Hotline 24/7
08983-08983

Vẹo cổ - trẹo cổ: Khi nào là do nằm sai tư thế, khi nào là bệnh lý?

Sau một đêm dài ngon giấc, bỗng nhiên cổ của bạn căng cứng, đau đến mức không cử động được. Tình trạng này khiến bạn gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, làm việc và học tập. Cần làm gì trong tình huống này? Và khi nào là do nằm sai tư thế, khi nào là bệnh lý? Đón xem chương trình tư vấn cùng ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh bạn sẽ có ngay giải pháp cho mình.

1. Cổ căng cứng sau khi ngủ dậy, do đâu?

Nhiều trường hợp ngủ dậy thấy cổ bị căng cứng, cử động rất khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, tăng lên khi cố làm động tác quay cổ. Thưa BS, tình huống này do những nguyên nhân nào gây ra?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng đau cổ, trẹo hay vẹo cổ thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc một số người khác thì gặp vào buổi chiều (sau thời gian sử dụng máy tính). Bản chất của tình trạng này là co cứng cơ, thường là do gối, nằm sai tư thế khiến cơ căng quá mức. Thường co cứng sẽ xảy ra một bên, hiếm khi nào xảy ra hai bên.

Khi co cứng, giai đoạn đầu mới ngủ dậy cổ sẽ rất đau, thậm chí là không xoay được, nhưng một thời gian sau (1-2 tiếng) cổ có thể cử động. Tuy nhiên, mặc dù cổ đã quay được nhưng còn hạn chế.

2. Cổ căng cứng, đau khi quay cổ: khi nào là do tư thế ngủ, khi nào là bệnh lý?

Tình trạng cổ căng cứng, đau khi quay cổ, khi nào là do ngủ sai tư thế, khi nào là triệu chứng cảnh báo bệnh lý cần đi khám, thưa BS? Và tình trạng này thường gặp ở bệnh lý nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình huống khác có thể gây đau dữ dội như vậy thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc tổn thương ở não (chẳng hạn như đột quỵ); hiếm gặp hơn là nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp đau đằng sau cổ, chỉ gây hạn chế cử động cổ không kèm theo đau đầu, tê tay, không yếu liệt tay chân thì đây là đau do co cứng cơ đơn thuần.

Nếu các triệu chứng khác ví dụ như đau phía trước cổ có khả năng liên quan bệnh lý tuyến giáp như viêm giáp hoặc viêm nhiễm ở mô mềm, đôi khi còn do tình trạng nhồi máu cơ tim (người bệnh bị căng cứng cổ bên cạnh các triệu chứng đau vùng ngực lan ra vùng hàm, cổ).

Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc đột quỵ có thể xuất hiện các triệu chứng yếu-tê tay chân, hoặc yếu toàn thân, bí tiểu, tiểu không tự chủ thì đó là những dấu hiệu nặng cần phải nhập viện.

3. Nên làm gì khi bị vẹo cổ - trẹo cổ khi ngủ dậy?

Trong trường hợp vẹo cổ - trẹo cổ do ngủ sai tư thế, cần làm những gì để khắc phục thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc đầu tiên là chúng ta nằm nghỉ, xoa bóp, chườm lạnh hoặc chườm nóng. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol nếu trong nhà có sẵn để giúp giảm tình trạng co cứng cơ. Đôi khi 1-2 hoặc 3 ngày sau tình trạng này sẽ chấm dứt mà không cần phải đi khám bác sĩ.

4. Chườm nóng hay chườm lạnh sẽ tốt hơn với người bị vẹo cổ, trẹo cổ?

Chườm nóng, chườm ấm hay chườm lạnh sẽ có lợi cho tình huống này thưa BS? Nhờ BS hướng dẫn cách chườm đúng khi bị vẹo cổ - trẹo cổ sau khi thức giấc ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nếu đúng tình trạng đau, vẹo cổ, trẹo cổ là do co cứng cơ chúng ta có thể massage để vùng cơ đó thư giãn. Song song đó là chườm nóng hay chườm lạnh đều được. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, trong tình huống này, chườm nóng hay chườm lạnh đều có tác dụng. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm dầu.

5. Dầu nóng, cao nóng, rượu có hiệu quả khi bị trẹo cổ, vẹo cổ?

Nhiều người thường sử dụng dầu nóng, cao nóng, hoặc cồn rượu xoa bóp. Xin hỏi BS, những giải pháp này liệu có hữu hiệu với người bị vẹo cổ - trẹo cổ? Nếu có thể thực hiện thì cần lưu ý gì để hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các chất này không làm giảm tình trạng giảm đau do co cứng cơ cổ mà bản chất do xoa bóp là chính. Thực tế, việc sử dụng các sản phẩm này người ta lo ngại nhất là gây tổn thương da. Một số trường hợp tôi tiếp nhận có dị ứng da, hoặc phồng rộp, nổi mụn, thậm chí nặng hơn là nhiễm trùng vùng da được xoa bóp. Do đó, chúng ta nên cẩn trọng khi sử dụng. Nếu các loại dầu đã được dùng trước đó thì có thể yên tâm, nhưng nếu đó là loại mới, đặc biệt là rượu thì cần đề phòng kích ứng da.

