Hotline 24/7
08983-08983

Vi khuẩn phế cầu dễ dàng lây lan trong không khí

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loài vi khuẩn cư trú vùng mũi họng, rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tỷ lệ tử vong rất cao.

Vi khuẩn phế cầu rất dễ lây lan qua đường hô hấp, bên cạnh đó tỷ lệ tử vong từ các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra rất cao (gần nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm trên thế giới1). Vì thế, tìm hiểu thông tin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho trẻ là điều cực kỳ cần thiết.

Phế cầu khuẩn dễ lây qua đường hô hấp 

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loài vi khuẩn cư trú vùng mũi họng, có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng mũi họng2. Với những người khỏe mạnh, sức đề kháng cơ thể rất tốt nên vi khuẩn không gây bệnh, tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, do sức đề kháng cơ thể yếu, vi khuẩn phế cầu rất dễ tấn công và gây bệnh.

Vi khuẩn phế cầu phát triển thuận lợi vào mùa đông-xuân3. Bệnh lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người4.

Nên chủ động phòng tránh mối nguy phế cầu khuẩn từ sớm

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và trẻ em là đối tượng chịu sự ảnh hưởng nhiều hơn bởi các căn bệnh phế cầu.

Điển hình đầu tiên phải kể đến viêm phổi do phế cầu, bệnh đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong trên 50% ở trẻ nhỏ5. Trẻ viêm phổi do phế cầu khuẩn thường có biểu hiện: biếng ăn, khó thở, ho, sốt, lạnh, đau đầu.

Kế đến chính là viêm màng não, đây là bệnh lý đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với tỷ lệ tử vong cao tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi là trên 50% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, trong số xấp xỉ 30-50% có thể qua khỏi cơn nguy hiểm nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài có thể gây tàn tật như bị điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém và bị chứng đau đầu kéo dài6.

Đối với viêm màng não do phế cầu khuẩn, các triệu chứng xuất hiện bao gồm trẻ sẽ nôn mửa, sốt, cứng cổ,... Nếu trẻ không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời có thể chịu nhiều di chứng nặng nề: Theo Hiệp Hội Nghiên cứu bệnh Viêm màng não vào tháng 5/2014, cứ 5 người thì có 1 người bị mất thính lực mức độ trung bình hoặc nặng7.

Các bậc phụ huynh nên lưu ý các triệu chứng xuất hiện ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời

Từ những hậu quả kể trên có thể thấy vi khuẩn phế cầu không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế. Cha mẹ cần có những biện pháp phòng ngừa các bệnh do phế cầu cho trẻ từ sớm. Tiêm ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu và dễ thực hiện để phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra. Cha mẹ cũng nên lưu ý cho trẻ chích nhắc đầy đủ, đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả cao nhất.

Cho trẻ tiêm ngừa vắc-xin phế cầu từ sớm là biện pháp bảo vệ trẻ hiệu quả

Bên cạnh tiêm ngừa vắc-xin, việc giữ ấm cơ thể bé trong mùa mưa và mùa lạnh, cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời nhằm tăng cường khả năng miễn dịch, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ là những cách có thể giảm được nguy cơ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên.

Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin và cách phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra trên website http://tiemngua.com.

Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GlaxoSmithKline Pte. Ltd tại TPHCM.




Tài liệu tham khảo
(1)WHO Position paper - Wkly Epidemiol Rec 2012; 87(14):129-144
(2)http://nihe.org.vn/vn/tin-tuc-su-kien/giam-sat-va-phong-chong-dich-benh/thuong-quy-va-huong-dan-ky-thuat-xet-nghiem/phe-cau-khuan-spneumoniae-c12310i14599.htm  (19/7/2015)
(3)Bệnh phế cầu khuẩn, Uỷ ban y tế cộng đồng Boston
(4)https://www.cdc.gov/pneumococcal/about/risk-transmission.html
(5)http://yteduphong.com.vn/tieng-viet/tiem-chung/kien-thuc-tiem-chung/khac-che-phe-cau-khuan-bao-ve-tre-em-c3441i15323.htm
(6)http://yteduphong.com.vn/tieng-viet/tiem-chung/kien-thuc-tiem-chung/khac-che-phe-cau-khuan-bao-ve-tre-em-c3441i15323.htm
(7)http://www.meningitis.org/disease-info/types-causes/pneumococcal (Last updated May 2014)


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X