Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao nổi nhiều hạch mà bác sĩ chỉ sinh thiết 1 hạch?

Các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về: sinh thiết hạch, uống thuốc điều trị phình giáp hạt bị chóng mặt, xét nghiệm tìm bệnh u sợi thần kinh, dấu hiệu chân bị bong gân, nằm ngủ không dùng gối... đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Cháu nổi nhiều hạch mà sao bác sĩ chỉ sinh thiết 1 hạch?

- Thanh Nhã - thanhnh...@gmail.com

Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu nổi nhiều hạch ở cổ nhưng khi đi sinh thiết thì chỉ lấy 1 hạch. Như vậy các hạch khác thì sao ạ, lỡ hạch này hạch lành còn hạch kia ác rồi sao bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chào em,

Thông thường, chúng ta chỉ cần sinh thiết 1 hạch trong 1 cụm hạch để làm giải phẫu bệnh xem có tế bào ác tính hay không, chứ không sinh thiết tất cả các hạch, nhưng nếu nhiều hạch to và hạch ở cả 2 bên thì có thể sinh thiết nhiều hơn 1 hạch.

Bởi vì các hạch nhỏ quá thì khó mà sinh thiết trúng được, nên bác sĩ chọn hạch nào to nhất, gần da nhất, dễ sinh thiết nhất để làm, hoặc là hạch nào có nhiều dấu hiệu nghi ngờ ác tính nhất thì sinh thiết hạch này. Nếu có tế bào ung thư thì mấy hạch kia cũng có, còn nếu không có tế bào ung thư thì mình điều trị thử, em uống thuốc giảm viêm thường thôi mà hạch xẹp được thì khó mà là ung thư rồi.

Tất nhiên là vẫn có trường hợp bỏ sót ung thư, do sinh thiết không bắt được tế bào ung thư, dù là sinh thiết hết tất cả các hạch thì khả năng không bắt được tế bào ung thư cũng có xảy ra. Cho nên, trường hợp nhiều hạch thì điều quan trọng nhất là tuân thủ lịch tái khám và kiểm tra định kỳ với bs, chịu khó 1 chút vì bệnh khó mà em!

 

Có phải tác dụng phụ của thuốc điều trị phình giáp hạt là chóng mặt?

- T. T. Thanh Tuyền - thanhtu...@gmail.com

Em bị phình giáp đa hạt hai thùy, xét nghiệm máu bình thường. Bác sĩ chỉ định em uống thuốc Levosum với thuốc bảo vệ gan, nhưng từ khi uống thuốc em luôn thấy mắt mờ lâu lâu hoa mắt chóng mặt. Có phải em bị tác dụng phụ của thuốc phải không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì nhiều khả năng em bị tác dụng phụ của thuốc Levosum - thuốc chính trong điều trị phình giáp hạt, vì thuốc này có báo cáo ghi nhận tác dụng phụ là hoa mắt, chóng mặt, và từ khi uống thuốc thì em xuất hiện các triệu chứng này.

Em nên tái khám lại bác sĩ chuyên khoa nội tiết - tuyến giáp để bác sĩ xem chỉnh liều thuốc xuống cho em, hay là lựa chọn không dùng thuốc luôn mà chỉ theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng thôi với phình giáp nhỏ, hoặc lựa chọn phẫu thuật luôn nếu phình giáp to hay hạt có nguy cơ (TIRADS 3 trở lên), tùy vào biên bản siêu âm và lựa chọn của em mà sẽ có hướng giải quyết khác nhau, em nhé.

 

Có cách nào xét nghiệm bệnh u sợi thần kinh type 1?

- Lê Văn Toản - traipho...@gmail.com

Cháu chào bác sĩ,

Cháu sinh ra có 2 vết chàm cà phê. Cháu lo lắng mình bị u sợi thần kinh type 1 (NF1). Vậy có cách nào xét nghiệm bệnh này không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh u sợi thần kinh có tên khoa học là Neurofibromatosis (viết tắt là NF). Đây là bệnh lý xuất phát từ việc rối loạn di truyền ở nhiễm sắc thể. 50% số bệnh nhân bị u sợi thần kinh có tiền sử gia đình bị bệnh. Số còn lại là do xuất hiện đột biến nhiễm sắc thể và sẽ di truyền cho các thế hệ sau.

