Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm máu, chụp X-quang, CT, MRI và nội soi cho trẻ, cần lưu ý gì?

Nuôi con chưa bao giờ là dễ dàng. Nay đi khám, mai lại vào viện là điều không ai mong muốn. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh cho con đi khám, nếu bác sĩ chỉ bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử, khám bằng ống nghe vẫn chưa yên tâm, mà còn muốn làm thêm xét nghiệm máu, chụp x-quang, CT, MRI hay nội soi. Tuy nhiên, điều này có nên hay không và có gây ảnh hưởng đến trẻ không? BS Trương Hữu Khanh đã chia sẻ cụ thể trong bài viết dưới đây.

1. Thăm khám, hỏi bệnh sử bước đầu quan trọng như thế nào?

Trước tiên, nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ thêm về việc thăm khám, hỏi bệnh sử ban đầu quan trọng như thế nào trong việc chẩn đoán và ra chỉ định điều trị cho trẻ ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khám, hỏi bệnh sử và chỉ định xét nghiệm rất quan trọng. Tuy nhiên lúc khám, hỏi bệnh sử bác sĩ đã biết được bệnh, nên đôi khi làm xét nghiệm sẽ dư thừa. Thời điểm xét nghiệm và loại xét nghiệm để chẩn đoán khá quan trọng và tùy thuộc vào bệnh để chỉ định xét nghiệm.

2. Trường hợp nào cần phải thực hiện các cận lâm sàng?

Theo BS, các bậc phụ huynh có nên “xin, năn nỉ” bác sĩ để được thực hiện các cận lâm sàng cho con khi đi khám? Vì sao? Thông thường, những trường hợp nào, bác sĩ sẽ chỉ định cần phải thực hiện thêm các cận lâm sàng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề chỉ định xét nghiệm có 2 thái cực. Khi bác sĩ khám sẽ cần xét nghiệm hoặc bệnh nhân đi khám yêu cầu thực hiện xét nghiệm. Nên đi khám bác sĩ, bệnh viện có uy tín để được khám và chỉ định xét nghiệm đúng. Nếu một số nơi bắt buộc phải làm xét nghiệm thì bệnh nhân phải thực hiện theo.

3. Những lưu ý khi xét nghiệm máu?

Trước tiên, nói về xét nghiệm máu.

- Trẻ từ bao nhiêu tuổi và khi nào có thể làm xét nghiệm này, thưa BS?

- Xét nghiệm máu sẽ cho biết những điều gì về sức khỏe của trẻ ạ?

- Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị gì cho con trước khi thực hiện xét nghiệm máu ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Xét nghiệm máu rất đa dạng, phụ thuộc vào bệnh bác sĩ muốn kiểm tra mà thực hiện xét nghiệm tương ứng. Thông thường sẽ làm công thức máu khi trẻ bị sốt để biết có nhiễm trùng hay không hoặc xét nghiệm để biết chỉ số máu, có bị thiếu máu hay không. Ngoài ra còn có một số bệnh lý khác như xét nghiệm đường huyết, những thông số khác.

Không thể nói xét nghiệm máu chung chung mà cần phải biết chi tiết như xét nghiệm công thức máu, đường máu, ion đồ máu (điện giải đồ), mỡ máu, men gan, chức năng thận. Vì vậy khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu phải hỏi rõ bác sĩ cần thực hiện những gì.

- Trường hợp các em bé xét nghiệm máu thông thường thì không cần lưu ý đặc biệt. Cho bé ăn uống bình thường và vào xét nghiệm.

- Nếu bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu ngay, nghĩa là người bệnh không cần kiêng gì cả.

- Khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, không có dặn dò kèm theo, thì vẫn sinh hoạt bình thường và đến ngày thì vào xét nghiệm.

- Nếu cần nhịn đói trước khi xét nghiệm bác sĩ sẽ dặn trước.

