Hotline 24/7
08983-08983

Viêm mũi dị ứng là thách thức của y học: giải pháp nào kiểm soát triệu chứng hiệu quả?

Các chuyên gia nhận định, viêm mũi dị ứng là thách thức của y học, bởi cho đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này. Với nhiều thách thức đặt ra, các thầy thuốc cần làm gì để kiểm soát hiệu quả viêm mũi dị ứng cho bệnh nhân?

Vấn đề nóng hổi này được các chuyên gia bàn luận sôi nổi trong chương trình đào tạo liên tục trực tuyến với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý bệnh viêm mũi dị ứng - Từ thách thức đến giải pháp” do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM cùng Nhãn hàng Telfor - DHG Pharma, AloBacsi tổ chức, thu hút hơn 600 lượt xem cùng lúc tại thời điểm phát sóng trên các nền tảng zoom, youtube, facebook.

Theo PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội Thính học TPHCM là chủ tọa chương trình, viêm mũi dị ứng là bệnh rất thường gặp. Tại châu Âu căn bệnh này chiếm khoảng 25% dân số. Tại Việt Nam, con số này là 20%, theo một số liệu thống kê.

Chuyên gia trích dẫn một lưu ý của Allergic Rhinitis and Its Impact on Asthma (ARIA) cho thấy, dạng viêm mũi dị ứng nặng, khó điều trị hoặc hỗn hợp đang gia tăng và trở thành gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, xã hội. Thống kê cho thấy, hơn một nửa bệnh nhân dùng nhiều loại thuốc nhưng nhiều người trong số họ cảm thấy không hài lòng với chỉ số triệu chứng.

“Viêm mũi dị ứng được người bệnh xem là bệnh thông thường nên ít khi đi khám, chẩn đoán và điều trị. Thay vào đó, người bệnh thường tự sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị khác như thực phẩm chức năng, trong khi đó các loại thuốc chính thống điều trị hiệu quả thường bị lãng quên. Vì vậy, điều quan trọng là cần có những giải pháp kiểm soát hiệu quả, tối ưu và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh” - PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng chia sẻ trong chương trình.

1. Việt Nam, 80% trường hợp bệnh dị ứng khởi phát trước tuổi 20

Mở đầu bằng bài báo cáo “Quản lý bệnh viêm mũi dị ứng - Từ thách thức đến giải pháp”, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cho thấy một góc nhìn tổng quan về căn bệnh này tại Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới. Tính riêng tại Việt Nam, có khoảng 20% dân số mắc bệnh dị ứng, 80% các trường hợp bắt đầu trước tuổi 20. Tuổi khởi phát trung bình từ 8-11 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khoảng 12-15 tuổi.

Viêm mũi dị ứng cũng là vấn đề sức khỏe cộng đồng báo động tại nhiều quốc gia phát triển. Điển hình như Hoa Kỳ, một thống kê cho thấy, viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến gần 1 trong mỗi 6 người ở quốc gia này và gây ra 2 đến 5 tỷ đô la chi phí y tế trực tiếp hàng năm. Hay tại Ba Lan có khoảng 9 triệu người bị ảnh hưởng bởi các dạng viêm mũi dị ứng khác nhau.

Thách thức lớn nhất của viêm mũi dị ứng không chỉ ở mức độ ảnh hưởng của bệnh, kinh tế mà vấn đề nổi trội nhất chính là dù nhiều xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị được sử dụng để kiểm soát bệnh này, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt đáng kể trong hiệu quả quản lý viêm mũi xoang dị ứng. Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đảm bảo chẩn đoán đúng và kịp thời, đồng thời thực hiện xử trí thích hợp dựa trên các hướng dẫn quốc tế hoặc quốc gia mới nhất.

“Chúng ta sẽ chẩn đoán được viêm mũi dị ứng khi nắm được tiền sử và triệu chứng liên quan với nguyên nhân dị ứng và có các triệu chứng điển hình sau: chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, niêm mạc mũi đổi màu nhợt nhạt, mắt đỏ và chảy nước mắt.

Trong trường hợp bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng về viêm mũi dị ứng không đáp ứng với điều trị hoặc khi chẩn đoán là không chắc chắn, hoặc khi cần có kiến ​​thức về chất gây dị ứng cụ thể để điều trị mục tiêu cần phải giải thích và cho làm xét nghiệm dị ứng.

Khám tầm soát nguyên nhân gây dị ứng kết hợp xét nghiệm dị nguyên là biện pháp giúp phát hiện nhanh nhất để điều trị kịp thời hay có kế hoạch phòng tránh, kiểm soát phù hợp để khắc phục vấn đề dị ứng cho bệnh nhân. Đồng thời, cần ghi nhận các bệnh lý liên quan như hen suyễn, mề đay, viêm da dị ứng, chàm, tắc nghẽn đường thở khi ngủ, viêm kết mạc và viêm tai giữa” - TS.BS Nguyễn Ngọc Minh nói.

