Hotline 24/7
08983-08983

Vỡ xương bánh chè: Điều trị và tập luyện sao cho nhanh đi lại, vận động?

Xương bánh chè giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi gối nên rất dễ bị tổn thương, nứt vỡ do tai nạn, lao động… Vậy trở lại với công việc, hoạt động sinh hoạt bình thường, chúng ta cần phòng tránh tai nạn này như thế nào? Điều trị vỡ xương bánh chè ra sao? ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết sau.

1. Tổn thương xương bánh chè có những loại nào, dấu hiệu nhận biết ra sao?

Thưa BS, nhiều trường hợp bệnh nhân bị vỡ xương bánh chè nhưng không biết mình có bị vỡ xương bánh chè hay không. Vậy có những loại tổn thương xương bánh chè gì, cách nhận biết ra sao và sơ cứu trong những trường hợp đó như thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung trả lời: Đối với vỡ xương bánh chè có 2 trường hợp chính:

- Thứ nhất là do chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, bệnh nhân có thể trượt té, đập đầu gối xuống gây chấn thương xương bánh chè. Những trường hợp này có thể vỡ, gãy hoặc nứt xương bánh chè. Những trường hợp nhẹ, di lệch ít, bệnh nhân có thể không nhận ra thay đổi trên bề mặt xương, vì vậy đi lại bình thường, chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng gối, dẫn đến hiện tượng không phát hiện ra mình bị gãy xương bánh chè.

- Thứ hai là những trường hợp tổn thương do thoái hóa, thường liên quan đến vấn đề tuổi tác, do việc sử dụng lâu ngày hoặc chấn thương khi thể thao… dẫn đến tổn thương sụn của xương bánh chè. Khi đó bệnh nhân có triệu chứng đau vùng xương bánh chè hoặc khi nhấn khớp chè đùi gây đau, khó chịu, dẫn đến những tổn thương bánh chè thầm lặng, đôi khi không phát hiện được.

Do đó, nếu bệnh nhân có những tổn thương vùng gối, đặc biệt là vùng xương bánh chè thì nên đi khám để bác sĩ đánh giá. Quan trọng hơn nữa là chụp x-quang hoặc MRI để đánh giá xem có dập sụn hoặc gãy xương bánh chè thầm kín hay không.

2. Nghi ngờ gãy xương bánh chè, cần làm gì để xác định tổn thương?

Trong trường hợp bệnh nhân bị tai nạn có va đập ở xương bánh chè nhưng những biểu hiện không rõ ràng thì có những phương pháp y tế nào để họ có thể kiểm tra xem mình có vỡ xương bánh chè không ạ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung trả lời: Đối với những bệnh nhân có tổn thương vùng gối, đặc biệt là vùng ở mặt trước gối thường chịu tổn thương nhất của xương bánh chè thì nên đến khám và chụp X-quang - đây là cận lâm sàng giúp dễ dàng nhận biết tổn thương của xương bánh chè.

Một số ít trường hợp, gãy theo đường dọc giữa, nghĩa là khi đó phim X-quang thẳng và nghiêng không thể phát hiện được thì có thể chụp thêm tư thế đặc biệt như mặt trời mọc (sunrise) để phát hiện tổn thương gãy xương bánh chè gãy theo chiều dọc.

Ngoài ra, đối với những trường hợp tổn thương về mặt sụn do thoái hóa thì có thể chụp MRI khớp gối sẽ thấy hết tổn thương, từ gãy xương, tổn thương nội sụn đến bề mặt sụn của xương bánh chè.

3. Gãy xương bánh chè, điều trị thế nào?

Thưa BS, hiện nay có phương pháp điều trị vỡ xương bánh chè nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung trả lời: Đối với những trường hợp gãy xương bánh chè hoặc tổn thương sụn của xương bánh chè, nếu gãy đơn giản, di lệch ít có thể điều trị bảo tồn, bằng cách bó bột. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bó bột trong khoảng 4-6 tuần bằng bột ống, giữ cho chân duỗi thẳng để xương bánh chè có thời gian lành và hồi phục. Sau khi tháo bột, bệnh nhân tập gấp gối và đi lại bình thường.