4. Khi chụp X-quang cần lưu ý những gì?

Về chụp X-quang. Xin hỏi BS:

- Trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể chụp x-quang?

- Chỉ định và chống chỉ định trong chụp x-quang cho trẻ là gì?

- Lưu ý gì trước - trong - sau khi chụp X-quang cho trẻ ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với chụp X-quang sẽ không tính theo tuổi mà phụ thuộc vào chỉ định của bệnh. Em bé mới vừa sinh ra vẫn có thể chụp X-quang. Có rất nhiều vị trí chụp X-quang như: X-quang phổi, bụng, chi, đầu,…

Tương tự xét nghiệm máu, khi chụp X-quang bác sĩ cũng sẽ chỉ định. Bệnh nhân phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ. Vào phòng X-quang bệnh viện sẽ hướng dẫn lấy một số dụng cụ có thể làm nhiễu hình ảnh ra ngoài.

5. Khi nào trẻ cần chụp CT, có lưu ý gì đặc biệt không?

Về chụp CT. Nhờ BS chia sẻ thêm thông tin:

- Khi nào trẻ cần phải chụp CT?

- Lợi ích của kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh cho trẻ?

- Ngược lại, chụp CT có thể đem lại những rủi ro nào cho trẻ?

- Nếu bắt buộc phải chụp CT, cần lưu ý những vấn đề nào để đảm bảo an toàn cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chụp CT cao hơn X-quang một bậc, khi X-quang không nhìn thấy được sẽ chọn phương pháp chụp CT. Thông thường có thể CT não, CT ngực, bụng,… tùy theo bệnh lý của trẻ. CT đầu thường được thực hiện nhiều để xem trẻ có chấn thương đặc biệt nào không hoặc một số nguyên nhân khác trong đầu, kiểm tra tổn thương phổi ở ngực, khối u,… Phụ huynh nên tuân theo chỉ định bác sĩ, nếu nghi ngờ có thể tham khảo ý kiến các bác sĩ khác.

CT phụ thuộc vào lứa tuổi. Trẻ quá nhỏ cần nằm yên, có thể tiêm thuốc mê. Nếu bé lớn, chịu hợp tác sẽ thực hiện CT bình thường. Khi bác sĩ chỉ định và chụp CT sẽ có biện pháp để theo dõi tình trạng. Nếu gây mê sẽ thông báo nhịn ăn vì khi ói sẽ ọc vào phổi nên cần lưu ý.

6. “Ăn tia” khi chụp x-quang, CT có nguy hiểm không?

Vấn đề lo ngại nhất của các bậc phụ huynh là trẻ bị “ăn tia” khi chụp x-quang, CT. Nhờ BS giải thích thêm về vấn đề này cho các ông bố, bà mẹ hiểu rõ thêm ạ! Có cách nào giảm thiểu rủi ro “ăn tia” này không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chụp X-quang và CT sẽ “ăn tia” mặc dù có một số máy hạn chế “ăn tia” nhưng không tránh khỏi hoàn toàn. Nên đối với bác sĩ cũng như người bệnh chỉ thực hiện khi thật sự cần thiết. Nếu có thể theo dõi bằng những biện pháp khác thì không nên chụp X-quang, làm CT. Không có cách giảm thiểu tia khi CT, tia phải đi vào người mới đọc được hình.

7. Trường hợp nào trẻ cần chụp MRI, rủi ro khi chụp MRI là gì?

Về chụp MRI. Xin hỏi BS:

- Trẻ cần chụp MRI trong những trường hợp nào? Kỹ thuật này chỉ định cho trẻ từ bao nhiêu tuổi?

- Lợi ích và rủi ro trẻ có thể đối mặt khi chụp MRI?

- Chụp MRI cần thời gian lâu hơn chụp CT, cần lưu ý gì để trẻ chịu hợp tác trong trường hợp này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những hình ảnh CT không thấy được sẽ chỉ định chụp MRI. MRI có thể thực hiện từ khi còn nhỏ và phải đặc biệt nằm yên. Và thực hiện tùy theo chỉ định của bác sĩ.