Bệnh u sợi thần kinh type 1 còn được gọi là bệnh u sợi thần kinh ngoại biên hay bệnh Von Recklinghausen. Đây là thể bệnh phổ biến hơn so với các thể còn lại, tuy nhiên nhìn chung đây vẫn là một bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc khoảng 1/3000.

Bệnh u sợi thần kinh type 1 luôn luôn xuất hiện ở thời kỳ thiếu niên. 50% số trẻ mắc bệnh sẽ biểu hiện dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân gây nên bệnh u xơ thần kinh ở trẻ em là do rối loạn di truyền tính trội ở nhiễm sắc thể số 17. Thông thường, gen này đóng vai trò tạo ra neurofibromin là một protein giúp đa dạng hóa và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào thần kinh.

Khi gen ở nhiễm sắc thể số 17 này bị đột biến, neurofibromin sẽ bị thiếu hụt dẫn đến các tế bào phát triển một cách không kiểm soát. Kết quả là hình thành nên các khối u lớn nhỏ khác nhau ngay dưới da và lan theo hệ thống thần kinh. Đây là thể bệnh lành tính và đa phần người bệnh vẫn có cuộc sống bình thường.

Đối với NF 1, bệnh biểu hiện với các triệu chứng lâm sàng như sau:

  • Xuất hiện những đốm có màu nâu cà phê sữa trên da (số lượng thường trên 6 đốm), đường kính mỗi đốm thường lớn hơn 0,5 cm. Những đốm này có thể xuất hiện ngay khi trẻ vừa sinh ra. Lúc trẻ lớn lên thì số lượng và kích thước các đốm cũng sẽ tăng dần theo độ tuổi.
  • Có tàn nhang ở những vùng nếp gấp của da như nách, háng hoặc dưới vú. Dấu hiệu này thường xuất hiện khi trẻ 4-5 tuổi và đây được xem là một trong những triệu chứng rõ ràng của bệnh u sợi thần kinh tuýp 1.
  • Sự có mặt của các khối u lành tính ở dưới da hoặc sâu hơn. Chúng thường xuất hiện vào độ tuổi đầu vị thành niên. Đây chính là các u sợi thần kinh. Một số bệnh nhân có thể không có khối u nào nhưng cũng có những bệnh nhân có đến hàng ngàn khối u to nhỏ khác nhau trên khắp cơ thể. Hình dạng các khối u rất đa dạng, thường mềm. Những khối u này thường làm bệnh nhân cảm thấy tự ti và chúng cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện các khối u ở những chỗ khác nhau trên cơ thể gây ra những triệu chứng khác nhau. Nếu khối u phát triển ở trong đầu hay cột sống thì bệnh nhân sẽ bị động kinh, mất thị lực hay chân bị tê liệt.
  • Trẻ mắc bệnh NF1 thường chậm phát triển trí óc, nhưng mức độ tương đối nhẹ. 60% trẻ mắc bệnh gặp phải khó khăn trong quá trình học tập.
  • Trẻ thường có tầm vóc bé, xương phát triển bất thường gây ra tình trạng vẹo cột sống hoặc gù.

Em sinh ra có 2 vết chàm cafe, 2 vết này có phát triển theo thời gian không và em có kèm các bất thường nào kể trên nữa không? Nếu câu trả lời của em toàn là không, thì bác sĩ không nghĩ em bệnh NF1 đâu.

Còn nếu câu trả lời của em là có hoặc em không chắc, em có thể đến Bệnh viện Da liễu để được kiểm tra. Những kỹ thuật dùng để chẩn đoán bệnh u sợi thần kinh type 1 là tiền sử bệnh gia đình, khám lâm sàng và kiểm tra thị lực, đo điện não đồ (EEG) dùng để kiểm tra động kinh, sinh thiết vùng da bất thường để loại trừ ung thư và làm xét nghiệm di truyền học phân tử.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

Người lớn nằm ngủ không dùng gối liệu có bị móp đầu?

- Kim Tuyền - kimtuyen...@icloud.com

Bác sĩ cho em hỏi là gần 1 tháng nay em ngủ nệm không kê gối vì nghe nói ngủ như vậy sẽ tốt cho sức khoẻ cũng như cột sống. Vậy nếu ngủ nệm không kê gối như vậy có làm cho đầu bị móp không? Rất mong bác sĩ giải đáp thắc mắc.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tư thế ngủ tốt cho cột sống nhất là tư thế nằm ngửa, không gối hoặc gối thấp, trên nệm chắc - độ đàn hồi ít (loại ra nệm lò xo, nệm hơi, nệm mút mềm như sofa...). Em không nhất thiết phải ngủ hoàn toàn không gối nếu thấy khó chịu thì có thể dùng gối thấp, gối mỏng hay gối định hình cũng được.

