Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao trẻ cần tiêm vaccine cúm mùa mỗi năm, nên chọn loại nào để ít tác dụng phụ?

Những thắc mắc xung quanh bệnh cúm mùa và vaccine phòng ngừa cúm mùa, đặc biệt là vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị đã được BS Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 và TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược giải đáp trong bài viết sau.

1. Làm sao nhận diện được cúm mùa ở trẻ em?

Một số tỉnh thành bước vào mùa mưa sớm, thời tiết giao mùa khiến các mầm bệnh cơ hội phát triển và tấn công trẻ em, trong đó có virus gây bệnh cúm mùa. Vậy thưa bác sĩ cúm mùa là gì và ảnh hưởng của cúm mùa đến sức khỏe của trẻ em như thế nào?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Cúm mùa là một trong những bệnh lây qua đường hô hấp do siêu vi cúm gây nên. Triệu chứng của cúm mùa phần lớn đều liên quan đến đường hô hấp như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, đặc biệt là dấu hiệu đau mỏi cơ, nhức đầu, mệt mỏi rất thường gặp. Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, tiêu lỏng.

Cúm cũng là một trong những tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp thường gặp ở trẻ em. Do đó, khi chuyển mùa, bệnh cúm sẽ xảy ra nhiều hơn. Thời gian gần đây, tại các bệnh viện Nhi đồng hoặc phòng khám Nhi số lượng trẻ đến khám tăng đột ngột, thậm chí là tăng gấp đôi so với ngày thường do những bệnh đường hô hấp gây nên.

Cúm mùa là vấn đề sức khỏe được các bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới

Triệu chứng trùng lắp giữa cúm mùa và COVID-19, làm sao phân biệt, thưa BS?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Cúm mùa và COVID-19 đều là tác nhân virus, gây bệnh ở đường hô hấp. Triệu chứng của cúm và COVID-19 có sự giống nhau, tuy nhiên nếu quan sát kỹ vẫn nhận thấy những dấu hiệu khác nhau.

Song, COVID-19 lại có nhiều biến thể. Đối với biến thể xuất hiện trước đây như Delta, các triệu chứng đặc hiệu có thể nhận thấy đó là mất mùi vị, mất khứu giác, sưng phù vùng mắt. Đối với biến thể Omicron xuất hiện gần đây, các triệu chứng ít hơn, chỉ còn một số trường hợp mất khứu giác, riêng đối với mất vị giác hầu như không thấy nữa.

Nếu các bậc phụ huynh quan sát kỹ sẽ thấy có một số triệu chứng giúp nhận diện giữa cúm và COVID-19. Đối với cúm mùa, sốt, ho, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi nhiều hơn. Đối với COVID-19 biến thể Omicron, qua các khảo sát và nghiên cứu thấy rằng triệu chứng khu trú, tập trung nhiều ở vùng hầu họng, vì vậy dấu hiệu ngứa họng, đau họng nhiều hơn và đặc biệt là đổ mồ hôi về đêm. Trong khi đó, trẻ mắc cúm không có dấu hiệu đổ mồ hôi về đêm.

2. Trẻ nào dễ gặp biến chứng khi mắc cúm mùa?

Cúm mùa ở trẻ em dường như chưa được quan tâm đúng mức, nhiều người cho rằng tình trạng này như “cảm xoàng, cảm vặt” thông thường. Xin hỏi BS, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng gì và những trẻ nào có nguy cơ bị biến chứng do cúm nhiều hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cúm mùa là đến mùa sẽ có bệnh. Một thời gian dài chúng ta không làm xét nghiệm vì vậy không biết được mức độ cúm thực tế ở trẻ em như thế nào. Tuy nhiên, một số trẻ bị viêm phổi nặng, khi xét nghiệm cũng phát hiện ra cúm A hoặc B.

Quan điểm cúm như “cảm xoàng, cảm vặt” ăn sâu vào thói quen của người dân. Nhưng khi chúng ta phát triển, cần tìm hiểu các nguyên nhân, lý do trẻ trở nặng khi mắc bệnh đường hô hấp, lúc này Việt Nam mới bàn đến virus cúm mùa lưu hành ra sao. Tương tự như thế giới nhưng ở Việt Nam, cúm mùa xảy ra quanh năm, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa (nóng sang lạnh, hoặc nắng sang mưa) số ca sẽ nhiều hơn.

