Hotline 24/7
08983-08983

Xoa bóp - bấm huyệt hỗ trợ thế nào trong điều trị liệt nửa người sau đột quỵ?

Xoa bóp - bấm huyệt là những phương pháp hữu hiệu thường được áp dụng trong điều trị cho bệnh nhân liệt nửa người sau đột quỵ. Vậy liệu pháp xoa bóp - bấm huyệt hiệu quả thế nào? Thắc mắc này đã được giải đáp bởi BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

1. Lợi ích của xoa bóp - bấm huyệt trong điều trị yếu liệt nửa người sau đột quỵ

Thưa bác sĩ, sau đột quỵ bệnh nhân có thể gặp phải di chứng yếu liệt nửa người làm ảnh hưởng đến chức năng vận động và tâm lý. Vậy trong trường hợp này xoa bóp - bấm huyệt sẽ mang lại lợi ích gì cho người bệnh?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Theo y học cổ truyền, xoa bóp - bấm huyệt sẽ giúp máu huyết lưu thông. Dưới góc độ y học hiện đại, xoa bóp - bấm huyết giúp giảm đau cơ, tăng cường tuần hoàn và giúp phục hồi nhanh sau đột quỵ, nhất là ở bệnh nhân có di chứng yếu liệt nửa người.

2. Trường hợp nào nên và không nên xoa bóp - bấm nguyệt

Có phải tất cả bệnh nhân sau đột quỵ bị yếu liệt nửa người đều có thể xoa bóp - bấm huyệt không? Trường hợp nào nên và không nên thực hiện?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Xoa bóp - bấm huyệt khá hiệu quả trong vấn đề phục hồi sau đột quỵ. Việc xoa bóp - bấm huyệt có thể được thực hiện từ giai đoạn cấp cứu đến phục hồi sau đột quỵ.

Nếu can thiệp xoa bóp sớm sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục về sức khỏe. Chúng ta cần xoa bóp - bấm huyệt ngay sau đột quỵ.

Tuy nhiên, chúng ta không nên thực hiện xoa bóp trong những trường hợp bệnh nhân trước khi đột quỵ bị choáng váng, té ngã, gãy tay chân. Ngoài ra, với những bệnh nhân có khối u hoặc có bất thường ở da thì cần phải hết sức cẩn thận khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt.

Tốt nhất, chúng ta cần cân nhắc lợi ích và những tác dụng không mong muốn mà xoa bóp - bấm huyệt trước khi thực hiện cho bệnh nhân.

3. Cần chuẩn bị gì khi xoa bóp - bấm huyệt?

Trước khi xoa bóp - bấm huyệt giúp điều trị liệt nửa người sau đột quỵ, bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị những gì?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Trước hết, thầy thuốc cần phổ biến cho người nhà biết những lợi ích mà xoa bóp - bấm huyệt mang lại cho người bệnh đột quỵ.

Bên cạnh xoa bóp - bấm huyệt, bệnh nhân cũng cần phải kết hợp với vận động khớp. Do đó, chúng ta cần đánh giá cơ lực của bệnh nhân khi kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại mỗi tuần.

Trong thời gian đầu, cơ lực của bệnh nhân có thể nằm ở mức 0/5. Sau quá trình tập luyện phục hồi, cơ lực có thể tăng dần lên các mức 1/5, 2/5, 3/5, 4/5, và 5/5.

Sau đó, bệnh nhân cần kết hợp giữa tập đi với xoa bóp - bấm huyệt để tạo nên hiệu quả trong quá trình phục hồi.

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp góp phần lớn trong quá trình phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ. Theo đó, thầy thuốc và người nhà sẽ cũng phối hợp với trong việc hỗ trợ bệnh nhân luyện tập phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Song, điều quan trọng nhất là tinh thần bệnh nhân phải thoải mái trong quá trình luyện tập, cũng như xoa bóp- bấm huyệt. Chính điều này sẽ giúp họ nhanh chóng phục hồi. Đồng thời, người nhà nên ủng hộ tinh thần nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh sau đột quỵ.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

4. Thực hiện xoa bóp - bấm huyệt như thế nào?

Các bước tiến hành xoa bóp - bấm huyệt sẽ diễn ra như thế nào, bấm huyệt nào, thực hiện cả hai bên cơ thể hay chỉ bấm bên liệt?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Thông thường, bệnh nhân đột quỵ có thể bị liệt nửa người và liệt mặt ở cùng bên hay bên đối diện.

Lúc này, thầy thuốc sẽ xoa bóp bấm huyệt phần liệt. Nếu bệnh nhân bị liệt mặt cùng bên với nửa người bị liệt, chúng ta sẽ xoa bóp ở mặt cùng bên. Ngược lại, nếu bệnh nhân bị liệt mặt ở bên đối diện, chúng ta sẽ xoa bóp bên đối diện.

Tuy nhiên, trong quá trình xoa bóp cho phần mặt bị liệt, chúng ta vẫn nên xoa bóp thêm vùng đầu bên đối diện để góp phần giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất.

5. Xử trí tình huống không mong muốn khi xoa bóp - bấm huyệt như thế nào?

Bác sĩ có thể cho biết những tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình xoa bóp - bấm huyệt giúp điều trị liệt nửa người? Và cách xử trí ra sao?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Xoa bóp bấm huyệt tuy mang lại lợi ích nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân có thể cảm thấy choáng váng, huyết áp tăng, đau tim, tức ngực. Lúc này, chúng ta cần ngưng xoa bóp - bấm huyệt và có xử trí thích hợp.

