Hotline 24/7
08983-08983

"Bệnh viện" tình thương giữa Sài Gòn

Các Phật tử, tình nguyện viên hàng ngày vào chùa làm việc như những “y tá, điều dưỡng” từ lúc 12g30 để cắt lá thuốc, nấu thuốc, phụ giúp các sư thầy đắp thuốc cho bệnh nhân.

Sài Gòn đất chật, người đông và đắt đỏ. Để tồn tại được mỗi ngày, người ta phải trả không biết bao nhiêu chi phí và cứ hễ bước ra khỏi nhà là mất tiền. Nhưng, cũng chính trong thành phố đông đúc nhộn nhịp này, có những câu chuyện đầy cảm động vì lòng nhân ái, những con người làm việc thiện mà không màng đến vật chất. Một trong số đó chính là Phòng khám chẩn trị trật đả miễn phí tại chùa Vạn Thọ (quận 1, TP.HCM).


Toạ lạc trên đường Hoàng Sa, con đường uốn lượn dọc theo kênh Nhiêu Lộc mát rượi, phòng khám của chùa Vạn Thọ đã hoạt động được gần 40 năm nay. Cứ mỗi buổi chiều trừ Chủ Nhật, từ 14-17g, cái sân chùa nhỏ bé lại được nêm đầy xe của bệnh nhân đến chữa trị. Người trật tay, trật chân, người bong gân, đau lưng, đau cột sống… Nhưng, điểm chung của họ đều là người lao động nghèo, không thể chi trả chi phí đắt đỏ tại bệnh viện tìm về chùa Vạn Thọ nơi cứu cánh, mái nhà chung ấm áp tình thương.

Phòng chẩn trị trật đả của chùa Vạn Thọ hoạt động liên tục từ 14-17g các ngày trong tuần, chỉ nghỉ vào ngày Chủ Nhật và lễ Phật đản

Anh Trần Quang Tuấn Tiến (ngụ ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh) đang được sư thầy chữa đau lưng sau khi anh bị chấn thương trong một lần lao động nặng

“Bệnh viện” miễn phí dành cho người nghèo

Người khởi xướng mở cửa phòng khám này là Hòa thượng Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Vạn Thọ. Gần 40 năm trước, thầy Thanh Sơn ngoài là tu sĩ còn là một lương y, chuyên khoa trật đả, bấm huyệt. Với suy nghĩ nhà sư không thể chỉ lo việc cầu nguyện, truyền bá Phật pháp mà còn phải tích cực làm việc xã hội, giúp đỡ mọi người, thầy đã nảy ra ý định mở phòng khám bệnh miễn phí khi thấy có quá nhiều người nghèo xung quanh phải tiêu tốn nhiều tiền để chữa trị và ngay cả các bệnh viện cũng thường xuyên bị quá tải.

Kể từ thời điểm đó, phòng trị bệnh miễn phí chùa Vạn Thọ được ra đời và hoạt động xuyên suốt cho đến ngày nay, giúp đỡ cho rất nhiều người nghèo.

14g chiều mỗi ngày, khi phòng khám được mở cửa, các sư thầy đã thấy có rất đông người bệnh đang ngồi chờ bên ngoài. Tất cả đều được phát một chiếc thẻ nhỏ ghi số thứ tự khám bệnh, chuyên nghiệp như đi khám ở bệnh viện. Sau đó, người bệnh được gọi tên lần lượt theo thứ tự để vào gặp lương y - những sư thầy ở chùa đã được học qua các khóa đào tạo khám, chữa bệnh.

Với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, sư thầy tận tình hỏi thăm về tình trạng của bệnh nhân, chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị rồi lưu thông tin bệnh nhân vào sổ. Người bệnh sau đó sẽ được hướng dẫn sang một chiếc bàn dài gần đó và ngồi chờ có người đến đắp thuốc, băng bó.

Quy trình cứ thế lặp đi, lặp lại và không lúc nào thưa người trong suốt 3 tiếng mở cửa ngắn ngủi. Trung bình mỗi ngày, “bệnh viện” có diện tích vẻn vẹn 50 m2 đón tiếp từ 150-200 bệnh nhân, đông nhất là những buổi đầu tuần.

Ở bàn chẩn trị, sư thầy sẽ hỏi han tận tình tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra hướng chữa trị ban đầu như nắn, bẻ khớp

Bệnh nhân được lưu thông tin vào sổ khám bệnh, theo dõi tái khám giống như bệnh viện

Sau khi bắt số, chẩn trị, bệnh nhân được những "y tá, điều dưỡng" tỉ mỉ bó thuốc

Những bệnh nhân tìm đến phòng khám này đa phần là người lao động chân tay, dễ mắc các vấn đề về trật khớp, đau cơ, bong gân trong quá trình làm việc.