Chuyên gia thông tin, hiện có rất nhiều loại thử nghiệm để chẩn đoán dị ứng như test lẩy da, xét nghiệm đồng vị phóng xạ, xét nghiệm máu định lượng các IgE đặc hiệu, test huyết thanh, test tìm thuốc gây dị ứng.

Chương trình đào tạo y khoa liên tục tháng 6/2022 do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức được đánh giá cung cấp nhiều thông tin thú vị, bổ ích

2. Sử dụng Fexofenadine trong điều trị viêm mũi dị ứng, lợi - hại ra sao?

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh đề nghị, khi thầy thuốc biết dị nguyên, nắm được bệnh trạng, tiền sử thì phải hành động ngay, cần lập kế hoạch quản lý viêm mũi dị ứng. Trong đó, cần có bác sĩ phụ trách là chuyên gia tai mũi họng và nhóm quản lý (gồm có bác sĩ y học gia đình và nhi khoa). Ngoài ra, cần phải có phần mềm quản lý gồm hồ sơ án, tiền sử bản thân và gia đình, thử nghiệm chẩn đoán dị ứng, các xét nghiệm nội soi và hình ảnh học.

Hồ sơ điện tử theo dõi diễn biến dị ứng sau điều trị nội khoa (thuốc uống, thuốc xịt, thuốc đặt tại chỗ), thủ thuật, phẫu thuật mỗi đợt điều trị, tái khám mỗi tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, sau 1 năm. Cuối cùng phải có phương tiện liên lạc (email, Zalo, điện thoại) giữa bệnh nhân và thân nhân. “Trong kế hoạch đó, chúng ta sẽ có tổng kết, báo cáo và đánh giá từng giai đoạn” TS.BS Nguyễn Ngọc Minh nói.

Chuyên gia đúc kết kinh nghiệm và các khuyến cáo của nhiều tổ chức trên thế giới, ông cho rằng, điều trị viêm mũi dị ứng nên là hình thức phối hợp, không phải đơn liệu pháp. Đặc biệt là cần kết hợp 4 phương thức cơ bản đồng thời, đó là giáo dục bệnh nhân (ở trẻ em cũng như người chăm sóc của họ), tránh các chất gây dị ứng và kích thích, dược liệu pháp (tất cả các lựa chọn điều trị), liệu pháp miễn dịch dị ứng (tại chỗ, toàn thân, dưới lưỡi hoặc dưới da…).

Trong đó, với dược liệu pháp, hiện có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng, từ kháng viêm corticoid dạng xịt hoặc đặt tại chỗ (dạng uống ít dùng, chỉ sử dụng trong trường hợp nặng), kháng histamine (ưu tiên thế hệ 2), thuốc kháng cholinergic, Cromolyn xịt mũi, thuốc chống co mạch, thuốc kháng leukotriene đến kháng thể đơn dòng (tiến bộ mới nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc viêm da chàm thể tạng cơ địa).

Đối với thuốc kháng histamine, hai chuyên gia tham dự chương trình, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh và BS.CK2 Bạch Thiên Phương - Phó Chủ tịch liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TPHCM đều nhìn nhận và đánh giá cáo thuốc kháng histamine thế hệ 2, đặc biệt là Fexofenadine (Telfor) bởi nhiều ưu điểm, đem lại lợi ích cho người bệnh hơn so với thế hệ 1. Trọng điểm là hiệu quả trên tất cả các triệu chứng tại mắt, nhảy mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, thời gian bán hủy của thuốc dài nên bệnh nhân chỉ cần dùng 1-2 lần/ ngày.

Bài báo cáo “Trao đổi kinh nghiệm trong điều trị Viêm mũi dị ứng bằng Fexofenadin” của BS.CK2 Bạch Thiên Phương nêu rõ, Fexofenadine là một chất chuyển hoá có hoạt tính của terfenadin nhưng không còn độc tính đối với tim do không còn ức chế kênh Kali liên quan đến sự tác cực tế bào cơ tim. Thuốc có tác dụng nhanh và kéo dài, hấp thụ tốt khi dùng đường uống. Tác dụng của thuốc sẽ bắt đầu sau khi uống khoảng 60 phút và đạt được nồng độ đỉnh khoảng 3 - 4 giờ sau khi uống.

Để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của thuốc, chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu trên động vật sử dụng liều Fexofenadine tương đương với 300 lần liều dùng ở người thì không tìm thấy độc tố của Fexofenadine ở tim hoặc gan. Điều này cho thấy, Fexofenadine không có độc tính.

