Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam: Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi

Việt Nam thuộc top những quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới, để góp phần cải thiện tình trạng này, dự án Happy Việt Nam được thiết lập với các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tốt, nhận biết sớm và điều trị đúng cách khi trẻ có các biểu hiện của suy dinh dưỡng thấp còi.

Trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thấp còi cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn là một thách thức như tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị SDD thấp còi, đặc biệt cao ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn… Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây Nguyên là 32,7%, miền Trung là 25,4%.

1. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng, thấp còi:

  • Do ăn kém, biếng ăn, hoặc chế độ ăn uống của trẻ không hợp lý.
  • Do mẹ khi mang thai ăn uống kém hoặc không đủ các nhóm chất cần thiết, khiến trẻ bị SDD bào thai.
  • Do trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh như thiếu hormone tăng trưởng

Chiều cao chỉ phụ thuộc 20% vào di truyền từ bố mẹ, 80% còn lại do dinh dưỡng, luyện tập và môi trường

2. Suy dinh dưỡng đem đến những bất lợi gì cho trẻ em và xã hội?

Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực đã dẫn đến những bất lợi nhất định cho Việt Nam:

  • Suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
  • Trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khó khăn trong học tập.
  • Chức năng miễn dịch kém lúc nhỏ và khi trưởng thành, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, hoặc dễ bị nhiễm trùng tái phát khi còn nhỏ và các bệnh như đái tháo đường, ung thư ... sau này
  • Là nguyên nhân dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam
  • Năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.

Theo thống kê của Cục sức khỏe dân số thế giới, Việt Nam thuộc top những quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. Hiện nay chiều cao trung bình của nam giới 164,4 cm thấp hơn 13 cm so với chuẩn WHO, nữ giới là 153,4cm thấp hơn 10 cm so với chuẩn.

3. Giải pháp nào để giúp tăng chiều cao cho người Việt Nam?

Chương trình sức khoẻ Việt Nam của Bộ Y Tế (Theo quyết định 1092/QĐ-TTg 2018) từ 2018-2030 có 3 mục tiêu cụ thể là:

  1. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân;
  2. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng;
  3. Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Vấn đề dinh dưỡng học đường cũng cần được coi trọng đặc biệt với thay đổi về cách tiếp cận. Các trường học không chỉ cung cấp bữa ăn hay triển khai chương trình sữa học đường mà cần tăng cường giáo dục, cung cấp kiến thức về suy dinh dưỡng, thấp còi cho phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng và góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, dự án Happy Việt Nam được thiết lập với các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tốt, nhận biết sớm và điều trị đúng cách khi trẻ có các biểu hiện của căn bệnh này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X