Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao nói xét nghiệm kháng thể COVID-19 không đánh giá được sức đề kháng mạnh hay yếu?

Xét nghiệm kháng thể không đánh giá được sức đề kháng mạnh hay yếu. BS Trương Hữu Khanh, TS.BS Lê Quốc Hùng và ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đều nhận định việc người dân tự ý làm xét nghiệm kháng thể COVID-19 là không cần thiết.

BS Trương Hữu Khanh: Xét nghiệm kháng thể COVID-19 không cần thiết, chỉ làm lo lắng thêm

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM chia sẻ trong livestream mới đây: Mục tiêu của làm xét nghiệm kháng thể là để chẩn đoán rất nhiều bệnh: sốt xuất huyết, sởi, rubella, thủy đậu… để xem bệnh nhân mới bệnh hay bệnh lâu rồi, đây là xét nghiệm rất kinh điển.

Khi một tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus…) xâm nhập vào cơ thể người, nó sẽ tạo ra nhiều loại kháng thể, trong đó có những cấu trúc chính nào thì bác sĩ sẽ tìm kháng thể chống lại cấu trúc chính đó để biết được người này có bệnh hay không, bệnh mới hết hay hết lâu rồi, dựa theo kháng thể IgM, IgG. Có những trường hợp không xét nghiệm IgM, IgG riêng mà làm chung luôn. Ngoài

Đối với người nhiễm bệnh thì họ có rất nhiều loại kháng thể - kháng nguyên.

Đối với người chích ngừa, người ta sẽ chế ra một loại kháng nguyên, và xét nghiệm chỉ tìm kháng thể của kháng nguyên đó thôi. Nhưng cũng có những vắc xin có cấu trúc tạo ra rất nhiều kháng thể.

Do đó:

  • Nếu một người mắc bệnh chưa từng chích vắc xin thì: có kháng thể = đã mắc bệnh, (còn không có kháng thể mà nói đã mắc bệnh thì không chắc nói đúng)
  • Kháng thể ít hay nhiều để trả lời câu hỏi có bệnh lại hay không?: chưa có xét nghiệm nào chắc chắn. Bởi vì đo kháng thể không đơn giản.
  • Trường hợp âm tính giả, dương tính giả: xét nghiệm nào cũng có thể xảy ra nhưng đã được đưa ra thị trường là đã có độ tin cậy.

Hiện nay có một số người có triệu chứng giống như COVID-19 nhưng không biết chắc mình có bị bệnh này không, trường hợp này có thể làm xét nghiệm kháng thể để biết, tuy nhiên chỉ có giá trị đối với cá nhân người bệnh. Còn nếu đã làm xét nghiệm kháng nguyên rồi thì khẳng định có bệnh, không cần làm xét nghiệm kháng thể nữa.

Có người khỏi bệnh COVID-19 rồi, muốn thử đo kháng thể nhiều hay ít thì điều này không cần thiết. Bởi có những trường hợp bệnh rồi kháng thể vẫn thấp nhưng khi vừa “gặp lại” con virus là kháng thể tăng vọt lên, bởi vì cơ thể có “trí nhớ miễn dịch”. Do đó việc xét nghiệm ra kháng thể nhiều, kháng thể ít rồi so sánh với nhau thì không có ý nghĩa gì.

Có người chích ngừa 2 mũi rồi, muốn xem kháng thể của mình “ngon lành” hay chưa, nếu chưa thì chích mũi 3, trường hợp này cũng không cần thiết. Bởi vì đã có kháng thể từ việc chích ngừa thì khi gặp virus mình sẽ bệnh nhẹ. Thật ra, nếu cố công tìm hiểu vấn đề này thì có thể đo kháng thể trung hòa, nhưng xét nghiệm không dễ làm và mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một thông số sẽ làm cho người ta rối thêm. Do đó, đo cái này chỉ thêm… mất ngủ, và cũng chỉ có giá trị cá nhân thôi.