Bên cạnh đó, không nên xoa bóp - bấm huyệt quá nhiều bởi điều này có thể khiến bệnh nhân đau nhức, từ đó không muốn hợp tác trong những lần tiếp theo.

6. Yếu tố quyết định thời gian điều trị là gì?

Một liệu trình điều trị sẽ kéo dài bao nhiêu ngày và mỗi ngày bao nhiêu phút? Yếu tố nào sẽ quyết định thời gian điều trị ngắn hay dài?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Một liệu trình xoa bóp sẽ kéo dài trong hai tuần, sau đó nghỉ hai tuần rồi bắt đầu trở lại. Theo đó, bệnh nhân có thể luyện tập khoảng 3 liệu trình như vậy.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị liệt, chúng ta sẽ thực hiện xoa bóp cho đến khi bệnh nhân được phục hồi hoàn toàn. Khi bệnh nhân dần phục hồi, bệnh nhân không cần tìm đến thầy thuốc để xoa bóp - bấm huyệt nữa mà thầy thuốc sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho bệnh nhân và người nhà có thể tự thực hiện.

Thời gian cho mỗi lần xoa bóp - bấm huyệt thường kéo dài khoảng 60 phút, mỗi ngày khoảng 3 lần (sáng - trưa - chiều). Tuy nhiên, người nhà có thể điều chỉnh thời gian cũng như số lần tập cho phù hợp để bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

Khi điều trị Đông y, khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là cơ thể và cảm xúc của bệnh nhân. Vì vậy, chúng ta phải điều chỉnh việc luyện tập sao cho phù hợp để bệnh nhân thoải mái nhất trong quá trình tập.

7. Tỷ lệ phục hồi sau xoa bóp - bấm huyệt có cao không?

Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi sau xoa bóp - bấm huyệt có cao không? Và tỷ lệ cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nào?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Mục tiêu của xoa bóp - bấm huyệt là giúp cho tay chân của bệnh nhân có thể co duỗi.

Một số bệnh nhân cho biết sau quá khi xoa bóp - bấm huyệt, họ có thể đi lại được.

Xoa bóp bấm huyệt giúp cơ mạnh hơn, đồng thời chống teo cơ, cứng khớp, tay c chân co duỗi lại bình thường.

Theo đó, hiệu quả phục hồi ở bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: bệnh nhân có chịu tập hay không, gia đình có khích lệ không, bệnh nhân có phối hợp với các phương pháp khác hay không, bác sĩ có am hiểu về vấn đề bệnh nhân không,...

8. Những lưu ý sau khi xoa bóp - bấm huyệt

Sau khi xóa bóp - bấm huyệt bệnh nhân có cần lưu ý điều gì không? Và trong quá trình thực hiện, có cần thay đổi lối sống, ăn uống ra sao?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Bên cạnh xoa bóp - bấm huyệt, bệnh nhân cần phối hợp với nhiều phương pháp khác như ăn uống phù hợp khi có bệnh nền hoặc dùng thuốc để kiểm soát bệnh nền.

Bệnh nhân cần ăn uống theo chỉ định của thầy thuốc, tập luyện đều đặn và giữ cho tinh thần lạc quan.

Sau cơn đột quỵ, rất nhiều bệnh nhân thường cảm thấy bi quan. Vì vậy, mỗi người cần phải giữ cho tâm lý tốt nhất giúp kết quả phục hồi đạt hiệu quả cao.

9. Xoa bóp - bấm huyệt cho bệnh nhân đột quỵ liệt nửa người nên được thực hiện ở đâu?

Việc xoa bóp - bấm huyệt giúp điều trị liệt nửa người sau đột quỵ nên được thực hiện ở đâu? Và bệnh nhân cũng như người nhà cần làm gì thêm để hỗ trợ cùng với xoa bóp-bấm huyệt giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Bệnh nhân cần tập ở bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa. Khi người nhà hay bệnh nhân đã nắm rõ được các kỹ thuật cơ bản, bác sĩ sẽ đánh giá và cho bệnh nhân xuất viện. Lúc này, thầy thuốc sẽ hướng dẫn thêm một số động tác để người nhà thực hiện cho bệnh nhân.

Sau một tháng, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám và đánh giá để xem hướng tập luyện  có tốt không. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tăng hoặc giảm cường độ tập luyện sao cho phù hợp nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, xoa bóp - bấm huyệt cũng chỉ là phương pháp giúp hỗ trợ điều trị sau đột quỵ. Vì vậy, chúng ta không nên quá "thần tượng" phương pháp này.

Tốt nhất, người bệnh nên kết hợp xoa bóp - bấm huyệt với các phương pháp vật lý trị liệu, thuốc và tâm lý trị liệu trong quá trình điều trị. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc phục hồi sớm nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ.

10. Động tác xoa bóp - bấm huyệt đơn giản có thể thực hiện tại nhà

Nhờ bác sĩ hướng dẫn một vài động tác xoa bóp đơn giản, để người nhà có thể thực hiện cho bệnh nhân tại nhà?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ:

Chúng ta cần hỗ trợ bệnh nhân mở các ngón tay, mở cổ tay và duỗi tay thẳng, chườm và xoa bóp vùng lưng cho cơ mềm, xoa bóp vùng cổ và gáy để cổ được thẳng lại.

Đồng thời, với những bệnh nhân bị chân duỗi, chúng ta hỗ trợ luyện tập bằng cách giúp bệnh nhân đặt bàn chân co vào cẳng chân, cẳng chân co vào đùi và bụng.

Trong quá trình tập luyện, thầy thuốc sẽ thăm khám và đánh giá lại để hướng dẫn thêm cho người nhà.

Trọng Dy - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X