Gánh nặng của cúm mùa với trẻ em tùy thuộc vào lứa tuổi. Nếu trẻ dưới 5 tuổi, nguy cơ trở nặng cao hơn. Trẻ càng nhỏ càng dễ trở nặng. Ngoài ra, trẻ có bệnh nền (đặc biệt bệnh nền liên quan đến hô hấp như hen suyễn…), hoặc bệnh lý bẩm sinh làm đường hô hấp kém đi cũng dễ bị viêm phổi nặng do cúm. Với những trẻ bị hen suyễn, sau đợt cảm cúm sẽ làm tăng khả năng kích ứng đợt kịch phát của suyễn. Hoặc chính đợt cúm mùa làm hệ miễn dịch suy yếu, sau đó bội nhiễm vi khuẩn khác.

BS Trương Hữu Khanh cho biết, vaccine cúm mùa đóng vai trò quan trọng giúp trẻ chủ động phòng ngừa trước cúm mùa và lưu ý mỗi năm cần tiêm nhắc lại

3. Khả năng đồng mắc cúm mùa và các bệnh đường hô hấp khi “bình thường mới” ra sao?

Thời tiết giao mùa, đặc biệt trong bối cảnh trẻ em đã quay trở lại trường học, cũng như các trẻ lớn chuẩn bị bước vào các kì thi cuối năm, hoặc chuyển cấp, dấy lên mối lo ngại bệnh chồng bệnh trong giai đoạn bình thường mới.

Trên thực tế, trẻ có khả năng mắc cùng lúc cúm mùa và các bệnh đường hô hấp khác chẳng hạn như COVID-19 hay không? Nếu có thì có làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ hay không?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, đặc biệt là khi tuân thủ theo quy định giãn cách, mọi người ở nhà, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em, nhất là những bệnh lây lan qua đường hô hấp giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn bình thường mới, trẻ bắt đầu đi học, dự đoán sẽ có sự bùng phát các bệnh lây lan qua đường hô hấp, trong đó có dịch bệnh do cúm mùa.

Do đó, để bảo vệ tránh khỏi những tác nhân nguy hiểm như cúm mùa, các bậc phụ huynh nên tiêm phòng cho trẻ. Bởi đối với trẻ, lứa tuổi dễ mắc bệnh cúm là từ 5-9 tuổi. Thực tế, với lứa tuổi này, những thói quen để phòng bệnh rất khó thực hiện. Với trẻ lớn hơn, ý thức tự bảo vệ và khả năng thực hiện sẽ tốt hơn. Vì vậy, ngoài việc tiêm ngừa COVID-19 như hướng dẫn thì các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ tiêm các vaccine khác, trong đó có vaccine ngừa cúm mùa.

4. Những dấu hiệu nào cảnh báo trẻ mắc cúm mùa cần đi bệnh viện ngay?

Dịch bệnh còn phức tạp, nhiều người có tâm lý chần chừ, đến khi nặng hơn mới đưa con đến bệnh viện, điều này có thể dẫn đến các biến chứng đáng tiếc. Xin hỏi BS, khi nào cúm mùa có thể điều trị, theo dõi tại nhà và khi nào cần đưa con đến bệnh viện ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều kiện, tiêu chuẩn để chăm sóc trẻ mắc cúm mùa tại nhà hay đưa đến bệnh viện cũng tương tự như những bệnh lý đường hô hấp trên và dưới khác. Khi trẻ mắc cúm, nếu có những triệu chứng sau, các bậc phụ huynh nên đưa đi khám:

- Sốt cao trên 48 tiếng, đặc biệt là sốt khó hạ.

- Theo dõi nhịp thở tùy theo lứa tuổi để phát hiện thở nhanh hoặc thở co lõm lồng ngực (khi trẻ hít vào lồng ngực lõm xuống thay vì nở ra như bình thường).

- Trẻ tím tái, khó thở.

- Trẻ co giật.

