Hotline 24/7
08983-08983

Y học cổ truyền tham gia những khâu nào trong điều trị đột quỵ?

BS.CK2 Huỳnh Thanh Ân - Viện y dược học dân tộc TPHCM giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về điều trị di chứng của đột quỵ theo Y học cổ truyền, và sự cần thiết phải phối hợp Đông - Tây y.

alobacsi Buổi tọa đàm: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?”,Buổi tọa đàm: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?”, diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) sáng 17/12/2020

Điều trị đột quỵ cần nhất là bệnh nhân đến kịp trong giờ vàng, nếu qua giờ vàng có thể để lại di chứng rất nặng nề.

Ở TPHCM, có hai bệnh viện chuyên về y học cổ truyền là Viện Y dược học dân tộc TPHCM (237 Nguyễn Văn Trỗi) và  bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM (179 Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Hai cơ sở này là nơi tôi đã và đang làm việc. Cả hai bệnh viện đều có điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Đột quỵ thường để lại di chứng rất nặng nề chẳng hạn như: liệt nửa người bên trái, liệt nửa người bên phải, bệnh nhân không nói được, không ăn uống được… Tổn thương dây thần kinh khiến cho bệnh nhân nuốt sặc và không nói được, khi hỏi thì bệnh nhân nói được nhưng không hiểu gì. Y học cổ truyền sẽ có các phương pháp điều trị các di chứng trên.

Điều trị thứ nhất chính là châm cứu. Nhưng không phải cứ lấy kim biết huyệt là châm, trước hết chẩn đoán đó là bệnh gì, thuộc thể gì thì mình phối huyệt như thế nào…

Một số người tưởng là bị liệt dây thần kinh, liệt mặt, méo miệng bên, mắt nhắm không kín châm cứu vài bữa qua khỏi. Nhưng thực ra không đơn giản vậy. Liệt thần kinh số 7 khiến cho méo miệng có 2 nguyên nhân: liệt ngoại biên hoặc dây thần kinh trurng ương. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, ta châm cứu nó sẽ nhanh phục hồi. Còn nếu là liệt dây thần kinh số 7 trung ương – một tổn thương trong não do đột quỵ gây ra, ta sẽ không biết đến chừng nào mới hồi phục được.

Châm cứu không phải là phương pháp phục hồi liệt. Châm cứu là để kích thích cơ, không teo cơ, khích lệ bệnh nhân vận động để không bị cứng khớp. Châm cứu ở đây không phải là phục hồi liệt hay kích thích não phục hồi lại, chưa có nghiên cứu nào cho biết kết quả như thế.

alobacsi BS.CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TPHCMBS.CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM

Vật lý trị liệu là mình tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân thì có những nghiên cứu cho thấy khi tập phục hồi chức năng, nó sẽ kích thích não của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân có thể vận động lại được các cơ trong cơ thể. Khi mình tập vật lý trị liệu như thế, các khớp sẽ không bị cứng.

Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người, họ sẽ nằm một chỗ, ho khạc đàm không được dẫn đến viêm phổi. Nằm một chỗ một lâu ngày, các vùng da, cơ bị tì đè sẽ lở loét. Nằm một chỗ khiến cho đi tiểu khó khăn, dẫn đến nhiễm trùng tiểu. Đó là những yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh cho người bệnh liệt giường.

Do đó, tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân giảm tình trạng viêm phổi, đỡ tì đè, bị loét, bệnh nhân đỡ nhiễm trùng tiểu hơn.

Y học cổ truyền còn có một cách xoa bóp day ấn huyệt giúp thông kinh mạch, bệnh nhân sẽ dễ chịu hơn.

Bên cạnh việc châm cứu và tập vật lý trị liệu, xoa bóp vai bấm huyệt, ở viện chúng tôi kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y. Dùng thuốc tây y chính là chữa các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu. Còn về y học cổ truyền, chúng tôi luận theo lý luận của y học cổ truyền theo từng thể mà điều trị trên thể đó, phù hợp với từng bệnh nhân.

Phải đưa bệnh nhân đột quỵ đến đâu?

Đứng trước một người đột nhiên gục ngã, ta phải nhận biết được bệnh nhân này có đột quỵ hay không? Sau đó, ta liên hệ đến trung tâm chuyên chữa đột quỵ trước 6 giờ. Đó là điều quan trọng nhất.

Nếu bệnh nhân đến trễ sẽ để lại các di chứng nặng nề, một người liệt, một gia đình đi nuôi. Người bị liệt có thể phải nằm từ tháng này qua tháng nọ và để lại di chứng suốt đời trong quảng đời còn lại.

Tôi mong rằng, qua chương trình này các bạn sinh viên sẽ nhận biết để đánh giá được bệnh nhân này có đột quỵ hay không, gia đình mình, người thân mình, đồng nghiệp kế bên mình có nguy cơ đột quỵ không?  Khi nói chuyện thấy lãng lãng hoặc họ than với mình bị yếu tay chân là phải cảnh giác đột quỵ.

Khi đó, mình chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nhưng đó phải là những nơi có thể trị được đột quỵ.

Ví dụ: Một bệnh nhân bị đột quỵ ở Cà Mau, chuyển vào bệnh viện ở Cà Mau, rồi cho người đó nằm đợi làm hồ sơ chuyển lên Bệnh viện S.I.S Cần Thơ chỗ TS Cường, đến nơi thì trễ giờ vàng. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng cho bệnh nhân.

Vì vậy, khi biết được bệnh nhân này có đột quỵ, chúng ta sẽ gọi xe chạy thẳng từ Cần Thơ lên Cà Mau chỉ trong vòng 2-3 tiếng, cấp cứu kịp thời (tức là kịp giờ vàng), có thể điều trị cho kết quả tốt.

alobacsi BS.CK2 Huỳnh Thanh Ân - Viện y dược học dân tộc TPHCM

[HOI]Buổi tọa đàm: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ, giải pháp nào để phòng ngừa?” diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) sáng 17/12 do báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ tổ chức, còn có sự tham dự của TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch S.I.S Cần Thơ, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh; TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành; BS.CK1 Lê Công Trí, Bệnh viện Quận Thủ Đức.[/HOI]

Trọng Dy - ảnh Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X