Người lớn có hộp sọ cứng rồi thì nằm không gối trong thời gian dài cũng không bị móp đầu được, hơn nữa em nằm trên nệm chứ không phải mặt phẳng cứng mà, chỉ có trẻ sơ sinh mới bị hiện tượng móp đầu khi nằm 1 bên nhiều thôi, em nhé

 

Khóe móng chân có chất trắng đục mùi thối là bệnh gì?

- T. N. Hoàng Sơn - tnhson...@gmail.com

Em bị hôi móng cái chân bên phải đã nhiều năm nhưng không có cách nào trị, móng không biến dạng, mà ở khóe móng thì hơi sâu, trong đó có chất màu trắng đục như dạng bột, có khi màu xám đen, dùng tâm khự ra thì lấy ra không hết được, thứ chất ấy có mùi thối rất nặng.

Em đã bị chục năm nay chưa có cách nào giải quyết. Mong bác sĩ tư vấn. Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Với tình trạng này, ngón chân đó của em cần được lấy khóe sạch đến tận gốc, và hơn nữa là coi chừng chỗ khóe sâu đang bị nhiễm nấm nên phải dùng thêm thuốc sau khi tiểu phẫu lấy khóe nữa. em có thể đến Bệnh viện Da liễu để tiến hành xử lý cái móng này, đừng đi ra ngoài tiệm làm móng sẽ không lấy hết được đâu, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác (như HIV, viêm gan B, C...) nữa.

 

Bị sưng khi xỏ khuyên tai ở sụn thì nên uống thuốc gì?

- Hồ Hoài Thu - hohoait...@gmail.com

Bác sĩ ơi,

Em bị sưng khi xỏ khuyên ở sụn thì nên uống thuốc gì ạ? Cảm ơn bác sĩ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau khi bấm lỗ tai hay xỏ khuyên tai, tại vị trí đâm kim luôn có xảy ra hiện tượng viêm, với biểu hiện nóng, đau nhẹ, nề nhẹ, chỉ cần thoa dầu có tính sát khuẩn như dầu mù u là đủ, viêm nặng hơn thì dùng thêm thuốc giảm đau và kháng viêm. Tình trạng viêm chỉ kéo dài 3-5 ngày là hết.

Nhưng nếu chăm sóc không kỹ thì vẫn có thể bị nhiễm trùng. Nếu có nhiễm trùng thì sẽ xuất hiện đau tức nhiều hơn, sưng nhiều hơn, đỏ, tụ mủ, hành sốt hay người mệt mỏi, khi đó cần phải có thêm kháng sinh, nếu không vết thương khó lành lắm.

Hiện tại bác sĩ không biết mức độ viêm ở lỗ xỏ khuyên của em ra sao, và Theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của bộ y tế, alobs không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông, cho nên em nên đến cơ sở y tế gần nhà để được kiểm tra và hướng dẫn kê thuốc uống, thuốc bôi cho phù hợp, em nhé.

Ngoài ra, nếu thủ thuật bấm lỗ tai không an toàn thì em còn cần phải tiêm ngừa uốn ván nữa đó.

 

Bàn chân sưng nhưng vẫn cử động được, có phải chỉ bị bong gân?

- Toàn - nguyenki...@gmail.com
Em bị tai nạn xe bàn chân vẫn cử động được. Chân bị sưng to. Có vết bầm ở má chân. Thấy mọi người bảo cử động được thì chỉ bong gân. Mong bác sĩ giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau tai nạn mà bàn chân vẫn cử động được thì có thể loại trừ gãy xương di lệch, nhưng mà, những trường hợp nứt xương nhẹ thì bàn chân vẫn cử động được, chụp Xquang mới biết là có nứt xương gãy xương hay không.

Thứ hai, sau tai nạn thì chấn thương mô mềm bình thường cũng gây sưng bầm đau ở mu chân - cổ chân, mà bong gân cũng có thể gây ra các triệu chứng sưng bầm đau và tập trung nhiều ở cổ chân hơn. Bong gân nhẹ thì điều trị khác mà bong gân nặng thì điều trị khác.