5. Phòng ngừa cúm mùa cho trẻ, cha mẹ cần làm gì?

Để phòng ngừa cúm mùa, giải pháp nào chủ động và an toàn các bậc phụ huynh có thể áp dụng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phòng ngừa cúm cũng tương tự như những bệnh lý đường hô hấp khác.

- Thứ nhất là khẩu trang, rửa tay. Virus cúm là virus cơ bản nên chúng ta không thể xem là bệnh mới nhóm A để cách ly, rửa tay, khẩu trang nghiêm ngặt. Do đó, yếu tố cách ly hoàn toàn là không có. Hơn nữa, với trẻ em thì việc tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay cũng rất khó thực hiện.

- Thứ hai là nâng cao sức đề kháng bằng cách ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, uống đủ nước và vận động, tập luyện. Những yếu tố này hằng định cho tất cả những việc cần tăng sức đề kháng, không riêng gì cúm mùa.

- Thứ ba là vaccine.

Trong đó, vaccine là biện pháp phòng ngừa chủ động trước cúm mùa. Những giải pháp khác là thụ động, chỉ giải quyết tức thời khi xung quanh có nhiều người bệnh. Như vậy, về lâu dài vẫn là bài toán của vaccine.

6. Tiêm ngừa cúm mùa mang lại lợi ích gì cho trẻ?

BS có thể chia sẻ cụ thể để khán thính giả hiểu rõ hơn, vaccine cúm đóng vai trò như thế nào trong việc phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ em? Việc tiêm phòng cúm trong bối cảnh “bình thường mới” mang lại lợi ích gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Với các nước nhiệt đới hoặc các quốc gia khả năng kinh tế kém, vaccine cúm còn ít được bàn luận đến. Nhưng thực sự với các nước ôn đới, các nước tiên tiến, vaccine cúm gần như được bàn luận mỗi năm, và đặc biệt khuyến khích các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người lớn tuổi phải chích cúm mỗi năm. Thậm chí, những đợt cúm xuất hiện nhiều còn bị thiếu vaccine để tiêm ngừa cho người lớn.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, vaccine cúm cũng được nhắc đến nhiều hơn. Như vậy, vaccine cúm có thể tiêm ngừa bất kỳ lúc nào, trong mọi lứa tuổi (miễn là trên 6 tháng tuổi). Ngoài ra, cần nhớ rằng, vaccine cúm chỉ có hiệu lực trong 1 năm. Bởi vì năm sau sẽ có chủng cúm khác, lúc đó chúng ta không có miễn dịch đủ nên phải tiêm nhắc lại hằng năm.

Tùy thuộc vào hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các chủng cúm có thể xuất hiện để sản xuất vaccine. Do vậy, việc tiêm vaccine cúm mỗi năm là cần thiết, đặc biệt là đối tượng nguy cơ.

- Ngay sau khi tiêm, vaccine có bảo vệ ngay lập tức được hay không thưa BS?

Không có loại vaccine nào có thể sản xuất miễn dịch ngay lập tức sau khi tiêm. Thông thường, sau khoảng 10 ngày, cơ thể bắt đầu “rục rịch” có kháng thể. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của vaccine hoàn hảo nhất là sau 2-4 tuần. Đặc biệt là những vaccine tiêm nhiều mũi. Vaccine cúm mùa cũng tuân theo quy luật này.

7. Tại Việt Nam có bao nhiêu vaccine phòng cúm mùa cho trẻ em?

Tại Việt Nam có những loại vaccine phòng ngừa cúm nào dành cho trẻ em, thưa BS?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Hiện ở Việt Nam có 2 loại vaccine cúm, đó là vaccine cúm tam giá và vaccine cúm tứ giá. Trong đó, vaccine cúm tam giá có 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và có thêm 1 chủng cúm B (có thể là Victoria hoặc Yamagata). Vaccine cúm tứ giá, ngoài 2 chủng cúm A sẽ có thêm 2 chủng cúm B, bao gồm cả Victoria hoặc Yamagata.

