cực của chương trình Angels tại Việt Nam.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM

Quy trình chuẩn giúp tối ưu hóa thời gian cấp cứu, điều trị đột quỵ

Tại các quốc gia triển khai chương trình Angels, “Đội ngũ cố vấn Angels” luôn có mặt để hỗ trợ bệnh viện ứng dụng các chương trình cải thiện chăm sóc đột quỵ. Để được đánh giá là đã sẵn sàng tiếp nhận điều trị đột quỵ, bệnh viện hoặc cơ sở y tế cần phải áp dụng quy trình điều trị tiêu chuẩn, trong đó đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân được thực hiện trong vòng 60 phút kể từ khi nhập viện.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì và cải thiện hiệu quả chăm sóc đột quỵ là việc quản lý chất lượng điều trị. Và RES-Q là công cụ đo lường được WSO (Tổ chức Đột quỵ Thế giới) cũng như chương trình Angels khuyến khích sử dụng nhằm giúp các bệnh viện phát triển và so sánh các tiêu chuẩn điều trị đột quy trong nước và quốc tế.

Mục tiêu của RES-Q là thiết lập nền tảng đăng ký sổ bộ để theo dõi các tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá chất lượng điều trị đột quỵ. Các bệnh viện và bác sĩ sẽ nhận được phản hồi từ kết quả dữ liệu của quá trình chăm sóc đột quỵ và dựa vào đó để cải thiện chất lượng điều trị.

Hiện có 14 bệnh viện tại Việt Nam đang sử dụng công cụ đánh giá RES-Q. Từ các dữ liệu thu thập được, quy trình chăm sóc đột quỵ tại các bệnh viện được cải thiện tích cực và kiểm soát tốt hơn.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhận giải thưởng WSO tại Hội nghị APSC

WSO cũng kết hợp với chương trình Angels để đưa ra giải thưởng WSO Angels Awards nhằm ghi nhận và tôn vinh các đội ngũ chăm sóc đột quỵ taị các bệnh viện hoặc cá nhân cam kết cải thiện chất lượng trong thực hành đột quỵ.

Tại hội nghị APSC - Manila 2019, giải thưởng WSO Angels Awards đầu tiên cũng đã được trao cho cho các bệnh viện có những cải tiến mạnh mẽ trong quy trình chăm sóc đột quỵ cho bệnh nhân. Ba bệnh viện Việt Nam được trao giải thưởng này bao gồm bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: “Để nhận được giải thưởng này, đơn vị tham gia phải cập nhật tất cả thông tin điều trị bệnh nhân đột quỵ mỗi ngày. Một yêu cầu quan trọng để đạt được giải thưởng trong chuẩn chất lượng điều trị đột quỵ là tỉ lệ tái thông phải đạt trên 5%. Tuy nhiên, tại bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ này được ghi nhận là 11%. Chúng tôi sẽ phấn đấu năm 2020 đạt tỉ lệ tái thông trên 15%, mong muốn đem đến cơ hội sống sót và cuộc sống không tàn phế cho ngày càng nhiều bệnh nhân đột quỵ hơn".

 

Các cơ sở y tế, bệnh viên quan tâm đến chương trình Angels toàn cầu và có nhu cầu hỗ trợ trở thành các trung tâm sẵn sàng tiếp nhận đột quỵ, có thể đăng ký tại website chính thức: https://www.angels-initiative.com/user/register.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X