Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao trẻ biếng ăn? Giải pháp giúp trẻ ăn ngon miệng?

ThS.BS Hoàng Phương Anh giải thích hiện tượng trẻ biếng ăn, nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và cách đối phó với tình trạng này.

AloBacsi xin giới thiệu nội dung chia sẻ “Biếng ăn ở trẻ” do ThS.BS Hoàng Phương Anh - Giảng viên Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) trình bày nhằm đáp ứng sự quan tâm của các bậc phụ huynh về vấn đề ăn uống của con em mình.

Cho đến nay, chưa có định nghĩa thống nhất về “biếng ăn”. Có thể hiểu nôm na rằng “biếng ăn” ở trẻ là 1 thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ, là một tình trạng rất phổ biến của trẻ trong độ tuổi từ 1- 6 tuổi. Trẻ biếng ăn khi không chịu ăn hoặc ăn ít, ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Các hành vi của trẻ như trẻ khóc, chạy trốn khi chuẩn bị đến bữa ăn, giả bệnh, kêu no để tránh ăn; hay đòi đổi thức ăn khác, chê mọi thức ăn đều dở, không ăn được; ưỡn người, thu người né tránh, nằm vạ; tránh né hoạt động ăn bằng cách lấy lý do đang tham gia hoạt động khác (đang chơi, đòi xem tivi,...) là những biểu hiện “biếng ăn”, luôn khiến các bậc phụ huynh đau đầu.

I. Nhận biết trẻ biếng ăn

Phụ huynh có thể nhận biết được con mình có phải đang trong giai đoạn “biếng ăn” hay không qua các biểu hiện thường gặp như tránh né, chống đối, ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt; phun thức ăn, cố tình làm đổ đồ ăn; tỏ vẻ hung hăng, đánh người cho ăn,...

Ngoài ra, biểu hiện của biếng ăn từ phản ứng sinh lý như hay buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn hoặc nôn khi ăn, đau bụng khi nhìn thấy thức ăn; trẻ khó nuốt hay ho, sặc thức ăn. Biếng ăn sinh lý xảy ra song song với các giai đoạn phát triển thể chất của trẻ. Chẳng hạn, khi chuyển từ lẫy sang bò, mọc răng, học đi, học nói… Hầu hết trẻ đều có một giai đoạn biếng ăn. Biếng ăn dạng này thường vô hại, tuy nhiên nếu cha mẹ không để ý, nó dễ dẫn tới biếng ăn tâm lý.

Theo ThS.BS Hoàng Phương Anh, cách dễ nhận biết trẻ biếng ăn, trẻ sẽ ăn ít hơn so với bình thường, thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài từ 30 phút trở lên. Chỉ một số loại thức ăn nhất định hoặc không ăn tất cả các loại thức ăn. Tất cả những biểu hiện trên phải ở trên nền kém phát triển thể chất.

Biếng ăn được chia thành 3 giai đoạn:

Nhẹ : chưa ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Trung bình: đã ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Nặng: ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng và/ hoặc có vấn đề y khoa nghiêm trọng.

II. Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, bao gồm một số nguyên nhân như sau:

- Biếng ăn do tâm lý (thường gặp nhất): thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi, bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó hoặc bị đánh lừa.

- Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn: ăn dặm hay ăn cơm quá sớm.

- Biếng ăn do bệnh lý: Suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, bệnh lý răng miệng, loạn khuẩn đường ruột,...

- Biếng ăn sinh lý. Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn uống ít đi trong vài ngày- vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với những lúc bé biết lật, ngồi, đứng, đi,...

- Biếng ăn do thuốc: kháng sinh làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, dùng quá nhiều vitamin,...

- Biếng ăn “của cha mẹ”. Quá lo lắng về tăng trưởng của con, thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa, nghĩ trẻ biếng ăn mặc dù vẫn tăng cân, chiều cao tốt.

