Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao phải theo dõi liên tục bộ gen của SARS-CoV-2 và virus cúm?

Virus cúm biến thể, mỗi năm nó thay đổi khiến chúng ta phải chích ngừa lại. Các virus HIV, virus viêm gan cũng có hiện tượng này khiến cho việc chế tạo vắc xin chưa thành công. Vậy còn virus SARS-CoV-2 thì sao?

Tiếp theo phần trước: Virus SARS-CoV-2 biến đổi như thế nào? Hiện nay có mấy biến thể, biến chủng?

Virus cúm mỗi năm thay đổi khiến chúng ta phải chích ngừa lại, như vậy có phải virus cúm biến thể không?

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM:

Đúng như vậy. Như đã nói, virus cúm tức là influenza virus có bộ gen là RNA nên trong quá trình nhân bản để tăng sinh và lây lan thì có nhiều sai sót làm cho bộ gen của chúng bị biến đổi với tốc độ nhanh hơn gấp đôi SARS-COV-2. Sự thay đổi bộ gen của virus cúm đã làm cho virus cúm bị biến thể với hậu quả làm cho kháng nguyên (antigen) của virus cúm cũng bị thay đổi. Sự thay đổi bộ gen của virus cúm xãy ra dần theo thời gian và như vậy là kháng nguyên của virus cúm cũng bị thay đổi dần.

Nếu lấy mốc là mỗi năm thì người ta thấy kháng nguyên của virus cúm năm sau có khác chút ít so với năm trước. Sự thay đổi này làm cho những người mắc cúm năm ngoái hay đã chích ngừa cúm năm ngoái lại có kháng thể không bảo vệ hoàn toàn để khỏi mắc cúm năm này. Do vậy mà phải chích ngừa cúm mỗi năm bằng vaccin cúm chế từ các chủng cúm đã có kháng nguyên khác biệt một ít so với chủng năm trước.

Cũng nói thêm là virus cúm có 2 kiểu biến thể. Một kiểu biến thể dần dần mà người ta gọi là chuyển dịch kháng nguyên (antigenic drift), là kiểu biến thể làm cho kháng nguyên năm sau của virus cúm có khác biệt chút ít với năm trước, nhưng người đã mắc cúm hay đã chủng ngừa vẫn còn miễn dịch một phần nên nếu có nhiễm cúm thì chỉ bị cúm nhẹ mà thôi.

Như vậy, sự chuyển dịch kháng nguyên của virus cúm làm cho cúm vẫn xãy ra hàng năm mà chúng ta gọi là cúm mùa chứ không có đại dịch. Một kiểu biến thể thử hai của virus cúm mà chúng ta gọi là chuyển đổi kháng nguyên (antigenic shift) là kiểu biến thể làm cho virus cúm có sự thay đổi lớn trong bộ gen và như vậy là virus sẽ có sự khác biệt hẳn về kháng nguyên.

Nguyên nhân của chuyển đổi kháng nguyên thường là do sự tái tổ hợp gen của virus cúm đang lưu hành với một virus cúm ở một vật chủ khác… Hậu quả là virus cúm mới này sẽ gây đại dịch với số người mắc rất nhiều và tỷ lệ tử vong rất cao vì đại đa số loài người vào thời điểm đó không có kháng thể chống được biến thể này.

Trong lịch sử loài người chúng ta đã từng có những đại dịch cúm xảy ra như như vậy, đó là đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919 gây ra do virus cúm người tái tổ hợp với cúm từ chim tạo ra biến chủng mới H1N1 làm trên 1/3 dân số toàn cầu nhiễm cúm và 40M-50M tử vong; đại dịch cúm châu Á 1957-1958 gây ra do biến chủng H2N2 với 1M đến 1.5M tử vong; Đại dịch cúm 1968 gây ra do biến chủng H3N2 với cũng trên 1M người chết.

Sở dĩ tỷ lệ tử vong trong các đại dịch cúm cao là vì virus cúm khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phát triển rất nhanh vì không có miễn dịch đặc hiệu là các kháng thể để chống lại và cơ thể lại huy động quá mức các đáp ứng không đặc hiệu để kháng lại tác nhân xâm nhập này nên đã tạo ra cơn bão cytokine tàn phá các cơ quan của cơ thể.

Trong lịch sử đã có những bệnh gì xảy ra tình trạng virus biến thể? Và con người đã đối phó như thế nào?

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM:

Như đã trình bày, virus cúm là virus tiêu biểu nhất có những biến thể và làm cho loài người chúng ta không thể quét sạch cúm ra khỏi địa cầu bằng chủng ngừa như chúng ta đã làm với virus đậu mùa hay virus sốt vàng. Với virus cúm thì loài người phải đối phó lại sự biến thể của chúng bằng cách theo dõi các biến thể trên bộ gen của virus dẫn đến sự biến đổi kháng nguyên như thế nào để thay đổi vaccin phù hợp hàng năm.

Không chỉ vậy, Tổ chức Y tế thế giới cũng luôn đặt tình trạng cảnh giác cao độ để phát hiện sớm sự xuất hiện các biến chủng có chuyển đổi kháng nguyên để tiên đoán đại dịch mà có thể ứng phó kịp thời bằng vaccin kịp thời cũng như bằng các biện pháp cô lập nguồn lây để tránh lây lan. Nhờ có các biện pháp như vậy nên vào năm 2009 loài người đã kịp phát hiện dịch cúm H1N1 được gọi là cúm heo nhưng cũng may là  biến chủng này chưa gây thành đại dịch nhờ sự chuyển dịch kháng nguyên chưa đủ lớn để thành biến chủng mới hoàn toàn.

Ngoài cúm, cũng có những virus khác có những biến thể giúp chúng trốn thoát được miễn dịch bảo vệ của cơ thể như virus HIV, virus HCV và đó chính là lý do mà cho đến hôm nay chúng ta chưa thể thành công trong việc chế được vaccin ngừa HIV hay HCV. Virus HIV còn có những biến thể giúp chúng kháng lại được các thuốc kháng HIV mà bệnh nhân đang sử dụng để điều trị qua áp lực chọn lọc mà thuốc tạo ra.

Virus viêm gan B (HBV) cũng phát triển các biến thể kháng thuốc trong khi điều trị cũng qua cơ chế của áp lực chọn lọc. Để đối phó với tình trạng virus kháng thuốc thì việc theo dõi hiệu quả điều trị để sớm phát hiện các đột biến kháng thuốc nhờ đó mà thay đổi thuốc cho kịp thời cũng như sử dụng nhiều thuốc kháng virus cùng một lúc để làm cho virus giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc chính là những giải pháp mà hiện nay chúng ta đang sử dụng.

Theo BS dự đoán, liệu có xảy ra tình huống mỗi năm lại phải chế vắc xin COVID-19 mới như đối với bệnh cúm không?

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM:

Nếu virus bị biến đổi nhưng không thoát được hiệu quả của vaccin thì không cần phải chế vaccin cho mỗi năm như với vaccin cúm. Tuy nhiên với biến thể 501.V2 đã được phân tích là có thể trốn thoát được hiệu quả vaccin thì vấn đề phải chế lại vaccin COVID-19 hàng năm rất là rất có thể.

(Còn tiếp)

Hồng Nhung - ảnh Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X