Hotline 24/7
08983-08983

Vẹo cột sống bẩm sinh có cách nào để phát hiện sớm?

BS.CK2 Võ Châu Duyên - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp về cách phát hiện sớm tình trạng vẹo cột sống bẩm sinh, nguyên nhân gây ra hiện tượng này và phương pháp điều trị như thế nào.

1. Cột sống có cấu tạo như thế nào?

Cột sống thường có 33 đốt sống. Một số người cột sống có 34 hay 35 đốt sống. Mỗi đốt sống giống như một cái thớt của cối xay, xếp chồng lên với nhau. Ở hai bên đốt sống có hai mấu ngang và các mấu ngang tiếp giáp đốt sống với nhau và tạo thành trục thẳng đứng, đồng thời tiếp giáp với xương sườn xung quanh. Đốt sống có nhiệm vụ giữ cơ thể chúng ta thẳng đứng khi chúng ta đi đứng. Đồng thời giúp chúng ta cúi hay ngửa người một cách thoải mái.

Ở chính giữa đốt sống có một hệ thống giống như ống nước, có tủy sống và các dây thần kinh bên trong. Nhiệm vụ cột sống là bảo vệ tủy sống, giúp dẫn truyền cảm giác bên ngoài lên trên não, cũng như dẫn truyền từ não xuống các chi (tay chân).

2. Dị tật vẹo cột sống bẩm sinh ở trẻ được biểu hiện và hiểu đúng như thế nào?

Tỷ lệ vẹo cột sống xuất hiện khá nhiều trong dân số, nó chiếm từ 2 đến 3%. Tuy nhiên, 80% trường hợp vẹo cột sống không có nguyên nhân cụ thể và chỉ khoảng 20% vẹo cột sống có nguyên nhân. Trong đó, một số ít được xếp vào trường hợp bẩm sinh, nghĩa là khi em bé sinh ra, cột sống đã bị vẹo. Điều này xảy ra khi cột sống bị dị tật ở bào thai, nó khiến cho cột sống cong không theo ý muốn của chúng ta.

3. Nguyên nhân gây vẹo cột sống bẩm sinh là gì?

Thông thường, vẹo cột sống xảy ra khi cột sống không được hình thành hoàn hảo. Thay vì hình thành được một cột sống, nó hình thành một nửa đốt sống. Phần còn lại khiến cho cột sống của bé bị nghiêng về nửa khiếm khuyết đó hay cột sống không phân li hoàn toàn.

Khi trẻ bắt đầu hình thành xương sống, nó là một khối liền sau đó tách rời từng đốt. Có một số đốt tách rời không được hoàn hảo, nó sẽ hướng cột sống về phía không được hoàn hảo dẫn đến vẹo cốt sống. Hiện tượng này có thể xảy ra không chỉ ở một đốt mà còn ở nhiều đốt khác nhau. Nó khiến cột sống cong về nhiều hướng khác nhau, gây ra nhiều dạng vẹo cột sống khác nhau cho em bé.

4. Việc phân li bất thường của đốt sống như vậy có phải do bà mẹ và yếu tố tự nhiên hay không?

Nguyên nhân đó có thể là do yếu tố gia đình, một số trường hợp vẹo cột sống do phân li bất toàn có ở thế hệ trước, thế hệ sau có thể gặp, nhưng điều này không chắc chắn hoàn toàn.

5. Có bao nhiêu dạng vẹo cột sống?

Tùy thuộc vào hình dạng cột sống bị vẹo, họ sẽ chia thành nhiều dạng vẹo cột sống khác nhau để tiện cho việc điều trị.

Nếu cột sống vẹo có mặt lõm hướng về phía bên phải, chúng ta gọi đó là vẹo cột sống theo hình chữ C. Nếu cột sống vẹo có mặt lõm hướng về phía bên trái, đó là vẹo cột sống theo hình chữ C ngược. Trường hợp cột sống vẹo thành nhiều hướng khác nhau, ở trên vẹo về bên phải ở dưới vẹo về bên trái gọi là vẹo theo hình chữ S.

6. Trong ba dạng vẹo cột sống: chữ C, chữ C ngược, chữ S, dạng nào nguy hiểm nhất?

Mức độ nguy hiểm của vẹo cột sống không dựa vào dạng vẹo. Dạng vẹo cột sống chỉ định hướng cho chúng ta cách điều trị cho trẻ. Mức độ vẹo cột sống tùy thuộc vào góc vẹo, góc vẹo càng nhiều thì mức độ vẹo cột sống càng nhiều.

7. Rất khó để nhận diện trẻ bị vẹo cột sống khi mới sinh ra, làm sao để phát hiện sớm?

Khả năng chẩn đoán trẻ bị vẹo cột sống lúc bẩm sinh rất khó, trẻ mới sinh ra triệu chứng vẹo cột sống chưa thể hiện nhiều.

Thông thường, trong một số trường hợp bác sĩ khám cho trẻ và họ phát hiện xương sống của em bé bất thường, họ cho đi kiểm tra sâu hơn. Vẹo cột sống bẩm sinh sẽ bị vẹo nhiều hơn khi trẻ lớn lên. Ba mẹ có thể phát hiện một số triệu chứng khi tắm cho trẻ khi trẻ lớn hơn một chút, có thể thấy được một số điểm bất thường như hai bên vai của trẻ không cân đối, một bên hõm vào một bên lồi ra hay dáng đi của trẻ hơi bị lệch về một phía. Lúc đó, ba mẹ có thể đưa bé đến bác sĩ để khảo sát sâu hơn về vẹo cột sống.