- Biếng ăn do một số nguyên nhân khác. Ít gặp như sau tiêm chủng, sau chấn thương như té ngã,...

- Biếng ăn do bẩm sinh. Có khoảng dưới 5% sinh ra chỉ ngủ, chơi, không bao giờ đòi bú.

- Nếu bị ép ăn, ép bú, dù ở mức độ nhẹ nhàng cũng làm trẻ mất nhu cầu ăn, trở nên thụ động hay chống đối, mất niềm tin vào người cho ăn.

- Ép ăn kèm hăm dọa hay bạo lực sẽ gây cho trẻ sợ hãi, đau khổ, stress kéo dài dẫn đến ức chế phát triển và rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, nguyên nhân của biếng ăn bắt nguồn từ các bệnh thực thể như bệnh cấp tính vùng miệng, họng, sâu răng, nấm lưỡi,... Bệnh lý đường hô hấp, tiêu hoá, nhiễm giun sán… Khẩu phần ăn thiếu cân đối hoặc ăn dặm quá sớm. Hay lượng và dạng thức ăn không phù hợp.

Bên cạnh đó, thói quen cho trẻ ăn của cha mẹ cũng tác động đến tình trạng biếng ăn ở trẻ như các món ăn không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn hay nguyên liệu nấu ăn với tần suất quá dày. Giờ giấc ăn không cố định hoặc ăn nhiều quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn dẫn đến tình trạng trẻ không bao giờ cảm thấy đói. Hay cho trẻ xem tivi, chơi điện tử,... trong khi ăn khiến bé không tập trung khi ăn, ăn lâu, gây hiện tượng ngang bụng, trẻ không muốn ăn dù chưa ăn được nhiều.

III. Hậu quả của biếng ăn

- Rối loạn tăng trưởng: Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày càng tăng. Khi biếng ăn, nguồn dưỡng chất mà bé nạp vào mỗi ngày không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trẻ sẽ không có cơ hội hấp thu đủ các vi chất quan trọng mà cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu lại có thể gây ra tác hại vô cùng lớn như: thiếu vitamin A khiến khô mắt, khô giác mạc có thể dẫn đến mù lòa; thiếu vitamin B1 có thể gây tê phù; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin D, canxi gây bệnh còi xương.

- Lượng hồng cầu trong máu giảm, gây nên tình trạng thiếu máu ở trẻ.

- Suy giảm sức đề kháng: Khi trẻ ăn không đủ khẩu phần thì cơ thể không cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu tạo nên kháng thể giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó các chứng bệnh dễ dàng tấn công và trẻ hay bị ốm vặt. Đặc biệt là những bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp, viêm phổi, táo bón,… hệ lụy lại làm trẻ càng ngày càng biếng ăn hơn.

- Suy giảm phát triển não.

- Suy dinh dưỡng.

Trong đó, trẻ biếng ăn sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý. Do trẻ biếng ăn thường không đủ dinh dưỡng và thiếu cân bằng dưỡng chất trong cơ thể, điều đó khiến cho trẻ hay mệt mỏi, thiếu tập trung. Vì vậy thường lơ là chuyện học tập và thành tích học tập xấu.

Trẻ biếng ăn không có đủ dinh dưỡng thường không thích vận động do mệt mỏi, bé thường ủ rũ và không thiết chơi đùa. Điều đó dẫn đến việc hình thành sự chậm chạp, thiếu tự tin ở trẻ. Hành vi ép ăn, doạ nạt khi trẻ biếng ăn của cha mẹ lâu dài cũng có thể gây ra các rối loạn tâm lý ở trẻ như lo âu, trầm cảm...