MRI xét về lý thuyết sẽ ít “ăn tia” hơn CT, tuy nhiên có một số vị trí CT thấy mà MRI không thấy được. Những vẫn không thể hạn chế tình trạng “ăn tia”.

Khi chụp MRI cần nằm yên hơn CT nên đối với trẻ nhỏ bắt buộc phải gây mê và có thể gặp một số nguy cơ từ gây mê.

8. Khi nào trẻ chụp CT, MRI cần phải tiêm thuốc cản quang?

Đối với trẻ em, chụp CT-MRI, liệu có cần thiết phải tiêm thuốc tương phản, thuốc cản quang, hay trường hợp nào cần ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: MRI, CT có cản quang phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào từng cơ quan mà quyết định có cần cản quang hay không. Bác sĩ sẽ giải thích thêm trước khi thực hiện.

9. Nội soi dạ dày, nội soi đại tràng cho trẻ thường được chỉ định trong trường hợp nào?

Một số trẻ thường xuyên bị đau bụng, táo bón, hoặc phát hiện HP nên nhiều ông bố, bà mẹ muốn nội soi dạ dày, đại tràng. Xin nhờ BS giải thích cụ thể hơn:

- Nội soi dạ dày, đại tràng ở trẻ thường được chỉ định trong trường hợp nào? Có phải trẻ cứ đau bụng là phải nội soi?

- Nội soi dạ dày, đại tràng cho trẻ cần lưu ý những gì để kết quả chính xác?

- Nội soi có thể gây khó chịu cho trẻ, kể cả sau khi đã kết thúc thủ thuật. Cần làm gì để giảm bớt những khó chịu này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nội soi là phương pháp xâm lấn rất nhiều, đối với trẻ em phải gây mê. Vì vậy chỉ khi thật sự cần mới nội soi. Táo bón, đau bụng “vặt” phải chờ đến khi có chỉ định nội soi, nếu chỉ xét nghiệm máu, thử phân sẽ không chính xác. Phụ huynh không thể yêu cầu nội soi mà phải kiên nhẫn, theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay nội soi ở trẻ con đang quá tải, nếu phụ huynh tự yêu cầu phải chờ rất lâu. Vì vậy phải xin chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên có một số trường hợp nội soi không giải quyết được.

Nội soi để nhận biết viêm dạ dày, viêm đại tràng. Khi viêm dạ dày có thể làm xét nghiệm HP. Tuy nhiên HP phải tùy theo độ tuổi nếu dưới 12 tuổi sẽ chưa điều trị. Khi quyết định nội soi phải tuân theo chỉ định của bác sĩ tiêu hóa nhi để có lộ trình điều trị và theo dõi lâu dài.

Nội soi ở trẻ khi gây mê sẽ không khó chịu và sau khi nội soi không có biểu hiện đặc biệt. Nên không cần thực hiện biện pháp nào thêm sau đó, quan trọng là xem kết quả và tái khám.

Cuối cùng, nhờ BS chia sẻ một số lời khuyên khi trẻ phải thực hiện các cận lâm sàng theo chỉ định, để vơi bớt nỗi lo cho trẻ và cho các ông bố, bà mẹ ạ!

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các chỉ định cận lâm sàng khá quan trọng, giúp bác sĩ giải thích những câu hỏi bệnh nhân còn thắc mắc. Vấn đề quan trọng là khi đi khám phải hợp tác với bác sĩ, nếu không tin tưởng bác sĩ đang điều trị có thể tìm đến bác sĩ hoặc tham vấn khác. Nếu không cần thiết thực hiện các cận lâm sàng mà phụ huynh yêu cầu thì bác sĩ không thể thực hiện được. Xét nghiệm giúp hỗ trợ chẩn đoán và chỉ thực hiện khi cần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X