Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao cần dùng thuốc đúng thời điểm lúc đói, lúc no hay uống khi ăn?

Nếu dùng thuốc không đúng lúc, thuốc và thức ăn, thức uống có thể gây tương tác một cách bất lợi. Tuy nhiên, có loại lại không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm, muốn uống lúc nào cũng được. Vậy làm sao để biết thời điểm nào uống thuốc phù hợp với mình?

3 thời điểm uống thuốc

Từ lâu, người ta lựa chọn thời điểm uống thuốc dựa vào các bữa ăn để giúp bệnh nhân dễ ghi nhớ. Tuy nhiên, thức ăn có thể làm giảm tác dụng của thuốc nên tùy theo đặc điểm của mỗi loại thuốc mà bác sĩ sẽ có lời khuyên cụ thể cho bệnh nhân vào 3 thời điểm khác nhau. Cụ thể:

1. Loại thuốc uống vào lúc bụng đói

Uống thuốc lúc bụng đói nghĩa là uống trước khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sau khi ăn 1-2 giờ.

Ví dụ thứ nhất là một số thuốc kém bền với dịch tiết của dạ dày như kháng sinh erythromycin thường được kê đơn để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Thuốc này sẽ bị dịch tiết dạ dày phân hủy và khi mình ăn uống thì dịch tiết dạ dày càng nhiều nên càng dễ phân hủy thuốc. Do đó, để thuốc hấp thu tốt nhất thì nên uống vào lúc bụng rỗng.

Ví dụ thứ hai là nhóm thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng PPIs, cụ thể là omeprazole có tác dụng ngăn tiết axit dịch vị. Thuốc này nên uống vào lúc bụng đói, trước ăn khoảng 30 phút để có đủ thời gian cho thuốc phát huy tác dụng.

Vì sao cần dùng thuốc đúng thời điểm lúc đói, lúc no hay uống khi ăn?

2. Loại thuốc uống vào lúc bụng no

Uống thuốc vào lúc bụng no nghĩa là uống ngay sau khi ăn. Lý do thứ nhất, nếu uống các loại thuốc này khi đói có thể gây các tác dụng phụ buồn nôn, tiêu chảy, ví dụ như thuốc Allopurinol trị bệnh gout hay Metformine trị đái tháo đường. Việc uống thuốc lúc no sẽ làm giảm thiểu các tác dụng khó chịu này.

Lý do thứ hai là một số thuốc có thể gây hại dạ dày, gây kích ứng dạ dày khi tiếp xúc trực tiếp. Do đó, việc uống thuốc lúc no sẽ làm giảm khả năng tiếp xúc trực tiếp với thành dạ dày. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm aspirin và các thuốc giảm đau như ibuprofen.

3. Loại thuốc nên uống cùng với bữa ăn

Những loại thuốc này sẽ được uống trong bữa ăn. Những loại thuốc này khi được uống cùng thức ăn sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Ví dụ như là thuốc tan nhiều trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K thì thức ăn làm tăng hấp thu của thuốc. Hoặc thuốc bổ sung enzyme tiêu hóa như Festal, Neopeptine... cũng nên uống cùng với bữa ăn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Bạn sẽ có lợi gì khi uống thuốc đúng lời điểm?

Khi uống thuốc đúng thời điểm, bạn sẽ đạt được 2 lợi ích quan trọng. Thứ nhất là tăng hiệu quả của thuốc, giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh. Thứ hai là hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, giúp bệnh nhân an toàn hơn khi dùng thuốc.

Để biết lúc nào uống thuốc tốt nhất, người bệnh nên:

- Đọc kỹ đơn thuốc về thời điểm uống thuốc

- Nếu trong đơn thuốc không có thông tin, hãy hỏi bác sĩ chỉ định thuốc

- Hoặc hỏi dược sĩ/ điều dưỡng để được tư vấn

- Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng.

Cách đọc thời điểm dùng thuốc trong một tờ hướng dẫn sử dụng

Thông thường, bệnh nhân nên tìm thông tin thời điểm dùng thuốc trong mục Cách dùng hay Liều dùng hoặc Cách sử dụng.

Ví dụ như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh erythromycin, trong này có chỉ rõ nên uống thuốc lúc đói, nhưng nếu bị kích ứng tiêu hóa có thể uống trong khi ăn.

Đây là một ví dụ rất hay cho thấy một thuốc có thể được khuyên uống vào thời điểm khác nhau tùy khả năng duy nạp của mỗi người. Đối với erythromycin bình thường được khuyên dùng lúc đói để tăng hấp thu thuốc, tuy nhiên nếu một bệnh nhân khác dạ dày yếu hoặc uống thuốc lúc đói gây buồn nôn thì bác sĩ có thể khuyên nên uống trong hoặc sau khi ăn để giảm tác dụng phụ đó. Vì vậy, nếu có thắc mắc về thời điểm uống thuốc, tốt nhất bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế trực tiếp điều trị.

ThS.Dược sĩ Nguyễn Thị Liên
Tổ dược lâm sàng - khoa Dược - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X