Đối với những trường hợp bệnh nhân có tổn thương nặng hơn như gãy xương bánh chè di lệch xa sẽ được phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ nhập viện, làm các xét nghiệm tiền phẫu, sau đó phẫu thuật ghép nối lại xương bánh chè và sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đặc biệt kết nối xương bánh chè bằng 2 cây đinh và một cọng chỉ thép, rất đơn giản. Thời gian phẫu thuật dưới 30 phút. Bệnh nhân sau đó không cần mang bột, không cần ngừng đi trong vòng 2 tháng và người bệnh có thể đi lại, tập gấp gối rất sớm.

Đối với những trường hợp bệnh nhân có tổn thương sụn bánh chè, đây là những trường hợp tổn thương do thoái hóa hoặc bệnh lý sẽ được điều trị bằng cách nội soi để kiểm tra xem có cần ghép xương, ghép sụn không hoặc sinh thiết xương nhằm phát hiện tế bào lạ, ung thư không. Đối với những trường hợp thoái hóa thông thường thì bác sĩ có thể điều trị bơm chất nhờn để hỗ trợ, giúp cho lành lại các tổn thương bề mặt sụn đơn giản, nhẹ.

4. Xương bánh chè 2 mảnh là gì, điều trị ra sao?

Có một bệnh lý hiếm gặp đó là xương bánh chè 2 mảnh. Bệnh lý này thường có khó đoán, đa số trường hợp được phát hiện tình cờ. Thưa BS, xương bánh chè 2 mảnh có nguy hiểm và khác gì với vỡ xương bánh chè không, làm sao để chúng ta phân biệt được 2 tình trạng này ạ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung trả lời: Đối với những trường hợp xương bánh chè 2 mảnh là từ khi sinh ra bệnh nhân đã có tình trạng này. Nghĩa là bệnh nhân vẫn đi lại, chạy nhảy, sinh hoạt bình thường nhưng khi chạm vào khớp gối thấy không liền lạc như người khác, đôi khi nghe lộp cộp. Những trường hợp này nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra 2 mảnh bánh chè xa hay gần nhau, từ đó có mức độ xử trí khác nhau.

Đối với bệnh nhân ít bị lệch hoặc sử dụng nhiều năm thì vẫn tiếp tục như bình thường, nhưng đôi khi nó khiến người bệnh thoái hóa khớp gối sớm hơn. Khi đó, bác sĩ sẽ quyết định can thiệp, từ 2 mảnh sẽ còn lại 1 mảnh thôi.

Hoặc nếu bệnh nhân có chấn thương khiến xương bánh chè thành 2 mảnh (đây là trường hợp 2 mảnh thứ phát sau chấn thương). Khi đó bệnh nhân có thể được phẫu thuật để nối lại, hoặc thay xương bánh chè mới để hỗ trợ vận động tốt.

5. Lưu ý gì khi tập luyện sau bó bột, phẫu thuật xương bánh chè?

Một trong những vấn đề mà nhiều bạn đọc thường hỏi Tổng đài AloBacsi đó là phục hồi chức năng sau khi điều trị vỡ xương bánh chè, bởi nhiều trường hợp sau khi lành vẫn khó di chuyển. Vậy chúng ta có những lưu ý khi phục hồi chức năng đối với bệnh nhân bó bột và bệnh nhân phẫu thuật ạ, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung trả lời: Đối với bệnh nhân gãy xương bánh chè di lệch ít thì cần bó bột từ 4-6 tuần. Đây là một khoảng thời gian dài và thường gây cứng khớp gối, sau đó bệnh nhân tập vận động khớp gối rất khó khăn. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi sát để khi vừa lành xương bánh chè sẽ được tháo bột và tập vận động khớp sớm. Giới hạn là khi bệnh nhân chưa lành hẳn mà được tháo ra có thể di lệch nhiều hơn, vì vậy cần phải ưu tiên đợi xương lành. Có thể sau bó bột 4 tuần sẽ mở ra và tập vận động, lúc đó chỉ cần mang nẹp, giúp bệnh nhân phục vận động hồi sớm hơn.

Đối với bệnh nhân được phẫu thuật, chúng tôi kết hợp xương tốt, đặc biệt là các phương pháp vững chắc thì không cần lo lắng, có thể cho bệnh nhân tập đi, tập gấp gối ngay vài ngày sau mổ để kích thích xương lành nhanh hơn và khớp gối không bị biến chứng cứng khớp, giới hạn vận động sau mổ.

Do đó, bệnh nhân cần được hướng dẫn vật lý trị liệu tùy theo những tổn thương và có bác sĩ chuyên khoa để hỗ trợ điều trị tốt những các trường hợp chấn thương xương bánh chè, đặc biệt là có phẫu thuật.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X