8. Ngoài ảnh hưởng về thẩm mỹ, vẹo cột sống có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?

Vẹo cột sống bẩm sinh không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nó cũng gây ảnh hưởng đến nhiều thứ. Cột sống cong vẹo khiến trẻ không thể sinh hoạt bình thường: động tác cúi ngửa của bé sẽ bị hạn chế, đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến dáng đi (bé đi không đẹp).

Nhiều người lo lắng vẹo cột sống sẽ gây ảnh hưởng đến hô hấp tức là trẻ không thể thở sâu được như những đứa trẻ khác.

Đôi khi có sự chèn ép của tủy sống, bé có thể bị yếu liệt hay teo cơ một phần của chi. Khi trẻ lớn lên, trẻ không thể làm việc như những đứa trẻ khác, nó sẽ gây ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe của trẻ rất nhiều.

9. Các phương pháp chẩn đoán trẻ bị vẹo cột sống là gì?

Phương pháp chẩn đoán trẻ bị vẹo cột sống trước nay là cho trẻ đi chụp X-quang. Việc chụp X-quang cần được hạn chế vì tia X sẽ không có lợi cho sự phát triển của bé. Khi chúng ta khám và phát hiện bé bị vẹo cột sống, lúc đó ta sẽ chỉ định cho bé chụp X-quang chứ không chụp X-quang một cách thường quy.

Hiện nay một số bệnh viện đang triển khai phương hướng chụp EOS (kỹ thuật chụp X quang kĩ thuật số toàn thân ở tư thế đứng): chụp được toàn bộ cột sống và đo được góc cong vẹo của cột sống để xác định bé có bị vẹo cột sống, mức độ vẹo cột sống.

10. Điều trị vẹo cột sống được thực hiện như thế nào?

Điều trị vẹo cột sống cho trẻ tùy theo mức độ vẹo cột sống, dựa theo số đo góc COBB. Với các bé có góc COBB nhỏ hơn 20 độ, phụ huynh sẽ cho các bé tập bài tập, theo dõi định kỳ mỗi lần 6 tháng để theo dõi tiến triển mức độ vẹo cột sống tiến triển nhiều hay ít, ta có cần thiệp gì thêm hay không.

Trong trường hợp, bé có góc COBB từ 20 - 45 độ, bác sĩ sẽ tư vấn cho phụ huynh các loại áo nẹp để định hình cột sống cho bé nhằm hạn chế cột sống bị vẹo thêm. Tuy nhiên, các áo nẹp thường chỉ được sử dụng cho đến khi bé hết tuổi dậy thì. Qua tuổi dậy thì, các áo nẹp sẽ không còn cần thiết nữa vì lúc đó, cột sống sẽ không cong vẹo nhiều hơn.

Những bé bị vẹo nặng, có góc COBB trên 45 độ cần được phẫu thuật để chỉnh cho cột sống ngay ngắn, tránh các biến chứng.

11. Điều trị vẹo cột sống cho trẻ sẽ mất thời gian là bao lâu? Có tái phát không?

Trung bình khoảng thời gian điều trị cột sống cho trẻ sẽ mất khoảng thời gian là bao lâu. Khi điều trị thành công, tình trạng này có quay lại hay không, thưa BS?

Mục tiêu của điều trị vẹo cột sống không phải là chữa để hết hoàn toàn. Tật này xuất hiện trong bào thai và tồn tại cho đến khi bé trưởng thành. Ta cần chú trọng đến việc hạn chế cột sống vẹo thêm cho bé, hạn chế các biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị. Trẻ tái khám mỗi 6 tháng và sau đó cha mẹ cần theo dõi cho đến khi bé trưởng thành.

12. Làm sao để cha mẹ giúp con tránh được vẹo cột sống bẩm sinh?

Vẹo cột sống bẩm sinh không thể tránh được vì nó xuất hiện ở bào thai. Tuy nhiên, nếu cha mẹ để ý họ có thể phát hiện sớm dị tật bẩm sinh cho bé để có hướng điều trị thích hợp.

Ngay từ lúc sinh ra, bác sĩ chuyên khoa về nhi sẽ khám cho bé, đánh giá trẻ có bị vẹo cột sống hay không. Nếu không bị cong vẹo, không có nghĩa là trẻ không vẹo cột sống mà có thể là mình chưa phát hiện ra. Trong quá trình bé lớn lên, cha mẹ có thể chú ý, mình có thể nhìn từ phía sau lưng của bé để xem vai bé có bị vênh và dáng đi có bị thất thường hay không?

Khi cha mẹ tắm cho bé hay bé mặc đồ bơi, mình sẽ quan sát dễ dàng hơn. Muốn nhìn rõ hơn, cha mẹ có thể cho bé ngồi cúi ra phía trước. Các biểu hiện của vẹo cột sống sẽ biểu hiện rõ hơn rất nhiều.

Khi phụ huynh nghi ngờ bé bị vẹo cột sống, mình cần cho trẻ đến khám tại bác sĩ chuyên về khoa cột sống. Bác sĩ sẽ có khảo sát chuyên sâu hơn để biết được bé có bị vẹo cột sống hay không.

Trọng Dy (ghi)
Nguồn: video "Vẹo cột sống bẩm sinh" - BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X