Hotline 24/7
08983-08983

Vắc xin thủy đậu tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi, liệu có an toàn?

Trước đây, lịch chủng ngừa vắc xin thủy đậu cho trẻ thường bắt đầu từ khi trẻ 1 tuổi, nhưng hiện nay, Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam lại khuyến cáo trẻ nên chủng ngừa thủy đậu từ 9 tháng tuổi. Tiêm ngừa sớm, liệu có an toàn? Bà bầu, trẻ em sau khi tiếp xúc bệnh nhân thủy đậu, tiêm phòng liệu có còn hiệu quả? Tất cả thắc mắc đã được TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương giải đáp.

1. Thời điểm chủng ngừa thủy đậu cho trẻ thay đổi từ 1 tuổi xuống 9 tháng tuổi, liệu có an toàn?

Trước đây, lịch chủng ngừa vắc xin thủy đậu cho trẻ thường bắt đầu từ khi trẻ 1 tuổi, nhưng hiện nay, Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam lại khuyến cáo trẻ nên chủng ngừa thủy đậu từ 9 tháng tuổi. Liệu chủng ngừa sớm như vậy có ảnh hưởng tiêu cực gì đến trẻ không thưa BS?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Trước đây, việc khuyến cáo thời gian tiêm ngừa cho trẻ em chủ yếu liên quan đến các nghiên cứu. Theo đó, người ta thấy rằng, đến thời điểm 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ bởi miễn dịch từ mẹ truyền sang. Chính vì thế, việc tiêm phòng thủy đậu lúc này vẫn chưa cần thiết. Do đó, người ta khuyến cáo trẻ nên chủng ngừa khi đủ 1 tuổi thì sẽ lợi ích hơn và miễn dịch bảo vệ cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các nghiên cứu đã đã chỉ ra rằng miễn dịch bảo vệ với em bé chỉ khoảng 4 tháng tuổi, tức miễn dịch từ mẹ truyền sang con thông qua sữa mẹ chỉ có tác dụng bảo vệ trong vòng 4 tháng tuổi. Như vậy, trong khoảng thời gian ngoài 4 tháng tuổi (khoảng trống miễn dịch), trẻ đã có nguy cơ mắc thủy đậu. Các nhà nghiên cứu đã có những bằng chứng chứng minh việc tiêm phòng thủy đậu cho trẻ 9 tháng tuổi là an toàn. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy vắc xin thủy đậu có thể tiêm được cho trẻ từ 4 đến dưới 9 tháng tuổi.

Theo tôi, việc chúng ta chuyển mũi tiêm xuống thời điểm trẻ 9 tháng tuổi cũng là cơ hội để giảm đi những trường hợp có thể nhiễm sớm trong thời gian đầu đời của em bé.

2. Cách nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh thủy đậu

Nhờ BS hướng dẫn giúp em cách nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh thủy đậu ạ? Triệu chứng nào là điển hình nhất của căn bệnh này thưa BS? Nếu trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần chăm sóc như thế nào để tránh các biến chứng?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Dân gian gọi bệnh thủy đậu đậu đó là trái rạ hay phồng rạ, nghĩa là da sẽ xuất hiện nốt phồng trông giống như bị bỏng. Nốt phồng khi ở giai đoạn mới chỉ là một phần lồi trên da, có dịch trong, đó là những dấu hiệu đầu tiên mà chúng ta có thể nhận ra được ngay.

Vào thời điểm đầu, những nốt phồng này không có mật độ dày. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận ra bằng những tiền triệu (dấu hiệu đầu tiên) như đau bụng, sốt,… Tuy nhiên, dù có phát hiện sớm hay không thì chúng ta vẫn có thể xử lý như bình thường.

3. Bị thủy đậu rồi có tái phát nữa không?

Bị thủy đậu rồi liệu có tái phát nữa không BS ơi? Bé nhà em đã mắc thủy đậu vào năm ngoái, nhưng em vẫn sợ vì thấy căn bệnh này nguy hiểm quá. Em có nên cho bé đi chủng ngừa nữa không ạ?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Đây là một câu hỏi thú vị mà tôi nghĩ rằng trả lời có hay không đều đúng trong trường hợp này. Bởi có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng nhưng lại được các nhân viên y tế ở tuyến dưới chẩn đoán là bị thủy đậu. Tôi cũng đã đi giám sát những ổ dịch được chẩn đoán là thủy đậu nhưng khi lấy mẫu về thì phát hiện ra đó là bệnh tay chân miệng.