Trong một nghiên cứu khác trên nhóm người từ 12 - 65 tuổi sử dụng Fexofenadine liều 240mg 2 lần/ngày, sau 12 tháng người ta thấy rằng Fexofenadine vẫn an toàn. Một nghiên cứu khác tại Mỹ năm 2003, các tác giả khuyến cáo có thể dùng Fexofenadine trong trường hợp cần thiết đối với những người lái xe, vận hành máy móc, nhân viên hàng không, tuy nhiên cần phải có sự giám sát chặt chẽ về liều lượng và cách sử dụng.

Vì vậy, BS.CK2 Bạch Thiên Phương cho rằng: “Do thuốc ít gây buồn ngủ, không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nên sử dụng rất an toàn. Khi dùng trong một thời gian dài, thuốc cũng tác dụng rất tốt và không gây ra những hậu quả đối với cơ thể con người. Fexofenadine là một trong những loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 được FDA chỉ định dùng cho trẻ em > 6 tháng”.

Khuyến cáo của Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ về sử dụng thuốc kháng histamin đường uống năm 2014 cũng nhấn mạnh, các bác sĩ lâm sàng nên lựa chọn thuốc kháng histamin đường uống ít gây buồn ngủ cho bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là hắt hơi và ngứa mũi.

“Các nghiên cứu khi so sánh Fexofenadine với các sản phẩm thuộc nhóm kháng histamin H1 thế hệ 2, kết quả ghi nhận, Fexofenadine có hiệu quả hơn Loratadine trong việc giảm các triệu chứng về ngứa mắt hoặc nghẹt mũi. So với Cetirizine, hiệu quả của Fexofenadine tương đồng nhưng có thể làm giảm mức độ lơ mơ và chóng mặt đối ở nhiều bệnh hơn so với dùng Cetirizine” - BS.CK2 Bạch Thiên Phương nhấn mạnh.

Trước các nghiên cứu chứng minh và thực tiễn lâm sàng trong điều trị, hai chuyên gia khuyến nghị, Fexofenadine là một loại thuốc an toàn, không gây tác dụng an thần, hiệu quả nhanh, kéo dài, được ưu tiên lựa chọn để điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng ở bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên. Các bệnh lý viêm mũi dị ứng theo mùa sẽ giảm sau 2 tuần, viêm mũi dị ứng quanh năm sẽ giảm sau 4 tuần khi dùng Fexofenadine.

“Trong đó, liều dùng Fexofenadine đối với bệnh lý viêm mũi dị ứng, người trên 12 tuổi dùng 60mg x 2 lần/ngày hoặc 180mg x 1 lần/ngày (có thể tăng tới 240mg x 2 lần/ngày). Trẻ từ 2-12 tuổi, dùng 30mg x 2 lần/ ngày” - BS.CK2 Bạch Thiên Phương hướng dẫn.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh nói thêm, thuốc kháng dị ứng thế hệ thứ 2 Fexofenadine, điển hình như viên uống Telfor (DHG Pharma) có nhiều liều lượng 60mg, 120mg và 180mg nên dễ lựa chọn, đồng thời tính hiệu quả, an toàn đã được chứng minh. Thuốc được chỉ định trong tất cả các thể bệnh viêm mũi dị ứng ở mọi giai đoạn và mọi mức độ bệnh, có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng khác.

Bên cạnh việc điều trị, các chuyên gia tham dự chương trình đều đồng tình với ý kiến, phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng cũng rất quan trọng. Muốn phòng bệnh viêm mũi dị ứng có hiệu quả, tốt nhất là tránh các dị nguyên gây bệnh, tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất… Về ăn uống, cần tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như: nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ...

Đối với người cao tuổi cũng không nên chủ quan phơi trần ra gió mưa rét ướt. Đồng thời cũng không nên sống theo kiểu kiêng khem quá làm cho cơ thể yếu đuối, kém sức chịu đựng với mọi thay đổi của thời tiết. Bệnh nhân cần rèn luyện thân thể bằng việc tập thể dục thể thao vừa sức thường xuyên cũng là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả tốt.

DHG Pharma đồng hành cùng chương trình đào tạo y khoa liên tục do Liên chi hội Tai Mũi Họng tổ chức. AloBacsi là đơn vị thực hiện chương trình.

Chương trình đào tạo y khoa liên tục kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, trong đó, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thú vị xung quanh các vấn đề như: chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả trong trường hợp có bệnh lý đi kèm và thường xuyên tái phát; điều trị viêm mũi dị ứng trên phụ nữ mang thai; tính hiệu quả của Fexofenadin có thay đổi giữa những thể bệnh của viêm mũi dị ứng; người cao tuổi, bệnh nhân gan, thận có cần giảm liều histamine... Để theo dõi đầy đủ nội dung chương trình, mời quý bác sĩ, dược sĩ truy cập TẠI ĐÂY.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X