6. Những sai lầm cần tránh khi bị trẹo cổ, vẹo cổ là gì?

Những sai lầm nào khiến tình trạng này càng tăng nặng hơn mà chúng ta cần tránh thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Sai lầm thường gặp nhất là nắn cổ. Nếu động tác này được chỉ định và thực hiện bởi các chuyên gia, nhân viên y tế có chuyên môn, giàu kinh nghiệm nắn chỉnh xương khớp thì có khả năng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tự thực hiện tại nhà có thể khiến tình trạng vẹo cổ, trẹo cổ nặng hơn, đặc biệt là có thể gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, chèn ép thần kinh.

Thứ hai là nằm yên một chỗ, đợi hết đau hẳn mới bắt đầu làm việc, vận động. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng co cứng cơ cổ có thể kéo dài một vài ngày, việc nằm yên này là không nên.

7. Trẹo cổ, vẹo cổ bao lâu sẽ hết?

Chứng vẹo cổ, trẹo cổ thông thường bao lâu sẽ hết, thưa BS? Một số trường hợp đỡ cảm giác khó chịu nhưng vẫn thấy nặng cổ, vai gáy, làm sao để hết hẳn tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng này có thể kéo dài đến 3 tuần nếu chúng ta không dùng thuốc. Nếu đi khám bác sĩ dùng các thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ mạnh, một số trường hợp có thể hết hẳn sau 3 ngày.

Do đó, nếu không quá đau, chúng ta cũng có thể không dùng thuốc và tình trạng này sẽ hết trong 3 tuần. Còn trong trường hợp muốn hết nhanh thì có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.

8. Di chứng để lại sau vẹo cổ, trẹo cổ là gì?

Vẹo cổ, trẹo cổ do ngủ sai tư thế, nếu không cải thiện liệu có để lại di chứng? Khi nào cần đi khám thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số các trường hợp vẹo cổ, trẹo cổ thông thường không kèm theo triệu chứng tê tay, yếu tay chân thì về cơ bản có thể điều trị tại nhà.

Chỉ riêng đối với trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể do bệnh nhân đã có sẵn tình trạng thoát vị nhẹ trước đó nhưng ngủ gối quá cao hoặc xoay cổ quá mức khiến tình trạng thoát vị nặng hơn nữa trở nên chèn ép thần kinh ở vùng cổ. Khi đó làm cho bệnh nhân tê tay, nặng hơn có thể yếu tay.

Trong tình huống này phải đi khám bác sĩ để xác định mức độ chèn ép, nếu nhẹ có thể điều trị nội khoa, nếu nặng bắt buộc phải phẫu thuật. Vì nếu không phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến yếu, liệt hoàn toàn.

9. Lựa chọn gối ngủ thế nào để bảo vệ cổ, vai gáy?

Nhờ BS hướng dẫn chúng ta nên lựa chọn gối như thế nào để bảo vệ cổ, phòng tránh đau cổ, đau vai gáy ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Chúng ta nên mua loại gối vừa phải. Trước đây, chúng ta sẽ lựa chọn gối theo xu hướng, thói quen nằm ngủ (nằm ngửa, hay nằm nghiêng).

Khi nằm ngửa thường phải sử dụng gối thấp hơn, khi đó chỉ cần gập nhẹ cổ là được. Nếu chúng ta hay nằm ngửa nhưng sử dụng gối cao sẽ dễ dẫn đến tình trạng gập cổ quá mức làm đẩy đĩa đệm ra phía sau và gây thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Trong trường hợp này, ngoài tình trạng co cứng cơ cổ còn có khả năng thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh cổ. Đối với những người hay nằm nghiêng cần sử dụng loại gối cao, vì khi đó cần phải kê một khoảng từ vai đến cổ.

Tuy nhiên, về sau này đã có những loại gối cao hai bên và lõm ở giữa. Như vậy phù hợp với cả sở thích nằm nghiêng và nằm ngửa. Nếu thích nằm ngửa thì sẽ nằm ở giữa. Nếu thích nằm nghiêng thì nằm sang hai bên. Loại gối này giúp nâng đỡ cổ ở kích thước vừa phải, tránh bị vẹo.

Đặc biệt nếu chúng ta lựa chọn gối thấp quá và nằm nghiêng thì cổ sẽ bị quẹo qua một bên, cơ cổ bị kéo căng nên dễ gây trẹo cổ.

10. Những lưu ý khi ngủ để tránh bị vẹo cổ, trẹo cổ

Cuối chương trình, nhờ BS lưu ý một số vấn đề khi ngủ để tránh bị vẹo cổ, trật cổ sau khi thức giấc ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bên cạnh gối thì tư thế ngủ cũng cần phải lưu ý. Với các cặp đôi khi ngủ thường gác cổ lên tay, lên người thì sáng hôm sau cũng có khả năng vẹo cổ. Ngoài ra, nếu chúng ta nằm ngủ ở một môi trường quá lạnh (bật quạt, máy lạnh quá mức), sẽ có xu hướng co cứng các cơ, đặc biệt là vùng cơ cổ ít được giữ ẩm, hay để hở. Chính tình trạng co cứng này khiến chúng ta bị trẹo cổ, vẹo cổ vào sáng hôm sau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X