Nhiều người dân chưa tiếp xúc với khái niệm tay chân miệng nên khi thấy các nốt phồng sẽ nghĩ ngay đến thủy đậu. Nhiều trường hợp trẻ bị chẩn đoán sai nên đã bị bỏ sót.

Do đó, khi nói đến việc tiêm hay không tiêm vắc xin thì trước tiên chúng ta cần phải có bằng chứng chính xác về chuyện đã bị thủy đậu. Nếu chúng ta chỉ chẩn đoán bằng phương pháp dân gian, tức là ở nhà mọi người tự xác định với nhau thì trường hợp đó có thể bị hiểu nhầm và nếu cẩn thận thì chúng ta vẫn nên tiêm. Điều này sẽ không ảnh hưởng gì cả.

Trong trường hợp đúng là bệnh nhi đã bị thủy đậu thì bé sẽ không bị mắc lại thủy đậu trong tương lai.

Trẻ mắc bệnh thủy đậu thường xuất hiện các nốt mụn nước đỏ (Ảnh minh họa)

3. Bà bầu, trẻ em tiếp xúc bệnh nhân thủy đậu, tiêm phòng có còn kịp không?

BS ơi, bà bầu và trẻ em chưa được chủng ngừa thủy đậu mà nay tiếp xúc với người bệnh thì mình đưa đi chích vắc xin liền có phòng bệnh kịp không ạ? Hôm trước bé nhà bạn em đến chơi mà không biết bị thủy đậu nên là cả nhà đều có tiếp xúc. Mong BS cho em lời khuyên, giờ nhà em cần làm gì ạ.

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Hiện nay, chúng ta có một phác đồ gọi là ngừa nhanh thủy đậu sau phơi nhiễm, tức trong vòng 72 giờ tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì việc tiêm phòng vẫn có tác dụng.

Tuy nhiên, trong trường này lại có phụ nữ đang mang thai. Đây là nhóm không được tiêm vắc xin thủy đậu. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu vô tình phơi nhiễm thì vẫn phải dùng các biện pháp thông thường như vệ sinh, dinh dưỡng,… để phòng bệnh.

4. Vắc xin thủy đậu có những tác dụng phụ gì?

Trước khi chủng ngừa thủy đậu cần làm xét nghiệm gì thưa BS? Bé nhà em 9 tháng tuổi, em dự định đưa đi tiêm vắc xin loại 2 liều, mà bé còn nhỏ nên em cũng sợ. Vắc xin thủy đậu thường có những tác dụng phụ gì? Liệu có nghiêm trọng?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Tính đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ khuyến cáo nào về việc cần xét nghiệm trước khi tiêm phòng thủy đậu. Trừ trường người đi tiêm đã có một bằng chứng xác đáng về chuyện từng nhiễm thủy đậu thì mới phải tính toán chuyện đó.

Với những ai chưa từng mắc thủy đậu thì cứ tiêm vắc xin bình thường theo khuyến cáo.

Điều cần lưu ý là vắc xin phòng bệnh thủy đậu có một số chống chỉ định nhất định bởi đây là một loại vắc xin sống giảm động lực. Những thông tin này đều đã được phổ biến thông qua các hướng dẫn tại cơ sở y tế hoặc người dân có thể tự tìm hiểu trên mạng internet.

Theo tôi, đây là một trong những vắc xin “lành” với những người đi tiêm.

Các nhà nghiên cứu đã có những bằng chứng chứng minh việc tiêm phòng thủy đậu cho trẻ 9 tháng tuổi là an toàn (Ảnh minh họa)

5. Trễ lịch chủng ngừa thủy đậu mũi 2, có cần phải tiêm lại từ đầu?

Trẻ bị trễ lịch chủng ngừa mũi thứ 2 liệu có làm giảm tác dụng của vắc xin? Trễ bao lâu thì cần cho bé tiêm lại từ đầu thưa BS? Em cảm ơn ạ.

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Rất may mắn là dù bạn có muộn mũi tiêm thứ 2 vắc xin thủy đậu thì cũng không cần tiêm lại.

Không chỉ riêng vắc xin thủy đậu, rất nhiều các vắc xin đa liều hiện nay khi bị trễ mũi tiêm tiếp theo thì chúng ta chỉ tiêm nối vào chứ không cần phải tiêm lại. Tác dụng bảo vệ vẫn rất cao như chúng ta tiêm ở thời điểm đúng theo phác đồ.

Tuy nhiên, trong thời gian tiêm trễ, tác dụng bảo vệ của vắc xin sẽ kém đi.