Ta có thể hình dung vòng tuần hoàn của một trẻ biếng ăn, từ trẻ có những hành vi của biếng ăn, dẫn đến kém hấp thu, thiếu hụt dinh dưỡng và năng lượng. Từ đó, sinh ra nguy cơ bị suy dinh dưỡng, giảm khả năng đề kháng và dẫn đến bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến biếng ăn tâm lý do sự nuông chiều, quan tâm quá mức đến chuyện ăn uống của con khiến trẻ có tư tưởng không muốn ăn, sử dụng chuyện ăn uống để đạt được mục đích của trẻ. Hoặc liên tục ép, giục con phải ăn hay thậm chí quát mắng, đe dọa con, khi đó, cha mẹ đã vô tình tạo nên áp lực tâm lý cho bé, khiến trẻ sợ hãi và muốn trốn tránh khi nhắc đến bữa ăn. Trẻ bị thay đổi môi trường đột ngột, bị thay đổi người chăm sóc, có cảm giác bị bỏ rơi, cha mẹ thờ ơ, mâu thuẫn gia đình,...

IV. Quan niệm sai lầm dẫn đến việc trẻ biếng ăn

- Chất đạm là thức ăn rất bổ, rất cần thiết nên cung cấp quá nhiều, dẫn đến trẻ bị khó tiêu hóa khiến trẻ gầy và lên cân không tốt.

- Trong xương có rất nhiều canxi nên hầm xương cho trẻ ăn liên tục, dẫn đến trẻ chán ăn. Đặc biệt, chất đạm không tan trong nước, nếu trẻ ăn lâu ngày sẽ dễ bị thiếu chất đạm.

Thực tế nhu cầu cần cung cấp chất béo cho trẻ rất cao, cao hơn ở người lớn. Vì thế, nên chọn chất béo phù hợp với lứa tuổi và cung cấp đầy đủ giúp trẻ phát triển tốt.

- Trẻ mập mạp mới khoẻ mạnh.

alobacsi giải pháp cho trẻ biếng ănKhuyến khích trẻ tham gia vào bữa ăn, khen ngợi trẻ... sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn

V. Một số quy tắc phụ huynh nên lưu ý giúp trẻ ăn ngon miệng

- Tập trung vào bữa ăn.

- Giới hạn bữa ăn: 20-30 phút.

- Thức ăn phù hợp: tuổi, tâm lý, thời tiết

- Giới thiệu món ăn mới một cách hệ thống, kiên trì

+ Thay thế thức ăn trong cùng nhóm.

+ Thực đơn đa dạng và trang trí đẹp mắt.

- Thái độ: khuyến khích trẻ tham gia vào bữa ăn, khen ngợi, không la mắng, hù doạ, nịnh nọt trẻ.

- Không ăn vặt trước bữa ăn chính.

VI. Giải pháp đối với trẻ biếng ăn nhẹ

Nếu trẻ đang có bệnh lý thực thể: cần điều trị cho khỏi bệnh.

Nếu biếng ăn do sinh lý, cha mẹ cần quan sát để nhận ra đây là biếng ăn sinh lý và kiên nhẫn chờ đợi…

Nếu biếng ăn do tâm lý: trước tiên cha mẹ, người chăm sóc cần phải hiểu rằng: Vòng tuần hoàn tâm lý khi trẻ muốn được ăn, gồm Trẻ đòi ăn- Trẻ chủ động- Thức ăn phù hợp với lứa tuổi- Không khí bữa ăn vui vẻ- Trẻ vui thích- Được ngừng ăn khi trẻ đã no.

Mỗi trẻ có nhu cầu ăn với số lượng và khẩu vị khác nhau, không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào vì thế không có công thức chung. Vì thế, hãy hiểu những nhu cầu và tâm lý của trẻ để chọn ra được phương thức phù hợp nhất, giải quyết được tình trạng biếng ăn ở trẻ. Nếu thực hiện những phương pháp trên nhưng trẻ vẫn còn những hành vi biếng ăn, hãy đưa trẻ đến các trung tâm dinh dưỡng để thăm khám và được điều trị kịp thời.

Minh Khuê (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X