TS.BS Nguyễn Huy Luân, vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị chứng minh được hiệu quả, ít tác dụng phụ, ít đau hơn nên phù hợp tiêm ngừa cho trẻ em

8. Vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị là gì, ưu điểm ra sao?

Hiện nay, trên thị trường đã có vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị. Xin BS giải thích rõ hơn, vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị là gì, có gì khác biệt so với các loại vaccine khác? Loại vaccine này mang lại những lợi ích gì cho người tiêm, đặc biệt là trẻ em ạ?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Khi nói về các loại vaccine cúm phải nói về công nghệ chế tạo. Trong công nghệ chế tạo, khi tạo ra kháng nguyên để làm vaccine thì có ba cách:

- Thứ nhất là lấy nguyên toàn bộ virus cúm, hay còn gọi là virus cúm dạng toàn thành phần để tạo thành vaccine.

- Thứ hai là phân tách virus cúm thành những mảnh nhỏ. Sau đó dùng những mảnh nhỏ này để tạo thành vaccine.

- Thứ ba là từ những mảnh nhỏ tiếp tục phân tách để chọn lọc những thành phần rất nhỏ gọi là protein kháng nguyên, đặc trưng cho virus cúm.

Vaccine tiểu đơn vị là vaccine ứng dụng phương pháp thứ ba, đòi hỏi công nghệ cao hơn. Khi chúng ta sử dụng những thành phần nhỏ ở dạng protein để tạo ra kháng thể bảo vệ sẽ làm cho khả năng dung nạp của vaccine cao hơn, ít gây ra phản ứng dị ứng khi tiêm, đặc biệt là ít đau - đây là lợi ích thích hợp với trẻ nhỏ, giúp trẻ đỡ quấy hơn sau khi tiêm, điều này đồng thời sẽ giúp trẻ ăn uống tốt hơn. Đây là những lợi ích vaccine cúm tiểu đơn vị mang lại.

9. Trẻ em có cần tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần?

Người lớn phải tiêm ngừa vaccine cúm mỗi năm một lần. Vậy với trẻ em thì sao, thưa BS? Vì sao chúng ta phải tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không chỉ người lớn mới cần tiêm nhắc vaccine cúm hằng năm, mà ngay cả trẻ em và tất cả những người khác cũng như vậy. Sở dĩ cần tiêm nhắc lại vaccine cúm là bởi mỗi năm sẽ có chủng cúm nổi trội được lựa chọn để sản xuất vaccine. Năm nay có thể là chủng cúm này, nhưng năm sau có khả năng sẽ là chủng cúm khác.

Chúng ta biết rằng có 4 chủng virus cúm trong vaccine tứ giá, trong đó có thể sẽ có một (hoặc hai) thành phần giống với năm trước, nhưng các thành phần còn lại sẽ khác. Như vậy, mỗi năm sẽ cần sản xuất ra một vaccine cúm mới để phù hợp với 4 chủng cúm muốn phòng ngừa. Đó là lý do vì sao vaccine cúm cần phải tiêm mỗi năm.

10. Trẻ tiêm nhiều loại vaccine cùng lúc, có an toàn?

Trẻ em phải tiêm nhiều loại vaccine khác nhau. Vậy, các loại vaccine cần cách nhau bao lâu thì an toàn, thưa BS?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Khoảng cách giữa các loại vaccine còn tùy thuộc vào việc đó là vaccine bất hoạt hay vaccine dạng sống giảm độc lực. Về nguyên tắc, khi tiêm cùng một ngày, các vaccine có thể tiêm cùng một lúc. Ví dụ, hai vaccine sống giảm độc lực có thể tiêm cùng một lúc; hoặc một vaccine sống giảm độc lực có thể tiêm cùng lúc với vaccine bất hoạt.

Tuy nhiên, nếu khi tiêm khoảng cách cách rời (nghĩa là không tiêm cùng một ngày) sẽ có sự khác nhau. Đối với vaccine bất hoạt có thể linh hoạt khi tiêm, ví dụ hôm nay tiêm, vài ngày sau hoặc vài tuần sau có thể tiếp tục tiêm. Riêng đối với vaccine sống giảm độc lực, nếu không tiêm cùng ngày thì khoảng cách giữa hai liều vaccine sống giảm độc lực phải là 4 tuần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X