6. Ai không được tiêm vắc xin thuỷ đậu?

Vắc xin thủy đậu có chống chỉ định với ai không thưa BS? Bé nhà em vừa mới hết sốt do mọc răng thì có tiêm ngừa được không ạ? Cảm ơn BS.

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Do vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực nên sẽ có những chống chỉ định riêng do bản chất của chúng.

Cụ thể, trong đợt bệnh cấp, bệnh nhân không được tiêm vắc xin. Ví dụ, nếu trẻ mắc các bệnh cấp tính hoặc đang sốt thì không được tiêm.

Trong trường hợp của bạn đọc, trẻ đang bị sốt mọc răng thì không có vấn đề gì cả và vẫn có thể tiêm bình thường.

Ngoài ra, một số trường hợp chống chỉ định khác như người có tình trạng suy giảm miễn dịch những người đang sử dụng thuốc để làm giảm miễn dịch thì cũng không thể tiêm được.

Bên cạnh đó, một đối tượng khác không thể tiêm vắc xin nữa đó chính là phụ nữ mang thai.

Đều cần lưu ý là vắc xin thủy đậu cần tiêm 2 liều nên nếu có bất cứ phản ứng nào với liều trước (sốc phản vệ, quá mẫn) thì không được tiêm mũi thứ 2.

Ngoài ra, vắc xin thủy đậu có một chút thành phần kháng sinh neomycin trong đó nên nếu ai có phản vệ với neomycin thì cũng không được tiêm.

7. Bị zona do virus thuỷ đậu, liệu có lây cho người nhà?

Em bị zona do virus thủy đậu còn trú ngụ trong cơ thể. Giờ nó hành em dễ sợ luôn. Mà điều em lo nhất là căn bệnh này lây cho người nhà. Em muốn hỏi trường hợp của em có lây cho người khác giống như bệnh thủy đậu không ạ? Nếu lây thì em cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Đây là tình trạng tái kích hoạt của virus, tức sau khi bệnh nhân đã nhiễm đợt đầu, virus đã bị cơ thể giải phóng nhưng vẫn bị nhiễm trong các tế bào một phần và trong các đợt tái bùng phát thì chúng vẫn có những nguy cơ nhất định dù rất nhỏ là có thể lây cho người khác.

Do đó, người bệnh cần phải có sự cách ly nhất định đối với những người xung quanh để tránh những vết tổn thương trên da hoặc tiếp xúc gần hô hấp làm ảnh hưởng, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng.

Với những người gia đình đã được tiêm chủng, hãy yêu cầu người nhà tiêm phòng, đây là một cách để chúng ta bảo vệ chủ động.

8. Tiêm ngừa thủy đậu rồi có mắc bệnh nữa không?

BS ơi, có trường hợp nào bé tiêm ngừa thuỷ đậu xong vẫn mắc bệnh không ạ? Mấy hôm trước bé nhà em chơi trong xóm có một bạn bị thuỷ đậu, mặc dù bé nhà đã được tiêm vắc xin rồi nhưng em vẫn lo quá.

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Trường hợp tiêm vắc xin thủy đậu rồi nhưng vẫn bị bệnh có thể xảy ra trong trường hợp trẻ vừa tiêm xong nhưng trước đó đã bị phơi nhiễm trong lúc người bệnh chưa có biểu hiện bệnh.

Có rất nhiều phụ huynh phàn nàn với tôi rằng: "Tại sao em đi tiêm thủy đậu cho con nhưng 3, 4 ngày sau lại thấy con nổi nốt phồng thủy đậu lên rất nhiều?". Điều này cũng không thể tránh khỏi bởi bệnh còn đang còn lưu hành trong cộng đồng nên chúng ta rất dễ gặp những tình huống này.

Tuy nhiên, trong tình huống của bạn đọc là rất an toàn bởi trẻ tiêm xong rồi mới bị phơi nhiễm. Nếu không may trẻ có biểu hiện thủy đậu thì cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với người chưa chủng ngừa. Bởi thủy đậu ủ bệnh đến 10 ngày, thậm chí có khi lên đến 21 ngày, trong khi đó vắc xin từ 12 - 14 ngày đã sinh ra kháng thể rồi. Như vậy, thời gian sinh ra kháng thể còn nhanh hơn thời gian ủ bệnh. Trong trường hợp này, em bé đã được bảo vệ nên bạn không cần phải quá lo lắng nhé!

Phần 1: Bệnh thủy đậu gây biến chứng gì cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn?

Trân trọng cảm ơn Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X