Ông Nguyễn Văn Học, làm nghề lái xe ôm, trong một lần khuân vác đồ nặng, bị cụp cột sống và tìm đến đây để chữa trị. “Thứ bảy nào cũng phải tranh thủ chạy qua đây đắp thuốc chút xíu, thuốc nóng lắm nhưng mà lúc về đỡ đau hẳn, ngủ được ngon” - ông Học chia sẻ với vẻ mặt nhăn nhó vì đắp thuốc nóng.

Bị bong gân khi chơi thể thao, Nguyễn Thị Hồng Đào, học sinh lớp 12 chia sẻ: “Các sư thầy rất nhẹ nhàng, quan tâm hỏi han bệnh tình và còn phát thuốc miễn phí nữa”.

Ông Nguyễn Văn Học, làm nghề lái xe ôm đang chườm thuốc nóng lên người. Ông bị đau lưng kinh niên nên thứ Bảy tuần nào cũng tìm đến chùa để chữa trị.

Mỗi ngày, lượng bệnh nhân đến trung bình từ 100-200 người, cao điểm vào đầu tuần có khi hơn 200 người. Từng ấy người là từng ấy lần các "y tá, điều dưỡng" tình nguyện này phải băng bó vết thương cho bệnh nhân. 

Tuy nhiên, cũng có những người lớn tuổi, bị đau xương khớp kinh niên và đến phòng khám hàng tuần để chữa trị. Bà Trịnh Thị Út (71 tuổi), tuần nào cũng lặn lội từ quận 4 đến chùa Vạn Thọ để trị bệnh đau lưng mãn tính. Bà cho biết đã thử qua đủ các loại thuốc Tây, nhưng chẳng những không khỏi hẳn bệnh mà còn gây ra tác dụng phụ, “bị nhũn thịt hết, ấn vào da lún luôn”. Khi biết đến phòng khám này, mỗi tuần bà đều đến hai lần, xoa đắp thuốc Nam, được khoảng một tháng thì bệnh đau lưng của bà cũng giảm hẳn, ăn được, ngủ ngon.

Nhiều người tìm đến phòng khám vì không đủ điều kiện kinh tế điều trị ở bệnh viện, nhưng cũng có người đến đây đơn giản vì thích cách điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, và họ sẽ đóng góp tiền vào thùng công quả được đặt ngay trong phòng khám.

Vẻ mặt đau đớn của một nữ bệnh nhân khi được bó vết thương...

... nhưng cũng nhiều người cười tươi vì "chịu nóng chút xíu nhưng đỡ đau hẳn"

Phòng khám được mở ra dành cho người lao động nghèo, nhưng nhiều người khác cũng tìm đến vì thích phương pháp điều trị này. Sau khi được chữa, họ cúng dường tùy ý vào thùng cúng dường được đặt trước phòng khám.

Bà Diệu Hương, ở tận huyện Hóc Môn nhưng ngày nào cũng đến chùa làm việc từ giữa trưa cho đến mịt tối

Thành phần thuốc chữa bệnh tại phòng chẩn trị bao gồm các loại củ và thảo dược, được thầy Thanh Sơn đặt trồng tại Long Thành rồi bào chế bằng công thức riêng theo phương pháp y học cổ truyền. Bốn tháng, khoảng 1,5 tấn thuốc sẽ được chở từ Long Thành về chùa. Hỏi về kinh phí để mua được lượng thuốc lớn này, thầy Thanh Sơn cho biết: “Cũng từ thập phương bá tánh đóng góp, nhưng mình có phòng khám thì phải chi vào phần này nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng cho xã hội”.

Ngày mới mở phòng chẩn trị, thầy Thanh Sơn - với bằng cấp lương y, là người trực tiếp khám chữa bệnh tại đây. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, do tuổi cao, sức yếu, thầy giao lại công việc này cho các đệ tử, như thầy Trung Hảo, Đức Nguyên, Đức Hòa. Đây đều là những lương y, đã học qua các khóa đào tạo tại những trường đại học lớn ở TPHCM như Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và được thầy Thanh Sơn trực tiếp hướng dẫn, truyền kinh nghiệm.

Công việc chủ yếu của bà là băng bó vết thương cho bệnh nhân, phụ các sư thầy giã nhuyễn lá thuốc và bó vào từng bao để chuẩn bị đem đi hấp với giấm

 Phụ giúp trong phòng khám còn có những Phật tử, tình nguyện vào chùa làm việc như những “y tá, điều dưỡng”. Mỗi ngày, họ phải vào chùa từ lúc 12h30 để cắt lá thuốc, nấu thuốc, phụ giúp các sư thầy đắp thuốc cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân về hết, họ còn phải nán lại phòng khám để quét dọn và rửa các dụng cụ và trở về nhà khi trời đã sập tối.

Cực nhọc là vậy nhưng mỗi người chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng tiền xăng xe, đi lại mỗi tháng. Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ và hăng say với công việc, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng công việc mình đang làm rất ý nghĩa và niềm vui cho mọi người.

Sau khi các bệnh nhân đã về, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai vẫn phải nán lại chùa để dọn rửa các dụng cụ...