Để an toàn nhất thì em nên khám tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sĩ thăm khám, chụp phim kiểm tra cho em, tùy mức độ mà có hướng xử lý thích hợp, hơn là ngồi ở nhà “đoán hoài” như vậy cũng không làm được gì hơn, em nhé.

 

Té xe 1 tháng rồi mà chân vẫn còn sưng đau, có sao không?

- Thủy - vothithan...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mẹ em bị té xe cách đây 1 tháng, lúc đầu về phần chân bên phải đau, mua thuốc uống thì giảm nhưng gần đây thấy có dấu hiệu sưng đau ạ. Dạ tình trạng trên có sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau 1 tháng từ lúc té xe mà chân vẫn còn sưng đau thì mẹ em cần phải khám lại tại chuyên khoa cơ xương khớp nha, xem có chấn thương khớp hay viêm khớp, viêm mô tế bào, tổn thương dây chằng gì không. Có những trường hợp bệnh nhân có nền thoái hóa khớp sẵn, sau chấn thương va chạm vào khớp thì dù không gãy xương, không đứt dây chằng nhưng khởi kích viêm khớp thoái hóa thì cũng đau kéo dài. Nhìn chung mẹ em cần tái khám lại tại chuyên khoa cơ xương khớp, chụp Xquang khớp nếu chưa làm và siêu âm khớp kiểm tra, em nhé

 

Năm trước đã tiêm 5 mũi vắc xin ngừa dại, năm sau bị chó cắn nữa có cần tiêm không?

- Hoàng Thu Hằng - thuhang...@gmail.com

Dạ em chào bác sĩ,

Ngày 3/12/2019 em có bị chó con cắn vào hai ngón tay sau đó em có đi tiêm theo phác đồ đủ 5 mũi tiêm. Đến nay em có bị chó con cắn vào ngón tay trỏ và ngón giữa và có vết xước, vậy em có phải đi tiêm ngừa không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Khi được tiêm đúng phác đồ 5 mũi vaccine ngừa dại, đúng kỹ thuật, vaccine được bảo quản tốt, hiệu lực bảo vệ trung bình là 1 năm.

Trong thời gian 1 năm đó, nếu bị chó cắn lại mà rơi vào những tình huống sau thì vẫn phải tiêm nhắc kết hợp với huyết thanh kháng dại nữa để tăng độ an toàn lên: tại thời điểm bị cắn mà con chó đã có biểu hiện bệnh dại hoặc xác định là bị dại, vết cắn gần thần kinh trung ương (vùng đầu, mặt, cổ), bộ phận sinh dục.

Ngoài các trường hợp đó thì sẽ không cần tiêm ngừa dại nữa mà ưu tiên theo dõi con chó đã cắn mình trong vòng 10 ngày, nếu nó vẫn còn sống sau thời gian 10 ngày thì chắc chắn tại thời điểm nó cắn em, nó không bị dại và em cũng không có nguy cơ nhiễm dại, em nhé.

 

Gãy tay sau mấy tháng có thể bắt gôn được?

- Nguyễn Mạnh Dũng - benguye...@gmail.com

AloBacsi cho em hỏi, gãy tay sau mấy tháng có thể bắt gôn được ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Dũng thân mến,

Thời gian liền xương trung bình là khoảng 1-2 tháng, tuy nhiên để xương trở lại cấu trúc ban đầu (độ chắc, khỏe) thì phải mất nhiều tháng, quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố; tuổi càng trẻ thì khả năng liền xương càng tốt, người hút thuốc lá thì xương lành chậm hơn... một số trường hợp gãy phức tạp có thể không được chơi lại các môn thể thao có tính va chạm cao như vậy sau này nữa.

Khi em đã lành bệnh hoàn toàn (tháo nẹp/bột/đinh vít cố định) thì nếu muốn chơi bắt gôn lại em cần có 1 thời gian tập luyện ít nhất vài tháng và có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa y học thể thao hay chấn thương chỉnh hình đang điều trị cho em (người nắm rõ bệnh lý của em nhất).

Bắt đầu từ các động tác đơn giản đến phức tạp hơn, xem lúc tập thì tay có đau không, tốt nhất em nên tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp. Khi em không còn đau chỗ gãy khi tập thể thao, tầm vận động khớp bình thường, sức bật và di chuyển đa hướng tốt thì có thể quay lại chơi banh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X