TS.BS Lê Quốc Hùng: Chưa ai khẳng định kết quả xét nghiệm kháng thể đảm bảo chất lượng

TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy trả lời báo Tuổi trẻ rằng mục tiêu của việc tiêm vắc xin là phòng bệnh và đã đạt được. Việc người dân đổ xô đi xét nghiệm đo kháng thể như hiện nay là điều không cần thiết và cũng chưa ai khẳng định kết quả xét nghiệm đó đảm bảo chất lượng.

Theo bác sĩ Hùng, có thể thấy đa số người đi xét nghiệm chỉ muốn biết có đủ kháng thể để chống bệnh hay không. Tuy nhiên, mỗi loại vắc xin đều có một tỉ lệ tạo kháng thể khác nhau, và mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm lại khác nhau nên hầu như không mang lại giá trị nhiều.

"Mục tiêu lớn nhất của việc tiêm vắc xin nhằm bảo vệ con người. Do đó đã tiêm vắc xin chắc chắn có kháng thể và chắc chắn được bảo vệ, nếu có mắc cũng không bị trở nặng dẫn đến tử vong" - bác sĩ Hùng phân tích.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Xét nghiệm kháng thể không đánh giá được sức đề kháng mạnh hay yếu, không đánh giá được toàn bộ hệ miễn dịch

Trả lời AloBacsi, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương lý giải: mọi người có thể hình dung hệ miễn dịch như quân đội của một quốc gia, bao gồm nhiều binh chủng như: bộ binh, không quân, hải quân, tình báo… mà kháng thể chỉ là một trong những binh chủng đó mà thôi.

Hơn nữa, xét nghiệm kháng thể COVID-19 hiện nay trên thị trường chỉ đánh giá được một hay một vài loại kháng thể, tương đương với việc chúng ta chỉ đánh giá được một vài sư đoàn của một binh chủng. Vì vậy, xét nghiệm kháng thể không đánh giá được hoạt động của hệ miễn dịch mạnh hay yếu.

Đó là lý do vì sao ở bước thử nghiệm vắc xin, người ta không chỉ dựa vào xét nghiệm kháng thể để đánh giá hiệu quả của vắc xin, mà còn phải theo dõi người đã chích ngừa rồi có bị bệnh nữa hay không, bởi vì chưa có xét nghiệm nào trả lời được việc này cả.

Ví dụ dễ hiểu: Thời nhà Trần, kỵ binh của quân Nguyên rất mạnh, mà kỵ binh của Đại Việt không sánh bằng (xét nghiệm kháng thể thấy ít quá). Tuy nhiên, khi quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt, nhà Trần đã dùng chiến thuật “vườn không nhà trống” và sau cùng dùng thủy quân để giành chiến thắng (lúc này chúng ta mới biết thực lực của hệ miễn dịch như thế nào).

Điều đó có nghĩa, xét nghiệm kháng thể không đánh giá được hệ miễn dịch mạnh hay yếu.

[DAP]Bộ Y tế chưa khuyến cáo xét nghiệm định lượng hay định tính kháng thể COVID-19

Hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về chi phí xét nghiệm định lượng hay định tính kháng thể COVID-19. Một số đơn vị triển khai, chỉ áp dụng cho nhóm đối tượng được bác sĩ chỉ định hoặc có yêu cầu xét nghiệm khi chẩn đoán nghi ngờ mắc hoặc đã mắc COVID-19.

Kết quả này nhằm hỗ trợ chẩn đoán xem cơ thể có kháng thể nhiều hay ít, qua đó biết được đáp ứng sinh kháng thể của người bệnh. Một số trung tâm xét nghiệm lớn cũng chỉ nhận mẫu xét nghiệm "nội bộ", chủ yếu phục vụ công tác chuyên môn, chưa xét nghiệm trực tiếp cho người dân.[/DAP]

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X