...và quét lau phòng khám, chuẩn bị cho ngày làm việc ngày hôm sau

Rất nhiều người nhiều tình tham gia vào công việc thiện nguyện này

Chữa bệnh và cảm hóa

10 năm trước, vào buổi sáng tinh mơ, khi mới bước xuống sân chùa, thầy Thanh Sơn gặp một anh thanh niên đang nằm quằn quại, đau đớn trên nền đất. Thầy hỏi sao anh nằm đây, anh thanh niên trả lời là tối chạy xe, bị tai nạn bể mắt cá chân nên bạn chở vào chùa rồi để đây nhờ thầy chữa.

Bằng linh cảm của một nhà sư, thầy nói: “Bây giờ anh nói thiệt đi tui mới chữa, không thì tui không chữa đâu!”. Thanh niên sau đó mới thú nhận tối đi ăn trộm, bị người dân phát hiện nên đánh bể mắt cá chân.

Vậy là trong thời gian 3 tháng điều trị, thầy Thanh Sơn đã không ngừng cảm hóa người thanh niên lỡ sa cơ vào con đường lầm lỡ này: “Anh còn trẻ, lo kiếm việc nào lương thiện mà kiếm sống. Người ta đánh vào chân là còn may, lỡ người ta đánh vô đầu hay vô lục phủ ngũ tạng của anh thì sao? Nguy hiểm vô cùng!”.

Khoảng một năm sau, người thanh niên này tìm về chùa, thoạt đầu thầy không nhận ra vì mỗi ngày phải chữa trị cho không biết bao nhiêu người. Nghe anh kể về chuyện cũ, thầy mới nhận ra và rất vui vì giờ đây, anh đã tìm được việc làm lương thiện, trở về chùa nói lời cảm ơn thầy.

Bó thuốc thảo dược sau khi được hấp với giấm sẽ rất nóng...

...nên thường gây khó chịu với những người chưa quen

Phòng khám cũng là nơi chữa trị các vết đau quen thuộc của các nhà sư tại chùa. Trong ảnh là Hòa thượng Thích Trung Hảo đang tự chườm vết đau ở chân.

Cái duyên làm việc tại đây của những Phật tử cũng đến một cách rất tình cờ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trong một lần đi chùa, được biết phòng khám thiếu người làm nên đã quyết định vào phụ. “Nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ mình rảnh lúc nào thì vào làm lúc đó, chưa nghĩ là sẽ làm luôn đâu!” - bà Tuyết Mai chia sẻ. Cho đến khi bà đã giúp cho một người bán bánh dạo được khỏi bệnh đau chân và được người này quay trở lại tặng bánh với lời cảm ơn rối rít, ngay chính lúc ấy, bà cảm thấy công việc này thật thiêng liêng, mang niềm vui đến cho mọi người và cho chính mình. Kể từ đó, bà mới quyết định làm việc tại đây mỗi ngày, chung tay với các sư thầy giúp đỡ cho người dân.

Những người tìm đến phòng chẩn trị này không chỉ là người dân từ khắp các quận huyện ở TPHCM, mà còn ở các tỉnh thành lân cận. Có người ở Bến Tre, Đồng Nai, Long An,… thậm chí là ở Đồng Tháp, khi nghe tiếng lành của phòng khám cũng bắt xe về chùa chữa trị. Và, ai đến cũng được nhà chùa tiếp đón niềm nở, khi ra về được khỏi bệnh nên gương mặt ai nấy cũng đều rất rạng rỡ.

Thông tin bệnh nhân được lưu lại đầy đủ trong số ghi bệnh. Có những người ở tận Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp,... vẫn tìm về phòng khám.

Đặc biệt, trong phòng khám có rất nhiều chú mèo rất dạn người. "Người ta cứ đem mèo tới để đó. Có khi ngủ một đêm, sáng dậy thấy một thùng mèo con trong sân chùa. Rồi cũng phải nuôi thôi chứ biết sao giờ", bà Diệu Hương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phật tử tình nguyện làm việc tại phòng khám

Khuôn viên của chùa Vạn Thọ được trồng nhiều loại cây thuốc

Khuôn viên của chùa cũng được thầy Thanh Sơn cho trồng rất nhiều cây thuốc để cung cấp nguồn thuốc chữa bệnh bất cứ lúc nào.

Mong ước của thầy Thanh Sơn đó là được duy trì lâu dài nơi khám bệnh và hy vọng mô hình này được phát triển rộng rãi trong thành phố. Bởi rất nhiều nhà sư khác cũng hiểu biết về y dược.

“Bây giờ bệnh viện nào cũng quá tải mà người nghèo còn đông quá, các chùa nếu chia sẻ được chuyện này với xã hội thì sẽ tốt hơn biết là bao nhiêu!” - thầy Thanh Sơn trăn trở.

Hòa thượng Thích Thanh Sơn

Phòng trị bệnh nơi đây tuy thật nhỏ bé nhưng đã mang đến tình thương rất lớn giữa Sài Gòn đông đúc, chật vật.


Theo Liêu Lãm - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X